Lừa đảo bằng công nghệ cao ngày càng tinh vi, khó nhận diện
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines.
Ngày 5/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức họp báo cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 6 đầu năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới.
*Lừa đảo trực tuyến tập trung vào người cao tuổi, trẻ em
Điểm qua về các hình thức lừa đảo “nở rộ’ trong thời gian vừa qua, ông Trần Quang Hưng, Tập sự Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mục tiêu của các nhóm lừa đảo trực tuyến có xu hướng dịch chuyển, tập trung mạnh vào nhóm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, người lao động thu nhập thấp. Các đối tượng lừa đảo đã tận dụng các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.
Nguy hiểm hơn, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung thành các cơ sở lừa đảo ở các nước.
Nhận định lừa đảo trực tuyến sẽ diễn ra mạnh, đặc biệt khi người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, ông Trần Quang Hưng cho biết, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, cần phải thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.
Để tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến nhằm bảo vệ người dân Việt Nam trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức phát động chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến”, triển khai từ ngày 23/6 đến ngày 23/7/2023.
*Xử lý các đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận phản ánh về hiện tượng nhiều hộ gia đình sử dụng các thiết bị điều khiển từ xa gây nhiễu trên băng tần miễn cấp phép cho thiết bị điều khiển từ xa vô tuyến (433.05-434.79MHz), dẫn đến việc nhiều thiết bị có cùng dải tần số bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng vẫn tiếp tục tái diễn.
Các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ sẽ có những giải pháp hiệu quả để phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị phát sóng giả mạo và có thể phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng này nhanh nhất.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong tháng 6/2023, tỷ lệ thông tin tiêu cực trên báo chí chiếm 23,92%, giảm 1,1% so với tháng trước; thông tin tích cực chiếm 63,03%, tăng 1,78% so với tháng trước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 2.460 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước; gỡ bỏ 3 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; khóa 8 tài khoản thường xuyên đăng tải tin giả, thông tin xuyên tạc, gỡ 54 trang quảng cáo, mua bán hóa đơn.
Google đã gỡ 5.390 videos vi phạm trên YouTube, chặn hai kênh YouTube phản động. TikTok đã chặn, gỡ bỏ hơn 400 đường link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực, trong đó có 145 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
*Doanh thu tăng nhẹ
Trong tháng 6/2023, doanh thu toàn ngành ước đạt hơn 274.140 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với tháng tháng 5/2023. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 6/2023 ước đạt 1.614.206 tỷ đồng.
Về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, điểm nổi bật trong tháng 6/2023 là tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 8 Chương và 53 Điều quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Giao dịch điện tử sửa đổi với 6 chính sách mới đáng chú ý, được coi là đạo luật cơ bản về chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy chính phủ số, kinh tế số và xã hội số cất cánh trong thời gian tới.
Tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện sửa đổi; xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2035; xây dựng bản đồ công nghệ của các lĩnh vực.
Các đơn vị liên quan tiếp tục tập trung xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao và xử lý thuê bao đứng tên nhiều SIM không đúng quy định; hoàn thiện nền tảng đào tạo kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lua-dao-bang-cong-nghe-cao-ngay-cang-tinh-vi-kho-nhan-dien/298226.html