Lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phế quản như thế nào?

Viêm phế quản là bệnh lý đường hô hấp khi niêm mạc của các phế quản bị viêm và kích thích, dày lên, gây sưng phồng làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản. Vậy có phải lúc nào cũng cần kiểm soát tình trạng nhiễm trùng này bằng thuốc kháng sinh?

1. Khi nào cần dùng kháng sinh điều trị viêm phế quản?

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp không cần dùng kháng sinh vì đa phần bệnh lý này xuất phát từ việc nhiễm virus; trong khi kháng sinh không có hiệu lực tiêu diệt virus mà chỉ có tác dụng với vi khuẩn.

Chỉ dùng kháng sinh cho những trường hợp:

Cải thiện lâm sàng chậm, hoặc không cải thiện.
Ho khạc đờm mủ, đờm màu vàng, hoặc màu xanh.
Người bệnh có kèm bệnh tim, phổi, thận, gan, thần kinh cơ, suy giảm miễn dịch.
Người bệnh > 65 tuổi có ho cấp tính kèm thêm các dấu hiệu sau: nhập viện trong 1 năm trước; có đái tháo đường typ 1 hoặc typ 2; tiền sử suy tim sung huyết; hiện đang dùng corticoid uống.

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp do virus không cần dùng kháng sinh.

Hầu hết các trường hợp viêm phế quản cấp do virus không cần dùng kháng sinh.

2. Lựa chọn kháng sinh điều trị viêm phế quản như thế nào?

Theo hướng dẫn quản lý và kiểm soát viêm phế quản cấp ở người lớn của Bộ Y tế, chọn lựa kháng sinh cần dựa vào mô hình vi khuẩn và tình hình kháng kháng sinh tại địa phương.

- Đối với những trường hợp viêm phế quản cấp ở người trước đó hoàn toàn khỏe mạnh, ưu tiên lựa chọn kháng sinh nhóm macrolid hoặc doxycycline, kháng sinh thay thế có thể sử dụng là beta-lactam.

- Trong điều trị các trường hợp viêm phế quản cấp có tiền sử dùng kháng sinh trong vòng 3 tháng gần đây, hoặc viêm phế quản cấp ở người có tuổi cao, có bệnh mạn tính kèm theo, nên lựa chọn kháng sinh ban đầu là nhóm beta-lactam phối hợp với chất ức chế beta-lactamase hoặc nhóm quinolone.

+ Kháng sinh nhóm macrolid gồm: Erythromycin, azithromycin, clarithromycin, doxycycline.

+ Nhóm beta-lactam gồm: Amoxicillin + acid clavulanic, cefuroxime, cefdinir, cefpodoxime.

+ Nhóm quinolone như: Levofloxacin, moxifloxacin.

Lưu ý, khi dùng các thuốc kháng sinh trị viêm phế quản có thể gặp một số tác dụng phụ: Buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc phát ban nhẹ trên da.

3. Một số lưu ý khi dùng thuốc kháng sinh trong điều trị viêm phế quản

- Bệnh nhân không nên tự ý dùng kháng sinh trị viêm phế quản tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ.

- Không được tự ý ngừng thuốc kháng sinh sớm khi cảm thấy cơ thể dễ chịu hơn hoặc không còn triệu chứng vì có thể gây ra tình trạng đề kháng kháng sinh, bệnh dễ tái phát lại và nghiêm trọng hơn so với ban đầu.

- Việc dùng thuốc kháng sinh khi không cần thiết, tự ý tăng liều, giảm liều hoặc ngừng dùng thuốc... còn làm tăng khả năng vi khuẩn phát triển tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

- Việc dùng thuốc kháng sinh có thể tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh lẫn vi khuẩn có lợi, do đó phá vỡ thế cân bằng vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho sự phát triển của các loại vi khuẩn gây bệnh có sẵn hoặc mới xâm nhập, gây ra tình trạng loạn khuẩn đường ruột với các triệu chứng như tiêu chảy, viêm ruột. Do đó, sau mỗi đợt kháng sinh nên cho bổ sung lợi khuẩn bằng cách ăn sữa chua và uống men vi sinh để cung cấp vi khuẩn có lợi cho đường ruột.

Uống nước đá trong mùa hè- tưởng mát nhưng cực nhiều nguy hại.

DS. Phạm Quỳnh Như

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lua-chon-khang-sinh-dieu-tri-viem-phe-quan-nhu-the-nao-169230605163719795.htm