Lừa đảo công nghệ cao ở Thái Lan
Ngày 9/7 vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã triệt phá một mạng lưới lừa đảo sử dụng công nghệ cao. Quá trình điều tra cho thấy thông qua các trang xã hội như Facebook, Instagram, Line…, chỉ riêng năm 2023 và nửa đầu năm 2024, mạng lưới này cùng các băng nhóm khác đã thực hiện 78.000 vụ, lấy được 2 tỉ USD từ các nạn nhân ở nhiều nơi trên toàn cầu…
1. Sự nghiệp lừa đảo của Narin, 20 tuổi, bắt đầu vào tháng 9/2022, khi anh ta từ tỉnh Chiang Mai đến tỉnh Chiang Rai, Thái Lan. Tại đây, sau 3 ngày chờ đợi, Narin được 2 người trong mạng lưới lừa đảo trực tuyến đưa qua biên giới vào thành phố Tachileik, Myanmar. Tiếp theo, đích đến của Narin là Laukkai, cũng nằm trên đất Myanmar, một địa điểm khét tiếng về lừa đảo mạng.
Theo Narin, thời gian đầu ở Laukkai, anh ta được dạy cách thành lập nhiều tài khoản khác nhau trên các mạng xã hội dưới vỏ bọc là một nhà đầu tư thành đạt, trực thuộc các tập đoàn bán lẻ nổi tiếng Shopee và Lazada. Narin nói: “Chỉ mất hơn 1 tháng, tôi đã rành rẽ các thao tác trên mạng. Sau nhiều lần kiểm tra, ông Chu, người trực tiếp chỉ huy đưa cho tôi một danh sách để tôi tùy chọn con mồi”.
Trong danh sách mà nhân vật tên Chu đưa cho Narin, có 20 tài khoản email, Facebook, Instagram của 20 người, tất cả đều là thương nhân. Bằng cách làm quen với họ rồi sau khi đã tạo được niềm tin, Narin rủ họ hợp tác đầu tư vào những mặt hàng với nhiều hình ảnh, xuất xứ, giá tiền mà theo lời anh ta “bán chạy như tôm tươi”. Narin nói: “Theo hướng dẫn của ông Chu, đối tượng mà tôi nhắm đến là phụ nữ, độ tuổi từ 30 đến 40. Bằng cách cho họ số điện thoại giả lập, tôi và họ trao đổi về phương thức mua bán. Tất cả diễn ra rất bài bản nên hầu như chẳng ai nghi ngờ…”.
Nạn nhân đầu tiên của Narin là một phụ nữ người Mỹ, sống ở thành phố San Diego, bang California. Bằng cách thuyết phục người này góp vốn mua 3 chiếc máy ủi rồi bán lại cho những băng nhóm khai thác ngọc lục bảo ở bang Kachin, Myanmar, Narin đã chiếm đoạt 150.000 USD. Sau khi lấy được tiền, Narin khóa tài khoản ngân hàng, xóa tài khoản trên trang Facebook cùng số điện thoại giả lập. Vẫn với hình thức như trên, Narin còn lừa được 5 người khác ở Australia, Anh quốc, Mỹ, với tổng số tiền là 1,8 triệu USD. Lời khai của Narin khi bị bắt cho thấy anh ta chỉ nhận được 20.000 USD tiền công, phần còn lại nộp cho ông Chu.
Một quan chức thuộc Văn phòng Hội đồng phát triển kinh tế và xã hội Thái Lan cho biết chỉ riêng năm 2023 và nửa đầu năm 2024, Văn phòng đã ghi nhận 78.000 vụ lừa đảo trực tuyến với số tiền bị chiếm đoạt là hơn 2 tỉ USD, dẫn đến tình trạng Thái Lan được xem là “quốc gia dẫn đầu châu Á về các cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo”.
Trước những đơn trình báo của các nạn nhân người Mỹ, cũng trong năm 2023, Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ ngày càng tăng đối với công dân Mỹ bị lôi kéo vào các tập đoàn lừa đảo ở Đông Nam Á. Mức độ nghiêm trọng càng trở nên rõ ràng khi tháng 12/2023, Bộ Tư pháp Mỹ công bố bản cáo trạng đối với 4 cá nhân có trụ sở kinh doanh tại Mỹ.Theo đó 4 cá nhân này bị buộc tội chiếm đoạt hơn 80 triệu USD từ các hoạt động lừa đảo có nguồn gốc từ Thái Lan. Tuy nhiên do cả 4 kẻ nêu trên đều cư trú ở Thái Lan, Myanmar nên việc dẫn độ sẽ phải mất một thời gian dài.
Với bà Buggan (tên đã thay đổi), người Mỹ 60 tuổi, đã trở thành con mồi của một vụ lừa đảo được dàn dựng tỉ mỉ, kéo dài hơn một năm rưỡi. Khi ấy trên Facebook, bà nhận được lời mời kết bạn của một gã đàn ông tên là Thakhon, sống ở Bangkok, Thái Lan. Theo bà Buggan, Thakhon tự xưng mình là “kỹ sư dầu khí, hiện đang thực hiện dự án thiết lập một đường ống dẫn dầu từ Malaysia sang Thái Lan” kèm theo hình ảnh, văn bản ký kết giữa công ty do Thakhon làm chủ với Công ty PTT, người khổng lồ trong lĩnh vực dầu khí Thái Lan.
