Lựa chọn trường, ngành học: Theo tiêu chí chất lượng hay học phí thấp?

Theo chuyên gia, sau này môi trường làm việc hội nhập nên khi chọn trường thì thí sinh nên ưu tiên những trường, ngành học đào tạo tốt về ngoại ngữ, có hệ sinh thái khởi nghiệp, có tính quốc tế cao.

Thêm nhiều ngành nghề mới để lựa chọn

Năm nay, nhiều trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh và đưa một số ngành mới vào đào tạo. Đơn cử như Đại học Ngoại thương mở thêm các mã ngành Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp (ngành Marketing) và Kinh doanh số (ngành Kinh doanh quốc tế). Trong khi đó, Đại học Thương mại cũng dành thêm chỉ tiêu cho các ngành, chuyên ngành mới như Quản trị kinh doanh (chuyên ngành Khởi nghiệp và phát triển kinh doanh), Marketing (Marketing số), Luật Kinh tế (Luật Thương mại quốc tế).

Ở chương trình chất lượng cao, hai ngành dự kiến tuyển sinh mới trong năm nay là Quản trị kinh doanh và Quản trị nhân lực. Đồng thời, trường có thêm chương trình định hướng nghề nghiệp với các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hệ thống thông tin quản lý; và chương trình tích hợp ngành Kế toán.

Chọn nghề, chọn trường để phù hợp với bản thân và thời đại là câu hỏi khó.

Với các trường khối Y Dược, Đại học Y Dược Thái Bình cũng tăng chỉ tiêu từ 990 lên 1.050, do từ năm 2022, trường mở thêm ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học, tuyển 60 sinh viên trong năm đầu đào tạo. Đại học Y tế Công cộng tăng chỉ tiêu dự kiến là 566, tăng hơn 100 so với năm 2021.

Theo kế hoạch này, trường Y tế công cộng sẽ mở thêm ngành Khoa học dữ liệu từ năm 2022 với 50 sinh viên. Còn ở khối kỹ thuật, sau một năm đào tạo Công nghệ tài chính (Fintech), Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tiếp tục tăng thêm 300 chỉ tiêu cho năm 2022. Ngành Công nghệ Internet vạn vật dự kiến tuyển 75 sinh viên trong năm đầu, chỉ đào tạo tại cơ sở phía Nam. Đại học Giao thông Vận tải, năm nay cơ sở Hà Nội có 40 ngành đào tạo, tăng 6 so với mức 34 của năm ngoái.

Bên cạnh chương trình chuẩn và chất lượng cao, trường còn có thêm hai chương trình liên kết quốc tế, được hai đại học tại Anh và Pháp cấp bằng, dành cho các thí sinh có IELTS 5.0 (hoặc tương đương) trở lên…

Nên học trường ít tiền hay nhiều tiền?

Việc tăng chỉ tiêu, mở các chuyên ngành đào tạo những ngành nghề mới, mở liên kết đào tạo với các trường ở nước ngoài đã tăng cơ hội lựa chọn học tập và nghề nghiệp cho các thí sinh.

Theo anh Nguyễn Quốc An ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thì việc nhiều trường mở thêm các ngành mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn công việc cho thấy các nhà trường rất năng động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay khi có nhiều lựa chọn thì câu hỏi học ở đâu lại không hề dễ trả lời.

Em Nguyễn Tú Anh học sinh lớp 12 ở Hà Tĩnh tâm sự, em rất băn khoăn nên chọn trường học ít tiền hay nhiều tiền để học. Bởi, ít tiền thì đi kèm với đó là chất lượng đào tạo, trong khi nhiều tiền thì bố mẹ lại vất vả hơn.

Cùng mối quan tâm, bạn Nguyễn Duy Nam ở Bắc Ninh cũng đang cân nhắc lựa chọn trường và ngành theo học. Hiện nay môi trường làm việc ngày càng quốc tế hóa. Nên học ở đâu khi ra trường có thể thích ứng nhanh được với công việc. Tránh việc học 4 năm nhưng ra trường không làm được việc, thụ động ngồi chờ biên chế Nhà nước.

