Lựa chọn của ông Trump ảnh hưởng đến đàm phán Nga-Ukraine ở Istanbul như nào?
Giữa lúc giao tranh đang ngày càng căng thẳng, Tổng thống Nga Putin bất ngờ đề nghị đàm phán trực tiếp với ông Zelensky tại Istanbul. Lời đồng ý của nhà lãnh đạo Ukraine được đưa ra trong bối cảnh, ông Trump vẫn chưa thực sự từ bỏ vai trò dẫn dắt trong tiến trình hòa đàm giữa hai bên tham chiến.
Trái với dự đoán rằng nhà lãnh đạo Ukraine sẽ công khai chỉ trích Moscow vì từ chối cam kết ngừng bắn trong 30 ngày - một yêu cầu được Kiev và các đồng minh phương Tây nêu ra vào cuối tuần trước, ông Zelensky đã lựa chọn một cách tiếp cận mềm mỏng hơn. Tổng thống Ukraine đã đồng ý lời đề nghị đàm phán trực tiếp từ người đồng cấp Nga Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào đêm muộn ngày 15/5 tới tại Istanbul.
Trên nền tảng X, ông Zelensky gọi động thái của Nga là “một dấu hiệu tích cực cho thấy nước này cuối cùng cũng bắt đầu cân nhắc nghiêm túc đến việc chấm dứt xung đột”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Kiev nhấn mạnh rằng Ukraine đang chờ đợi một cam kết rõ ràng từ Moscow về việc tuân thủ lệnh ngừng bắn kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ ngày 12/5.
Dù vậy, không dễ để xác định liệu ông Zelensky có thực sự coi lời mời đàm phán từ Điện Kremlin là một bước tiến thực chất hay không. Bởi cả Moscow và Kiev đều không muốn bị coi là bên cản đường trong tiến trình hòa bình, đặc biệt là trong bối cảnh Nhà Trắng đang đẩy nhanh nỗ lực đưa cuộc xung đột ở Ukraine đến điểm kết.

Ông Trump. Ảnh: Reuters
Về phần mình, Tổng thống Mỹ đang tỏ ra đầy lạc quan. Trong bài đăng mới đây trên nền tảng Truth Social, ông Trump viết: “Một ngày tuyệt vời cho cả Nga lẫn Ukraine!”, ngụ ý rằng hòa bình có thể đang ở rất gần. Nhưng trên thực tế, mâu thuẫn vẫn ngổn ngang.
Tổng thống Putin nhiều lần tuyên bố rằng ông muốn giải quyết “căn nguyên của cuộc xung đột”. Theo góc nhìn của Điện Kremlin, điều này đồng nghĩa với việc Ukraine phải từ bỏ tham vọng gia nhập NATO và giữ vị thế trung lập; đồng thời công nhận chủ quyền của Nga trên các vùng lãnh thổ tranh chấp, bao gồm (Kherson, Zaporizhia, Lugansk, Donetsk) cũng như bán đảo Crimea. Song cho đến nay, tuyên bố này vẫn đi ngược lại ý muốn của Kiev, khi nước này vẫn kiên định với mong muốn khôi phục lại đường viên giới trước năm 2014.
Cùng lúc đó, châu Âu cũng không thể đứng ngoài cuộc. Cuối tuần trước, Moscow tuyên bố rằng bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào cũng sẽ không thể có hiệu lực nếu phương Tây không ngừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, trong bối cảnh giao tranh liên tục trên chiến trường yêu cầu Kiev phải duy trì một nguồn cung vũ khí liên tục một đòi hỏi rõ ràng nhằm làm suy yếu khả năng phòng thủ của Kiev trước các cuộc tấn công đang diễn ra.
Trên thực địa, tình hình ngày càng căng thẳng. Ukraine vẫn đang rất cần một mạng lưới phòng không liên tục và hiệu quả để đối phó với làn sóng máy bay không người lái và tên lửa từ Nga. Rạng sáng 11/5, người dân thủ đô Kiev một lần nữa bị đánh thức bởi tiếng còi báo động không kích, báo hiệu các đợt tấn công mới từ phía Nga. Trước đó, Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine ngày 9/5 đã đưa ra cảnh báo gửi đến công dân Mỹ về “nguy cơ xảy ra các cuộc không kích trong những ngày tới”.
Mối quan ngại lớn nhất hiện nay xoay quanh khả năng Nga tiếp tục triển khai tên lửa siêu vượt âm Oreshnik - loại vũ khí được cho là từng phá hủy một nhà máy ở Dnipro vào tháng 11 năm ngoái. Với vận tốc lên tới 10 Mach, loại tên lửa này gần như không thể bị đánh chặn, đặt ra thách thức nghiêm trọng cho hệ thống phòng không của Ukraine.
Trong bối cảnh ấy, câu hỏi then chốt đặt ra là: Liệu Tổng thống Trump sẽ hành động ra sao? Liệu ông chủ Nhà Trắng sẽ cứng rắn hơn với Nga nhằm buộc nước này nhanh chóng đồng thuận về một thỏa thuận hòa bình? Hay ngược lại, mối quan hệ được cho là đang nồng ấm trở lại giữa Moscow và Washington sẽ mở đường cho một lối thoát ngoại giao trong cuộc đàm phán ở Istanbul sắp tới bằng cách gây áp lực lên Kiev?
Lựa chọn của ông Trump
Kịch bản lạc quan nhất với Ukraine là ông Trump sử dụng đòn bẩy chính trị của mình để buộc cả hai bên, đặc biệt là Điện Kremlin, cam kết với một thỏa thuận ngừng bắn nghiêm túc và tạo tiền đề cho các cuộc đàm phán hòa bình thực chất. Với ảnh hưởng còn lại từ nhiệm kỳ trước và mạng lưới đồng minh trong giới lãnh đạo châu Âu, Tổng thống Trump tiếp tục vai trò là “người kiến tạo hòa bình”, đồng thời đạt được mục tiêu chấm dứt xung đột ở Ukraine mà ông từng đưa ra trong thời gian tranh cử.
Tuy nhiên, một kịch bản đáng lo ngại hơn là ông Trump sẽ gia áp lực lên Ukraine, buộc Kiev phải nhượng bộ trước khi có được bất kỳ cam kết nghiêm túc nào từ phía Nga. Trong trường hợp này, ông Zelensky có thể sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: hoặc là từ chối lời kêu gọi từ Trump và đối mặt với nguy cơ mất đi sự ủng hộ từ Mỹ - nhà viện trợ quân sự lớn nhất của Ukraine; hoặc là chấp nhận đàm phán trong thế yếu, khi Nga đang giành được nhiều thành quả quân sự trên chiến trường.
Dù theo hướng nào, vai trò dẵn dắt của Mỹ trong tiến trình hòa đàm không thể bị xem nhẹ. Những bước đi sắp tới của ông Trump không chỉ tác động đến tương lai của Ukraine mà còn có thể định hình trật tự an ninh mới tại châu Âu trong nhiều năm tới.