Bà Buggan nói: “Thakhon hứa với tôi rằng nếu tôi đồng ý đầu tư 5,5 triệu bath (tiền Thái, tương đương 163.642 USD) thì sau khi dự án hoàn tất, tôi sẽ nhận được 1 triệu USD”. Để củng cố lòng tin, Thakhon còn giới thiệu với bà một kẻ tự xưng là “đại diện Ngân hàng thế giới Thái Lan”, đứng ra bảo lãnh cho khoản đầu tư này. Bà Buggan nói tiếp: “Tin tưởng vào kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu, tôi đã chuyển cho Thakhon số tiền anh ta yêu cầu. Sau đó anh ta vẫn giữ liên lạc với tôi hơn 1 tháng trước khi biến mất. Khi tôi gửi đơn tố cáo, cảnh sát Thái Lan trả lời tôi rằng kẻ tự xưng đại diện Ngân hàng thế giới Thái Lan đã sử dụng họ tên của một quan chức có thật trong ngân hàng này. Bằng thủ đoạn giả lập tài khoản email, Facebook, số điện thoại, Thakhon và đồng bọn đã đưa tôi vào bẫy…”.
Ông Thatchai Pitaneelaboot, trợ lý Tổng ủy viên Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan cho biết: “Ban đầu, họ cố gắng tạo cho bạn một niềm tin rằng bạn đang hợp tác với những doanh nhân uy tín, thành đạt, có vai vế trong xã hội. Tiếp theo, họ sẽ mới bạn tham gia đầu tư vào một dự án nào đó với những tình tiết y như thật và thế là bạn mắc bẫy…”.
2. Ngày 9/7/2024, Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đồng loạt tiến hành những cuộc đột kích vào các địa điểm nơi đặt các thiết bị viễn thông phục vụ cho việc lừa đảo ở nhiều tỉnh thành trên khắp đất nước, bắt giữ 165 thành viên gồm người Thái Lan, Campuchia, Myanmar và Trung Quốc, nâng tổng số người bị bắt từ năm 2021 đến nay là 14.000 đồng thời đóng băng 4,56 tỉ bath trong một số ngân hàng.
Ông Pitaneelaboot, Phó giám đốc Lực lượng đặc nhiệm cảnh sát mạng Thái Lan cho biết: “Số lượng tội phạm mạng đang gia tăng vì nó kiếm tiền dễ dàng và an toàn hơn so với bọn cướp giật, buôn bán ma túy trên đường phố. Sự lan truyền, phổ quát của mạng xã hội là yếu tố giúp bọn lừa đảo hành động bởi lẽ có một lỗ hổng trong việc thực thi luật pháp. Nếu kẻ lừa đảo sống ở một quốc gia khác thì rất khó đưa họ trở lại Thái Lan để trừng phạt”.
Vẫn theo ông Pitaneelaboot, một khía cạnh đáng lo ngại của những vụ lừa đảo là sự đồng lõa - hoặc ít nhất là sự sơ suất của các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook và Google. Ông nói: “Tội phạm sử dụng hồ sơ giả mạo và các trang web mạo danh để đánh lừa nạn nhân. Mặc dù chúng tôi đã gửi tài liệu cho Facebook và Google nhưng phản hồi của họ thường không đầy đủ. Một nền tảng như Line, ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Thái Lan cũng được bọn tội phạm dùng trong các giao dịch. Chúng tôi hy vọng họ sẽ sửa đổi chính sách của họ. Nếu cần thiết, chúng tôi có thể phát lệnh bắt giữ các giám đốc điều hành các công ty như Line…”.
Tuy nhiên Meta, công ty mẹ của Facebook cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với cảnh sát và cơ quan thực thi pháp luật Thái Lan để giải quyết vấn nạn lừa đảo. Theo Meta, từ tháng 4 đến tháng 7/2024, công ty đã xóa 1,2 tỷ tài khoản Facebook giả mạo và 322 triệu thư rác thông qua chương trình We Think Digital Thailand và các chiến dịch Staying Safe Online, Decode Scam.
Thế nhưng, ngay cả khi nhà chức trách Thái Lan tiến hành bắt giữ những nhân vật chủ chốt trong các mạng lưới lừa đảo trực tuyến ở quốc gia này thì những kẻ thay thế đã nhanh chóng lấp đầy khoảng trống. Bằng cách hoạt động từ các quốc gia láng giềng, những kẻ cầm đầu liên tiếp tung ra những chiêu trò mới tinh vi hơn. Bác sĩ người Mỹ Sydney cho biết ông nhận được email từ cái gọi là “Tập đoàn Y khoa quốc tế Myanmar”, mời ông đến bang Kachin để tham gia khảo sát việc xây dựng một bệnh viện tầm cỡ Đông Nam Á, chi phí chuyến đi do họ tài trợ.
