EU, một chặng đường đầy chông gai

Những 'cú sốc' liên hoàn sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đặt ra cho tương lai của Liên minh châu Âu (EU) quá nhiều thách thức cũng như hoài nghi. Song, chẳng còn cách nào khác, những biện pháp 'chữa cháy' khẩn cấp vẫn phải được tiến hành. Cho dù, chưa ai có thể chắc chắn rằng những kết quả đạt được liệu có khả quan hay không.

Chủ nghĩa biệt lập - lựa chọn đã định hình

Ngày 17/6, tại Bruxelles, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận việc phân bổ các vị trí hàng đầu của khối, sau khi cuộc bầu cử EP khép lại với sự thăng tiến mạnh mẽ của các đảng cánh hữu và trung hữu, theo khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc. Cho dù là một cuộc họp không chính thức, nhưng những diễn biến của nó vẫn thu hút khá nhiều sự chú ý của các nhà phân tích thời sự quốc tế.

Tuy vậy, thực tế thì vẫn có những điều không nhiều khả năng thay đổi, trên thượng tầng chính trị của cựu lục địa. Như việc đảng Nhân dân châu Âu (EPP) là đảng giành chiến thắng lớn nhất trong cuộc bầu cử vừa qua, nên nhờ đó, họ sẽ tiếp tục lãnh đạo cơ quan điều hành EU - là Ủy ban châu Âu (European Commission/EC) thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Và, bởi vậy, vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu nhiều khả năng vẫn sẽ thuộc về bà Ursula von der Leyen, trong nhiệm kỳ thứ hai của mình.

Hungary đưa ra một chương trình hành động đầy tham vọng.

Hungary đưa ra một chương trình hành động đầy tham vọng.

Bên cạnh Ủy ban châu Âu, các vị trí Chủ tịch Hội đồng châu Âu (European Council/EC) hiện do ông Charles Michel đảm nhiệm và vị trí Đại diện cấp cao phụ trách chính sách đối ngoại của EU - hiện là ông Josep Borrell - cũng được đưa ra thảo luận. Những kết quả cuối cùng sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 27 và 28/6.

Tuy nhiên, 24 giờ sau, cuộc họp ở Bruxelles ấy đã bị lu mờ bởi những thông điệp được Hungary đưa ra, trong lễ tiếp nhận nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Hội đồng Liên minh châu Âu. Ngay trong khẩu hiệu mà họ lựa chọn cho nhiệm kỳ, Hungary đã thể hiện quan điểm một cách mạnh mẽ và gợi lên những liên tưởng đậm nét về một kiểu “chủ nghĩa biệt lập” mà họ muốn châu Âu hướng tới.

Khẩu hiệu ấy là "Make Europe Great Again" (Làm cho châu Âu vĩ đại trở lại) - điều rõ ràng làm tất cả mọi người nhớ đến khẩu hiệu “Make America Great Again” của cựu Tổng thống Mỹ (cũng là đương kim ứng viên cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới) Donald Trump. Và, các vấn đề ưu tiên mà Hungary vạch ra trong chương trình hành động sắp tới cũng mang những màu sắc tương đồng rõ rệt, với cách mà cựu Tổng thống Mỹ từng “thu vén” lợi ích cho nước Mỹ.

Theo đó, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Hungary - ông Janos Boka cho biết: Hungary sẽ tập trung vào 7 ưu tiên, gồm: Tăng cường khả năng cạnh tranh của EU, phát triển ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu và hợp tác mua sắm quốc phòng giữa các quốc gia thành viên EU, bảo vệ biên giới ngoài của EU, ủng hộ chính sách nông nghiệp châu Âu lấy nông dân làm trung tâm, giải quyết vấn đề mở rộng EU trong tương lai và vấn đề nhân khẩu học của châu Âu.

Ông Boka nhấn mạnh: Hungary đảm nhiệm vai trò Chủ tịch EU trong điều kiện bất thường, khi châu Âu đang phải đối mặt với những thách thức chung của cuộc chiến đang diễn ra ở khu vực lân cận của Hungary, sự tách biệt khỏi các đối thủ cạnh tranh toàn cầu, tình hình an ninh dễ bị tổn thương, tình trạng di cư bất hợp pháp, thiên tai, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và tình hình nhân khẩu học. Do đó, nhiệm kỳ Chủ tịch của Hungary "phải phục vụ hòa bình và an ninh châu Âu, tìm kiếm giải pháp đích thực cho các vấn đề của châu Âu".

Phục vụ mục tiêu này, chương trình nghị sự trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU sắp tới của Hungary sẽ bao gồm khoảng 1.500 cuộc họp nhóm công tác, 37 cuộc họp chính thức của Hội đồng EU tại Bruxelles và Luxembourg cùng 230 sự kiện tổ chức tại Hungary. Trong đó, lịch trình chính thức gồm 177 sự kiện, bao gồm 16 hội nghị cấp bộ trưởng và 2 hội nghị thượng đỉnh.

Đây thực sự là một bản phác thảo kế hoạch đầy tham vọng.

Và những nỗi bất an

Thế nhưng, điểm cốt lõi tạo nên diện mạo của EU trong thời gian sắp tới có lẽ sẽ không phụ thuộc quá nhiều vào những cố gắng thay đổi của Hungary, hay các vận động nghị trường của EP. Thật ra, yếu tố mang tính quyết định sẽ phải là cách nước Đức và nước Pháp - hai cường quốc lãnh đạo EU - xử lý các vấn đề bất ổn trong xã hội nội tại của chính mình, nhằm củng cố niềm tin cũng như sự ổn định cho toàn khối. Bởi vì, rõ ràng, sự thắng thế của các đảng phe hữu và trung hữu đã gióng lên hồi chuông báo động về những ẩn ức cũng như mâu thuẫn trong tâm trạng xã hội, ở cả Pháp lẫn Đức.

