Lựa chọn của châu Âu

Trong các ngày 6-9/6, khoảng 450 triệu công dân từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ bỏ phiếu để bầu chọn 720 đại biểu cho nhiệm kỳ 5 năm mới của Nghị viện châu Âu (EP).

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 13/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Toàn cảnh phiên họp toàn thể của Nghị viện châu Âu (EP) ở Strasbourg, Pháp ngày 13/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Các ứng cử viên năm nay, tập hợp trong 38 danh sách so với 34 của năm 2019, được bầu theo phương thức bỏ phiếu phổ thông trực tiếp một vòng và quy tắc đại diện theo tỷ lệ. Số đại diện của mỗi quốc gia dựa trên quy mô dân số. Đây là cuộc bầu cử nghị viện lần thứ 10 kể từ cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên năm 1979 và là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau Brexit năm 2020.

Cử tri sẽ bỏ phiếu cho các đảng quốc gia thành viên mà phần lớn trong đó có liên kết với một nhóm chính trị châu Âu, chẳng hạn đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (ECR), Liên minh Tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D), đảng Đổi mới châu Âu (RE)... Sau khi được bầu, các đại biểu sẽ chọn trở thành thành viên của các nhóm chính trị xuyên quốc gia này. Theo kết quả các cuộc thăm dò trước thềm bỏ phiếu, cuộc bầu cử lần này được đánh dấu bằng sự suy yếu của 3 nhóm chính trị chính tạo thành phe “siêu đa số” trong EP hiện nay, gồm EPP, S&D và RE.

Hiện giữ 178 ghế EP, nhóm EPP thuộc cánh hữu bảo thủ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen - người sẽ có một nhiệm kỳ thứ hai nếu được lãnh đạo các nước thành viên EU và các đại biểu trong nghị viện mới ủng hộ - hy vọng sẽ giữ được sự ổn định tương đối. Nữ chính khách người Đức này đang rất tự tin vào những thành tích đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, với nỗ lực phối hợp mua vaccine chung trong thời kỳ đại dịch COVID-19, thiết lập kế hoạch phục hồi quan trọng hậu đại dịch thông qua cơ chế nợ chung, ban hành hàng loạt lệnh trừng phạt Nga. Tuy nhiên, việc triển khai các nội dung của Thỏa thuận Xanh châu Âu theo cách bà đưa ra bị coi là "cứng nhắc" và không nhận được sự ủng hộ của nhiều người.

S&D, liên minh trung tả do Ủy viên châu Âu về Việc làm và Quyền xã hội, cựu Bộ trưởng Lao động Luxembourg Nicolas Schmit dẫn dắt, vẫn trung thành với cương lĩnh dựa trên các giá trị truyền thống cánh tả. Nhóm chính trị này không có nhiều đổi mới trong chiến dịch tranh cử và tiếp tục phản đối việc liên minh với các lực lượng cấp tiến, hy vọng có thể duy trì được 141 ghế hiện tại mặc dù tổng số đại biểu được bầu trong EP lần này tăng thêm 15 so với kỳ trước.

Giữ vị trí ở “trung tâm bàn cờ”, nhóm RE theo đường lối trung dung thân châu Âu hiện do phe đa số ủng hộ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thống trị, dự đoán sẽ suy giảm mạnh, giống như tình trạng của đảng Xanh ở cánh tả. Với 3 nghị sĩ dẫn đầu, gồm Valérie Hayer người Pháp, Marie-Agnes Strack-Zimmermann người Đức và Sandro Gozi người Italy, tuyên ngôn tranh cử của RE nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng phòng thủ và cạnh tranh của EU, thúc đẩy Thỏa thuận Xanh châu Âu và tăng cường bảo vệ nhà nước pháp quyền. Theo các cuộc thăm dò, trong khi EPP và S&D có thể mất lần lượt là 5 và 10 ghế thì RE, hiện giữ 101 ghế, có thể bị rớt hạng từ vị trí thứ ba xuống thứ tư, thậm chí thứ năm trong EP mới.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu nhìn lại lịch sử bầu cử EP, sự dịch chuyển cán cân sang cánh hữu được thấy qua các cuộc thăm dò dư luận lần này sẽ không làm hỏng “siêu liên minh” EPP, S&D và RE vốn luôn giữ "thế cầm trịch" trong các thể chế châu Âu.

Nhóm EPP, tập hợp các đảng bảo thủ đang cầm quyền (hoặc thường xuyên tham gia cầm quyền) như Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) của Đức, đảng Nhân dân (PP) của Tây Ban Nha hoặc đảng Những người Cộng hòa (LR) của Pháp, được dự báo “ít nhiều vẫn giữ được ổn định” sau các cuộc bầu cử, giống như nhóm S&D gồm các đảng Xã hội (PS) của Pháp và Tây Ban Nha, hoặc đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của Đức… Bà Sophia Russack, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính trị châu Âu (CEPS) có trụ sở ở Brussels (Bỉ), nhận định: “Gần như chắc chắn rằng EPP, S&D và RE sẽ vẫn giữ được hơn một nửa số ghế trong EP”. Nhưng tiếng nói của “siêu đa số” này sẽ yếu hơn đáng kể trong cơ quan lập pháp mới.