Ông Sydney nói: “Họ xin visa cho tôi rồi sau đó đặt vé máy bay khứ hồi. Trong 3 ngày ở Kachin, họ dành 2 ngày để thuyết trình về dự án xây dựng bệnh viện. Theo lời họ, Kachin có rất nhiều tỉ phú đôla nhờ việc khai thác, mua bán ngọc lục bảo. Mỗi khi đau ốm, những người này thường phải sang Bangkok, Thái Lan để thăm khám, điều trị. Vì vậy, nếu có một bệnh viện với những trang thiết bị hiện đại ở Kachin thì việc hốt bạc là trong tầm tay”.
Ngày thứ 3, là ngày cuối cùng trong chuyến tham quan, những kẻ lừa đảo đưa bác sĩ Sydney đến một khoảng đất trống rộng hơn 5 hecta rồi giới thiệu “đây là nơi bệnh viện sẽ định hình trong tương lai”. Chu đáo hơn, họ còn chụp cho ông bản quyết định cấp đất và giấy phép xây dựng bệnh viện của chính quyền Kachin. Ông Sydney nói tiếp: “Tôi không còn có thể nghi ngờ gì nữa. Sau khi ký văn bản hợp tác, trong đó tôi là cổ đông chiến lược, tôi chuyển cho họ 3 triệu USD nhưng 1 tháng sau khi về Mỹ, tôi chẳng còn cách nào liên lạc được với họ…”.
Sau khi bác sĩ Sydney gửi đơn tố cáo, Cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ kẻ chủ mưu dự án “Tập đoàn Y khoa quốc tế Myanmar” và đã thu hồi được 1 tỷ bath, là số tiền mà tập đoàn này lừa đảo nhiều người, trong đó có ông Sydney. Ông Burinsuchat, giám đốc đơn vị điều tra an ninh mạng của Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan nói: “Có được sự thành công là nhờ sự góp phần không nhỏ của các đơn vị an ninh mạng. Chúng tôi mong muốn đạt được những hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn với các cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ, Trung Quốc và các công ty công nghệ để xác định và triệt phá những băng nhóm lừa đảo này”.
Theo ông Prasert Jantararuangthong, Bộ trưởng Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số Thái Lan (DES), số vụ khiếu nại về lừa đảo trực tuyến đã tăng từ 855 vụ trong tháng 3/2023 lên 992 vụ trong tháng 4/2024, còn những vụ bị lừa nhưng không trình báo thì chưa thể thống kê được, chủ yếu là những người bị lừa sống ở nước ngoài. Cũng trong thời gian này, 16.158 trang web bất hợp pháp đã bị chặn so với 600 trang bị chặn trong tháng 4/2023. Điều ấy chứng tỏ rằng tội phạm mạng vẫn như nấm sau cơn mưa rào nên hiện tại, các cơ quan chống tội phạm mạng Thái Lan đang đặt hy vọng vào việc áp dụng những kỹ thuật thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo.
Ông Prasert Jantararuangthong nói: “Chúng tôi đã đàm phán với ban quản lý Microsoft Thái Lan để hỗ trợ AI cho các hoạt động của cơ quan nhà nước trong lĩnh vực trấn áp tội phạm trực tuyến”. Bên cạnh đó, để đối phó với nạn lừa đảo qua mạng, Chính phủ Thái Lan đã cho ra mắt Trung tâm điều hành Chống lừa đảo trực tuyến (AOC) với sự hợp tác giữa Bộ Kinh tế và Xã hội kỹ thuật số, Văn phòng Chống rửa tiền, Cục Điều tra tội phạm mạng, Ngân hàng Thái Lan, Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan, Cục Điều tra đặc biệt, Ủy ban Phát thanh và Viễn thông quốc gia cùng các cơ quan liên quan. Trong buổi ra mắt, ông Prasert Jantararuangthong cho biết “AOC sẽ giúp bảo vệ tài khoản ngân hàng của tất cả mọi người bất cứ khi nào họ nghi ngờ có vấn đề liên quan đến bảo mật”.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, không chỉ ở Thái Lan mà ở mọi nơi trên thế giới, thủ đoạn của bọn lừa đảo thường được thực hiện qua 4 bước: Một là, người gọi tự nhận đang làm việc cho các ngân hàng, cơ quan chính phủ hoặc các công ty có uy tín. Hai là, chiến thuật gây áp lực cao, kẻ lừa đảo tạo tình huống cấp bách, chẳng hạn như sắp bị bắt, bị thanh tra, bị kê biên tài sản… để buộc bạn phải hành động ngay lập tức mà không kịp phán đoán. Ba là, quá tốt để có thể là sự thật dưới hình thức trúng thưởng, trúng số, nhận quà tặng đắt tiền và bốn là đề nghị bạn nhập một số thông tin xem ra có vẻ vô hại vào các đường link do chúng đặt sẵn…
Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/lua-dao-cong-nghe-cao-o-thai-lan-i747151/