Người dân Pháp tuần hành chống phe cực hữu.

Người dân Pháp tuần hành chống phe cực hữu.

Tại Berlin, ngày 16/6, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã phải lên tiếng kêu gọi các đảng trong liên minh cầm quyền “xích lại gần nhau”. Động thái này xuất phát từ thực tế: Kể từ đầu nhiệm kỳ, 3 đảng trong chính phủ liên minh - gồm đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) đã nhận nhiều chỉ trích từ dư luận trong nước, khi liên tục xảy ra bất đồng về hàng loạt vấn đề, đặc biệt là các biện pháp khí hậu và chi tiêu ngân sách. Thủ tướng Olaf Scholz cũng phải thừa nhận: Những ý kiến phê phán là hoàn toàn có cơ sở, khi có quá nhiều tranh cãi trong liên minh.

Vì vậy, theo giới phân tích, một “phép thử” trong ngắn hạn đang chờ đợi liên minh cầm quyền của ông Scholz, với thử thách trước mắt là đạt được thỏa thuận về ngân sách năm 2025, vào đầu tháng 7 tới. Có điều, cho đến hiện tại, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner (thuộc FDP) vẫn phản đối bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào đối với các quy định hạn chế nợ cũng như bất cứ khoản tăng thuế nào. Trong khi đó, SPD và đảng Xanh phản đối việc cắt giảm phúc lợi xã hội và các chính sách liên quan đến khí hậu. Không chỉ vậy, tranh cãi trong nội bộ liên minh còn liên quan đến việc tăng nguồn lực phân bổ cho quân đội Đức.

Chưa ai rõ, sau lời kêu gọi, ông Scholz sẽ làm như thế nào để “xích lại gần” những đồng sự “khó tính” của mình, nhằm tìm kiếm và triển khai các quyết sách ổn định xã hội.

Còn ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt buộc phải sử dụng quyền lực của mình để chọn một giải pháp “bần cùng bất đắc dĩ”: Giải tán Quốc hội, tổ chức bầu cử lập pháp sớm (tới 3 năm so với hạn định), sau khi liên minh ôn hòa của ông thất bại trước lực lượng cánh hữu trong cuộc bầu cử EP. Từ ngày 17/6, chiến dịch vận động tranh cử chính thức bắt đầu. Ngày 30/6, sẽ diễn ra cuộc bỏ phiếu vòng 1 và vòng 2 sẽ tiếp diễn ngày 7/7.

Đây thật sự là một “canh bạc liều” của ông chủ Điện Elysee, bởi không có gì bảo đảm rằng ông và các lực lượng chính trị xung quanh ông sẽ “lật ngược được thế cờ”. Kịch bản tồi tệ nhất đối với hiện thực thậm chí còn có thể là việc đảng cực hữu Tập hợp quốc gia (RN) giành được quyền đứng đầu chính phủ, đồng nghĩa với việc lãnh đạo của họ sẽ trở thành Thủ tướng Pháp.

Để ngăn chặn nguy cơ này, không có cách nào khác, liên minh cánh tả Pháp sẽ phải hợp lực cùng nhau, một cách chân thành. Trong thông cáo chung tối 10/6, các đảng Xã hội, đảng Xanh, đảng Nước Pháp bất khuất, đảng Cộng sản Pháp... đã kêu gọi tập hợp trên một nền tảng chung, nhằm tạo thế đối trọng với những phe phái chính trị đối lập. Song, cũng như tại Đức, trong nội bộ liên minh cánh tả cũng tồn đọng không ít bất đồng quan điểm - yếu tố quan trọng dẫn đến tình hình nhiều xáo trộn trong xã hội Pháp thời gian gần đây, với các cuộc biểu tình rầm rộ trên các đường phố.

Tuy nhiên, ngày 15/6, chính một cuộc biểu tình như thế lại có tác dụng khích lệ tinh thần đối với đương kim Tổng thống Macron, cũng như liên minh cánh tả. Tổng Liên đoàn lao động Pháp (CGT) ước tính: Khoảng 640.000 người đã tham gia 182 cuộc tuần hành trên toàn nước Pháp, trong đó có 250.000 người tại Paris, nhằm phản đối phe cực hữu, cũng như thể hiện quyết tâm ngăn chặn những đảng phái đó giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp sắp tới.

Nói cách khác, khi “đi nước cờ liều” giải tán Quốc hội, nhằm tạo nên yếu tố bất ngờ, tái kết nối với các cử tri và nhất là tận dụng nỗi sợ hãi của những người dân không muốn các tư tưởng cực hữu nắm được quyền lực, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng có những cơ sở nhất định. Nhưng, kể cả như vậy thì nguy cơ bất ổn và chia rẽ trong xã hội Pháp cũng vẫn chỉ có thể được che lấp trong nhất thời, khi chưa thể được xử lý triệt để bằng các biện pháp cụ thể.

Nói rộng ra, từ Pháp và Đức, những lằn ranh vô hình cũng đang hiện hữu chồng chéo khắp EU...

Mây Linh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/eu-mot-chang-duong-day-chong-gai-i735380/