Trái ngược với tình trạng đi xuống của các nhóm tạo thành “siêu đa số” là sự lớn mạnh của hai đại diện cánh hữu cấp tiến, gồm nhóm Bảo thủ và Cải cách (ECR) và Bản sắc và Dân chủ (ID). Theo kết quả thăm dò mới nhất của mạng European Elects, nhóm ECR theo chủ nghĩa chủ quyền và hoài nghi châu Âu, gồm các đảng Anh em Italy (Fratelli d'Italia), Luật pháp và Công lý (PiS) ở Ba Lan và Vox ở Tây Ban Nha…, sẽ giành được 86 ghế, nhiều hơn 19 ghế so với hiện nay.

Tương tự, nhóm ID gồm các lực lượng cực hữu như Tập hợp quốc gia (RN) ở Pháp, Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) ở Đức, Liên đoàn (La Liga) ở Italy, đảng Tự do (VVD) ở Hà Lan…, cũng có những bước tiến ngoạn mục. Theo kết quả thăm dò, ID sẽ có thêm 25 ghế, nâng tổng số ghế có được sau bầu cử lên 84.

Sự lớn mạnh của hai nhóm cực hữu dường như đã được khẳng định nếu căn cứ vào kết quả tất cả các cuộc thăm dò một tháng trước bầu cử. Tuy nhiên, sức mạnh này có thể mất đi phần nào do RN quyết định “đoạn tuyệt” với AfD sau khi đảng của Đức liên tiếp dính vào các vụ bê bối liên quan đến ứng cử viên hàng đầu Maximilian Krah – vốn được cho là có quan hệ mật thiết với Nga và Trung Quốc.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn, các đảng cầm quyền tại nhiều nước châu Âu không đưa ra được các quyết sách thuận lòng dân, phe cực hữu và dân túy đã tận dụng cơ hội để nhanh chóng vươn lên trở thành một lực lượng chính trị có tiếng nói trọng lượng hơn. Trên thực tế, xu hướng các đảng theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu trỗi dậy mạnh mẽ đã xuất hiện từ những năm gần đây khi các đảng cực hữu lên nắm quyền tại Hungary và Italy; tham gia vào chính phủ ở Phần Lan và Slovakia; giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội tại Hà Lan (11/2023). Có nhiều nguyên nhân tạo nên xu hướng này, trong đó có sự bất mãn của một bộ phận xã hội, gồm những người làm công ăn lương, thất nghiệp, túng thiếu, trình độ thấp, nông dân, công nhân... Đây là những đối tượng cử tri sẵn sàng bỏ phiếu để “trừng phạt chính quyền”.

Ở chiều ngược lại, quá trình vận động tranh cử cũng cho thấy nhiều đảng truyền thống, gồm cả cánh tả lẫn cánh hữu, đã phải “mượn” các chủ đề quen thuộc của cánh hữu cấp tiến để thuyết phục cử tri. Hiện tượng “hữu hóa” này phản ánh sự bế tắc về chính trị của các đảng nắm quyền trong việc đề xuất các giải pháp căn cơ để giải quyết những thách thức suy thoái kinh tế do đại dịch COVID-19, xung đột, biến đổi khí hậu và khủng hoảng di cư đặt ra.

Có thể nói tâm trạng bất an của đông đảo cử tri sẽ chi phối các lá phiếu và mang đến những thay đổi đáng kể trong đời sống chính trị ở châu Âu sau cuộc bầu cử EP năm nay. Trong điều kiện như vậy, cơ quan lập pháp mới sẽ đóng vai trò quan trọng đối với rất nhiều dự án của EU. Ngay sau bầu cử sẽ có rất nhiều thách thức đặt ra cho EP và hai thể chế còn lại, gồm Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, đó là tránh một EU “tụt hậu” và “có thể chết” như phát biểu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nâng cao chủ quyền công nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế, củng cố quyền tự chủ về quốc phòng, ứng phó với tình trạng sản xuất dư thừa của Trung Quốc, điều chỉnh mối quan hệ với Mỹ trong trường hợp tỷ phú - cựu Tổng thống Donald Trump trở lại nắm quyền, quản lý xung đột tại Ukraine và ngăn chặn Nga, giải quyết tình trạng thâm hụt quá mức đối với các quốc gia thành viên…

Các thách thức sẽ càng khó giải quyết hơn khi sự trỗi dậy của các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và dân túy làm suy yếu “cỗ máy thỏa hiệp” của các thể chế. Phe “siêu đa số” sẽ kém ổn định hơn, dễ bị phân tán trong một số vấn đề nhất định. Cũng không loại trừ trường hợp sẽ có các liên minh mới được thành lập. Mới đây, chính bà Ursula von der Leyen, người đứng đầu danh sách ứng cử viên của EPP, đã tuyên bố rằng phe “siêu đa số” sẽ không loại trừ khả năng hợp tác với nhóm ECR.

Nguyễn Tuyên (Phóng viên TTXVN tại châu Âu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lua-chon-cua-chau-au-20240606133247563.htm