Lừa đảo chuyển tiền ủng hộ để ăn chặn trên 4 triệu đồng sẽ đối mặt tội Hình sự
Theo ý kiến của luật sư, tất cả các hành vi lừa đảo, giả mạo bill chuyển tiền ủng hộ lũ lụt đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các trường hợp giả mạo với số tiền lớn có thể đối mặt tội Hình sự.
Ngày 12/9, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công khai hơn 12.000 trang sao kê, số tiền nhận từ những người dân ủng hộ đồng bào gặp lũ lụt, thiên tai. Cụ thể, Ban Vận động cứu trợ trung ương đã đăng tải cụ thể danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ qua số tài khoản Vietcombank 0011001932418 từ ngày 1/9 đến ngày 10/9/2024. Số tiền này được liên tục cập nhật, công khai tại đường link.
Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam công khai hơn 12.000 trang sao kê ngay lập tức tạo sóng dư luận trên cộng đồng mạng. Nhiều người dân phát hiện ra các hành vi dùng phần mềm chỉnh sửa ảnh để giả mạo bill chuyển tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, tự chuyển tiền cho tài khoản của mình rồi sửa thành tài khoản của Mặt trận Tổ quốc, nhận số tiền lớn nhưng chuyển đi rất ít rồi dùng phần mềm chỉnh sửa lại...
Trao đổi với VOV.VN, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng VP luật sư Chính pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định, việc sửa bill chuyển tiền từ thiện rồi đăng lên mạng xã hội "làm màu" không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng mà còn là còn hành vi vi phạm pháp luật.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: "Thời gian qua xuất hiện hiện tượng đóng góp từ thiện thì ít nhưng lại chỉnh sửa biên lai chuyển tiền theo hình thức sửa ảnh (photoshop) để thêm các số không (0), thể hiện tăng giá trị số tiền đóng góp thiện nguyện. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc thống kê, phân phát, có thể gây ra những nghi ngờ lẫn nhau giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu nên hành vi này rất đáng trách, rất đáng lên án."
Theo trưởng VP luật sư Chính pháp, nếu kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa bill chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt đống thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây ra dư luận xấu thì người thực hiện hành vi làm bill giả, đưa tin sai sự thật lên không gian mạng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng quyền tự do dân chủ theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trường hợp hành vi làm giả bill chuyển tiền rồi đăng công khai lên mạng xã hội mà chưa gây hậu quả xấu, chưa ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì người đưa thông tin sai sự thật về việc chuyển tiền từ thiện này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 101 "Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội", Nghị định số 15/2020/NĐ-CP với mức phạt từ 10-20 triệu đồng với tổ chức và phạt từ 5-10 triệu đồng với cá nhân.
Cá biệt có những trường hợp đứng ra kêu gọi, nhận tiền từ các cá nhân, tổ chức số tiền lớn nhưng khi chuyển tiền sang Mặt trận Tổ quốc lại chuyển số tiền ít thì có dấu hiệu của tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Cụ thể, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường cho biết: Việc nhận tiền từ người khác rồi làm giả bill chuyển tiền để "ăn bớt" số tiền chuyển đi từ 4 triệu đồng trở lên thì đó là chiếm đoạt tài sản, nên sẽ đối mặt với tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" theo Điều 175 BLHS với hình phạt có thể tới 20 năm tù.
Để người dân tránh khỏi các trường hợp lừa đảo, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường đưa ra lời khuyên: "Đối với mỗi cá nhân, khi thấy được thông tin của các tổ chức, cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội hoặc trên các website kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện đồng bào đang gặp thiên tai thì cần phải xác minh, kiểm tra xem người đứng ra kêu gọi đó có bị mạo danh hay không."
Nếu người đứng ra kêu gọi quyên góp, tiếp nhận hàng, tiền từ thiện thực hiện đúng quy định tại Nghị định 93 về công khai, minh bạch và chính danh, người dân tin tưởng thì có thể ủy quyền cho họ thực hiện các hoạt động từ thiện theo lòng hảo tâm của mình. Nếu trường hợp chưa đủ niềm tin để chuyển tiền, tài sản cho các cá nhân tổ chức đứng ra kêu gọi tự phát thì người dân có thể liên hệ với chính quyền địa phương, cơ quan đoàn thể, hội chữ thập đỏ để thực hiện các hoạt động thiện nguyện.