Trước thực tế băn khoăn trên, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT. Theo chuyên gia này thì thí sinh cần nghiên cứu để chọn những nghề mà sau này máy móc không thể thay thế. “Xu hướng thay đổi công nghệ hiện nay với trí tuệ nhân tạo thì khoảng 10 đến 15 năm nữa rất nhiều ngành nghề sẽ không còn nữa. Những ngành nghề như vậy thì không nên theo học nữa” – ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Chuyên gia này cũng cho rằng, bên cạnh những ngành nghề mất đi do sự phát triển của công nghệ, trí tuệ nhân tạo thì có những ngành nghề máy móc sẽ không thể thay thế như sư phạm, y tế, luật... Đây là những ngành cơ bản.

“Trong những tiêu chí liên quan đến phát triển bền vững của các quốc gia bao giờ cũng nhấn mạnh đến giáo dục, y tế và pháp luật. Đó là nền tảng của phát triển bền vững” - chuyên gia này phân tích.

Cũng theo vị này, hiện nay đang có sự dịch chuyển về mục đích học đại học. Ngày xưa, bằng đại học rất có giá trị, đi học đại học là lực lượng tinh hoa được lựa chọn rất khắt khe. Khi đó chỉ cần có bằng cấp thậm chí chưa cần đại học thì đã khẳng định được vị thế trong xã hội rồi.

Tuy nhiên hiện nay bằng cấp không còn giá trị mà xu hướng là đánh giá khả năng nghề nghiệp. “Trong đại học hiện nay người ta còn nhấn mạnh chuyện khởi nghiệp, tức là tự mình tạo việc cho mình và bạn bè mình. Không phải đi học để làm cho các tổ chức đang hiện hữu” - ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Bên cạnh chọn ngành thì câu chuyện chọn trường cũng khiến nhiều thí sinh rất băn khoăn. Theo ông Lê Trường Tùng, ngoài việc chọn ngành cần suy nghĩ chọn trường để 4 năm đại học là quãng thời gian thật ý nghĩa. Vì đây là giai đoạn phát triển cá nhân, tạo nền tảng cho những bước đi bền vững.

Hãy chọn những trường nào có hệ sinh thái rộng, sinh viên được trải nghiệm học tập, tiếp xúc môi trường quốc tế và được trải nghiệm khởi nghiệp… “Đất nước càng hội nhập, môi trường làm việc sau này của các em phải là toàn cầu. Có muốn đóng cửa cũng không thể nên hiển nhiên sinh viên khi ra trường là phải hội nhập được với môi trường toàn cầu. Khái niệm học để lấy cái bằng là không còn tồn tại nữa” – ông Lê Trường Tùng nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia này, Tiếng Anh với sinh viên vô cùng quan trọng, nó là công cụ chứ không phải môn học. Nếu học đại học chưa giải quyết được kỹ năng Tiếng Anh thì sau này bổ sung học sẽ rất mệt. Trách nhiệm của các trường đại học là trang bị cho sinh viên có nền tảng để tham gia cuộc chơi toàn cầu.

Do đó, sinh viên phải được học ở môi trường hội nhập quốc tế, sử dụng Tiếng Anh trong học tập thậm chí được đi thực tập ở nước ngoài. Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là đa số giảng viên của nước ta năng lực Tiếng Anh kém nên không thể dạy học bằng tiếng Anh. Mô hình giáo dục đại học hiện nay đa phần xem Tiếng Anh là “đầu ra chứ không phải đầu vào, xem là môn học chứ không phải công cụ”. Việc giảng viên không sử dụng được Tiếng Anh, không hội nhập được thì làm sao đào tạo được sinh viên hội nhập.

Một trong những vấn đề mà các thí sinh quan tâm đó là để học những chương trình đẳng cấp, hội nhập quốc tế thì đòi hỏi học phí cao. Trước thắc mắc có nên đầu tư nhiều tiền cho con học đại học chất lượng cao hay chỉ học những chuyên ngành, những trường chi phí thấp.

Ông Lê Trường Tùng cho rằng, hiện chi phí đào tạo giáo dục ở Việt Nam là rất thấp so với các nước. Với mức học phí thấp như hiện nay thì rất khó để các nhà trường giải quyết bài toán chất lượng đầu ra sinh viên. Vì vậy, nếu sinh viên có khát vọng vươn lên thì nên mạnh dạn vay vốn để đi học, không nên vì mức học phí cao mà bỏ qua cơ hội được học và trải nghiệm ở những chương trình đào tạo chất lượng.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lua-chon-truong-nganh-hoc-theo-tieu-chi-chat-luong-hay-hoc-phi-thap-post189920.html