Lựa chọn nào tốt nhất cho sách giáo khoa phổ thông mới?
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới công bố danh mục sách giáo khoa phổ thông mới gồm 32 cuốn cho 8 môn học lớp 1. Theo đó, việc địa phương sẽ lựa chọn bộ sách giáo khoa phù hợp nhất như thế nào đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.
Bộ sách tiếng Việt lớp 1 của nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Ảnh minh họa
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vẫn là "ông lớn"
Mục tiêu của việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông nhằm hướng đến sự đa dạng sách để nâng cao chất lượng sách giáo khoa và chống tiêu cực. Nhưng theo kết quả thẩm định sách giáo khoa có 32 cuốn sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt thì có tới 24 cuốn sách giáo khoa là của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam. Như vậy, NXB Giáo dục Việt Nam vẫn chiếm phần lớn trong việc cung ứng sách giáo khoa, cho thấy câu chuyện độc quyền sách giáo khoa vẫn chưa thay đổi nhiều.
Bên cạnh đó, sự tham gia của các thành viên thẩm định sách giáo khoa lần này chủ yếu đến từ trường đại học Khoa học Xã hội và nhân văn. Đây là đơn vị thẩm định "truyền thống" từ trước đến nay, cho thấy chưa đảm bảo tính "đổi mới" cho sách giáo khoa phổ thông mới.
Nhà thẩm định truyền thống, cộng thêm việc có nhiều tác giả của sách giáo khoa hiện hành nhưng giờ lại vào hội đồng thẩm định, hay có những tác giả viết sách hiện hành giờ lại viết sách giáo khoa mới...Thì câu chuyện độc quyền chưa thể thay đổi được.
Trả lời về vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT, ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Giáo dục Tiểu học cho rằng: “Tính độc quyền chỉ xảy ra khi có một bộ sách, nhưng hiện tại có nhiều bộ sách giáo khoa đến từ nhiều nhóm tác giả khác nhau, nhiều nhà khoa học khác nhau. Trong quá trình lựa chọn ở mỗi địa phương,thì luật cũng không quy định địa phương lựa chọn sách theo bộ hay theo môn… Theo đó, việc lựa chọn bộ sách tốt nhất vẫn phải dựa trên tính phù hợp của từng bộ môn đó với từng địa phương. Vì vậy, tính độc quyền sẽ được hạn chế tối đa trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, tính độc quyền sẽ được hạn chế đến đâu khi nhiều bộ sách giáo khoa đến từ “từ nhiều nhóm tác giả, nhiều nhà khoa học khác nhau” nhưng vẫn tập trung nhiều vào NXB Giáo dục Việt Nam thì việc lựa chọn sách giáo khoa nào cũng sẽ rơi phần lớn vào NXB Giáo dục Việt Nam là điều dễ nhận thấy.
Nhiều lo ngại về vấn đề lợi ích nhóm
Đứng trước thực tế NXB Giáo dục Việt Nam đang chiếm ưu thế lớn đã đặt ra nhiều băn khoăn về việc tái diễn câu chuyện tăng giá thành sách của NXB Giáo dục trước đó. Theo đó, những vấn đề lợi ích nhóm khi giao cho địa phương lựa chọn sách cũng là vấn đề đáng lo ngại.
Thực tế là, từ trước tới nay NXB Giáo dục Việt Nam luôn giữ độc quyền về sách giáo khoa và khi đơn vị này kêu lỗ đã nhanh chóng được tăng giá mạnh vào năm học 2019-2020. Theo ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ kế hoạch Tài chính, Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu để báo cáo Chính phủ để có cơ chế về SGK cho phù hợp, đảm bảo công bằng và tránh sự tăng giá đột biến.
Đối với quy trình lựa chọn sách giáo khoa, ông Nguyễn Xuân Thành (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học) cho biết: “Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT”.
Như vậy, Bộ GD&ĐT sẽ quy định về thành phần của hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cho đến quy định về các nguyên tắc, yêu cầu để việc thực hiện lựa chọn ấy mang tính chuyên môn. ở GD&ĐT sẽ là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện thành lập hội đồng và lựa chọn theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhưng trên thực tế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị trực thuộc của Bộ GD&ĐT. Bộ là cơ quan chủ trì viết chương trình tổng thể, chương trình môn học, thẩm định sách giáo khoa. Đặc biệt, trong các đợt tập huấn chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây, thì những tác giả của sách giáo khoa phổ thông mới, các nhà xuất bản (trong đó phần lớn là NXB Giáo dục Việt Nam bởi phần lớn sách thuộc về NXB Giáo dục Việt Nam).. là những người tham gia chính trong việc tập huấn cho các địa phương.
Việc định hướng, lựa chọn sách giáo khoa cho các địa phương có diễn ra như thế nào cũng sẽ nằm trong khuôn khổ phần lớn các bộ sách giáo khoa của NXB Giáo dục Việt Nam. Và câu chuyện chiếm lĩnh thị trường sách giáo khoa vẫn khó tránh khỏi câu chuyện cũ. Việc tăng giá sách có đảm bảo đúng quy trình để không tăng đột biến cũng khó có thể trả lời.
Trước vấn đề trên thì sẽ không có chuyện chắc chắn nào cho câu chuyện lựa chọn sách giáo khoa. Liệu có hay không câu chuyện mỗi năm chọn một bộ sách. Do vậy, cũng khó có một sự lựa chọn nào có thể được gọi là tốt nhất cho các địa phương khi chọn sách giáo khoa phổ thông mới hiện nay.