Lựa chọn khó khăn của Ai Cập trong khủng hoảng kinh tế

Ai Cập có thể cần đẩy nhanh tốc độ thực thi cải cách hoặc thực hiện nhiều 'điều chỉnh đau đớn' để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng hiện nay.

Người dân tại một khu chợ ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/ TTXVN

Người dân tại một khu chợ ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP/ TTXVN

Báo The National News của Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) vừa đăng bài viết dẫn đánh giá của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs (Mỹ) cho rằng Ai Cập cần đẩy nhanh tốc độ thực thi các cải cách hoặc thực hiện nhiều "điều chỉnh đau đớn" hơn để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng hiện nay.

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab, đang phải đối mặt với tỷ lệ phát hai con số và khủng hoảng tiền tệ ngày càng nghiêm trọng, gây áp lực rất lớn lên nền kinh tế đất nước. Trong báo cáo công bố tuần trước, Goldman Sachs lưu ý: "Theo quan điểm của chúng tôi, khủng hoảng khiến Ai Cập phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn: đẩy nhanh việc thực hiện chương trình cải cách hoặc tiến tới những điều chỉnh khó khăn hơn nữa".

Ai Cập đã ba lần phá giá đồng nội tệ trong năm qua, khiến đồng bảng Ai Cập mất khoảng 50% giá trị so với đồng USD. Việc giảm giá đồng nội tệ đạt được rất ít tiến bộ trong việc xoa dịu cuộc khủng hoảng ngoại hối dai dẳng hoặc thu hút sự quan tâm đối với thị trường nợ sinh lợi một thời của Ai Cập.

Do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine, Ai Cập cũng đang phải đối mặt với lạm phát hai con số trong quý I/2023. Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Ai Cập trong tháng 3/2023 đã ở mức 33,9%, tăng mạnh từ 31,9% của tháng 2/2023 và 26,5% ghi nhận trong tháng 1/2023, chủ yếu do giá lương thực tăng mạnh.

Chính phủ của Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã kiên quyết bảo vệ các chính sách kinh tế của mình, đồng thời đổ lỗi cuộc xung đột Nga-Ukraine là nguyên nhân chủ yếu gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế ở Ai Cập. Cairo cho rằng tình trạng khó khăn kinh tế của họ được tạo ra bởi một cuộc khủng hoảng toàn cầu mà Ai Cập không tham gia. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá cuộc khủng hoảng này, ít nhất một phần, là kết quả của việc chi tiêu quá mức cho các dự án quốc gia khổng lồ nhưng không cần thiết. Những người chỉ trích cũng lưu ý đến tình trạng vay mượn quá nhiều và thiếu minh bạch của Ai Cập.

Phát biểu trong một sự kiện mới đây nhân chuyến thăm tới các đơn vị quân đội ở Bán đảo Sinai, Tổng thống El-Sisi nhấn mạnh: "Thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế rất nghiêm trọng, có tác động rất nặng nề đến chúng ta. Nhưng chúng ta kiên định và sẽ vượt qua khủng hoảng". Ông El-Sisi cũng lạc quan nói rằng: "Không có vấn đề gì là không thể giải quyết được. Khủng hoảng sẽ là vấn đề lịch sử, giống như chủ nghĩa khủng bố".

Theo thỏa thuận đạt được với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào cuối năm ngoái, Ai Cập đã nhận được khoản vay 3 tỷ USD để cải tổ nền kinh tế. Thỏa thuận với IMF cũng yêu cầu Ai Cập áp dụng một chế độ ngoại hối linh hoạt, giảm bớt sự hiện diện của chính phủ trong nền kinh tế và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.

Goldman Sachs khuyến nghị Ai Cập cần phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các cải cách theo thỏa thuận với IMF. Sáu tháng sau khi ký thỏa thuận với định chế tài chính đa phương quốc tế này, chế độ ngoại hối của Ai Cập dường như được kiểm soát một phần, với đồng USD được giao dịch ở mức khoảng 30 bảng đổi 1 USD tại các ngân hàng trong những tuần gần đây. Trong khi đó, trên thị trường song song, đồng USD được giao dịch ở mức 36-37 bảng đổi 1 USD.

Sự cách biệt khá lớn giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường chợ đen là bằng chứng cho thấy nguồn ngoại hối sẵn có trong hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng đối với đồng USD ở Ai Cập. Điều này cũng đã dấy lên những đồn đoán rằng đồng bảng Ai Cập có thể bị phá giá một lần nữa, mặc dù chính phủ Ai Cập sẽ rất cảnh giác vì động thái như vậy có thể ảnh hưởng đến giá cả và gây bất ổn xã hội.

Theo Goldman Sachs, Ai Cập có rất ít lựa chọn để khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn USD. Saudi Arabia, UAE và Kuwait - vốn được xem là các nguồn hỗ trợ kinh tế truyền thống của Ai Cập tại vùng Vịnh - đã phát tín hiệu rằng họ chỉ muốn đầu tư trực tiếp vào nền kinh tế Ai Cập hơn là gửi hàng tỷ USD vào Ngân hàng Trung ương Ai Cập như họ đã từng làm trong nhiều năm qua. Goldman Sachs cho rằng IMF cũng khó có thể cung cấp cho Ai Cập thêm bất kỳ khoản vay đáng kể nào nữa "nếu Cairo không đẩy mạnh các nỗ lực cải cách kinh tế".

Ai Cập đã vay IMF khoảng 20 tỷ USD tính đến nay, khiến quốc gia Bắc Phi này trở thành "con nợ" lớn thứ hai thế giới của IMF sau Argentina. Sự không chắc chắn về giá trị đồng bảng Ai Cập so với đồng USD đang cản trở thị trường nợ của Ai Cập lấy lại sức hấp dẫn như trước đây. Các khoản đầu tư trị giá ít nhất 20 tỷ USD đã nhanh chóng được rút khỏi thị trường nợ của Ai Cập ngay sau khi nổ ra khủng hoảng Nga-Ukraine vào tháng Hai năm ngoái.

Goldman Sachs nhận xét mặc dù việc thực hiện các cải cách theo quy định của IMF có thể thúc đẩy dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng việc thực thi chúng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tháng 3/2023, Ai Cập thông báo nước này có kế hoạch cổ phần hóa 32 doanh nghiệp nhà nước, bao gồm các ngân hàng và công ty thuộc sở hữu của quân đội. Theo giới quan sát, kế hoạch này sẽ thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư chủ quyền ở vùng Vịnh, song tốc độ triển khai còn rất chậm.

Goldman Sachs cho hay "sự đình trệ" của kế hoạch bán ngân hàng United Bank của Ai Cập cho Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia và việc hoãn kế hoạch bán 10% cổ phần trong công ty viễn thông Telecom Egypt đã "làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư"./.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Cairo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lua-chon-kho-khan-cua-ai-cap-trong-khung-hoang-kinh-te/288014.html