Lựa chọn phương án tối ưu trong quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 2.11 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ĐBQH các đoàn Hà Giang, Đồng Nai, Sóc Trăng đồng tình với phương án cho rằng: Xoay quanh nội dung BHXH một lần, cần giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực. Bởi, phương án này bảo đảm được tối ưu quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại phiên thảo luận

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu tại phiên thảo luận

Góp ý vào Dự thảo Luật, đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết: khoản 5 Điều 7 quy định “Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHTN và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Quy định này không chặt chẽ và chưa khả thi. Bởi, một số địa phương sẽ khó và không bố trí ngân sách đóng cho người tham gia BHTN và người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét và sửa đổi theo hướng “Chính phủ giao cho các địa phương bố trí ngân sách hàng năm, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm kinh phí đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) tham gia ý kiến

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) tham gia ý kiến

Xoay quanh nội dung BHXH một lần, tại điểm đ khoản 1 Điều 70, đại biểu Tráng A Dương cho rằng: 2 phương án đưa ra trong Dự thảo Luật đều có ưu, nhược điểm nhất định. Song, đại biểu đồng tình với phương án 1 là giữ quy định hiện hành đối với người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực. Bởi, phương án 1 bảo đảm được tối ưu quyền lợi của người lao động khi tham gia BHXH.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) góp ý kiến vào dự thảo Luật

Đồng quan điểm lựa chọn phương án 1, song một số đại biểu đề nghị tại điểm đ khoản 1 Điều 70 cần điều chỉnh thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm xuống chưa đủ 15 năm để phù hợp với quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí. Bên cạnh đó, cần kích hoạt thêm các chế độ bảo trợ đi kèm như: tăng thêm mức hưởng BHYT; tăng đối tượng bảo hiểm bắt buộc và làm tốt hơn nữa chính sách BHTN...

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Cho ý kiến về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 Dự thảo Luật - “Chiếm dụng tiền hưởng BHXH”, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) cho biết, thực tế có tình trạng các đơn vị sử dụng lao động dù đã trích trừ tiền đóng của người lao động hàng tháng cùng với kỳ trả lương, nhưng lại chậm đóng khoản BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động. Do đó, bên cạnh việc cấm “Chiếm dụng tiền hưởng BHXH”, cần quy định cấm đối với hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH để làm cơ sở quy định và xử lý vi phạm đối với hành vi này. Vì vậy, đề nghị sửa khoản 1, Điều 8 trên cơ sở giữ nguyên như khoản 3 Điều 17 Luật BHXH 2014, cụ thể: cấm “Chiếm dụng tiền đóng, hưởng BHXH, BHTN”.

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đóng góp ý kiến về hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật

Đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đóng góp ý kiến về hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật

Liên quan đến tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc của các đơn vị sử dụng lao động, một số đại biểu cho biết: tình trạng này đã kéo dài nhiều năm nay tại các doanh nghiệp gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã thanh tra, kiểm tra để xử lý, tuy nhiên hiệu quả không cao. Nhiều doanh nghiệp không chấp hành các kết luận thanh, kiểm tra, các quyết định xử lý vi phạm hành chính nhưng lại không có chế tài xử lý, không thể cưỡng chế thu hồi bằng biện pháp khấu trừ qua tài khoản nên chưa đủ sức răn đe đối với những đơn vị cố tình vi phạm.

Khắc phục tình trạng này, tại Điều 36, 37 Dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm, chế tài xử lý đối với cơ quan nhà nước, người có trách nhiệm liên quan khi không thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xử lý các trường hợp chậm, trốn đóng BHXH. Đồng thời, cần có quy định chế độ công khai rộng rãi thông tin tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, trốn đóng BHXH bắt buộc của các công ty, doanh nghiệp để người lao động theo dõi, có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động.

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho ý kiến về nội dung chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) cho ý kiến về nội dung chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Liên quan đến nội dung đầu tư quỹ BHXH (từ Điều 119 đến Điều 121), có ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung vào Điều 119 của Dự thảo Luật nguyên tắc “Hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH phải đi liền với quản lý rủi ro hoạt động đầu tư. Cùng với đó, cần quy định việc lập kế hoạch đầu tư, dự báo các yếu tố tác động đến sự an toàn của quỹ và quy định rõ về thẩm quyền theo phân cấp vấn đề này.

Đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật

Đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) nêu quan điểm về vấn đề hưởng bảo hiểm một lần

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) nêu quan điểm về vấn đề hưởng bảo hiểm một lần

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn trong Dự thảo Luật đối với các nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về việc xây dựng các chính sách BHXH đặc thù cho người lao động, người dân là đồng bào dân tộc thiểu số; bổ sung nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách ưu tiên đối với đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đang sống tại địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn và khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, cần có giải pháp nâng cao nhận thức của người dân và các bên liên quan về trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia BHXH thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền…

TRỌNG HIẾU

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/lua-chon-phuong-an-toi-uu-trong-quy-dinh-huong-bao-hiem-xa-hoi-mot-lan-i348537/