Lừa đảo gần 68 tỷ của 4 phụ nữ, nguyên trụ trì chùa Phước Quang không đến tòa
Nói dối thiếu nợ do xây tượng Phật, chùa cháy và nhiều lý do đáng thương khác, nguyên trụ trì chùa Phước Quang ở Vĩnh Long đã chiếm đoạt gần 68 tỷ đồng của 4 phụ nữ nhẹ dạ. Tại phiên phúc thẩm hôm nay bị cáo vắng mặt.
Ngày 31/8, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên xét xử phúc thẩm đối với bị cáo Phạm Văn Cung (40 tuổi, nguyên trụ trì chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, pháp danh là Thích Phước Ngọc) và Nguyễn Tuấn Sĩ (54 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Liên quan đến vụ án, do đối tượng Lê Nguyên Khoa (36 tuổi, ở TP Cần Thơ) đang bỏ trốn, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm nay bị cáo Cung không có mặt. Luật sư bào chữa cho bị cáo Cung và bị cáo Sĩ cũng có đơn xin hoãn phiên tòa. Vì vậy, sau khi hội ý, HĐXX quyết định hoãn phiên tòa.
Theo bản án sơ thẩm, năm 2005, Cung là tu sĩ có pháp danh Thích Phước Ngọc, tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Năm 2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì.
Tới tháng 11/2012, Cung được bổ nhiệm thêm chức danh Giám đốc Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi). Do có quen biết với Khoa nên Cung bổ nhiệm Khoa làm thư ký giúp việc.
Do thiếu nợ nhiều người nên từ năm 2015 đến 2020, bị cáo Cung đánh bóng tên tuổi bằng cách tổ chức các sự kiện lễ Phật, phát quà từ thiện để quay video đăng lên mạng xã hội nhằm kêu gọi hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ mồ côi.
Ngoài ra, mỗi khi có khách đến thăm, bị cáo Cung đưa những trẻ bên ngoài vào, cho mặc đồ giống như những trẻ ở Trung tâm cô nhi viện Suối nguồn tình thương để những người dự lễ tin tưởng là trung tâm có nuôi dạy nhiều trẻ, dễ dàng kêu gọi hỗ trợ.
Bị cáo Cung còn làm quen với những doanh nhân qua các chuyến tham quan du lịch, các sự kiện mình tham dự để kêu gọi quyên góp, ủng hộ nhưng mục đích chính nhằm chiếm đoạt tài sản của bị hại.
Năm 2015, khi tham gia chương trình từ thiện “Vòng tay nhân ái” tổ chức tại TP.HCM, bị cáo Cung làm quen với một nữ doanh nhân rồi mời xuống Vĩnh Long tham quan chùa cùng cô nhi viện.
Bị cáo Cung nói dối với nữ doanh nhân rằng ông ta đang thiếu nợ nhiều tỷ đồng do xây tượng Phật để mượn tiền.
Ông ta còn dựng chuyện thiếu nợ, phải trốn sang Trung Quốc… Bằng các thủ đoạn gian dối, Phạm Văn Cung nhiều lần lừa tiền của người phụ nữ nói trên, tổng cộng hơn 18,5 tỷ đồng.
Năm 2017, trong dịp dự lễ hội ở Hà Nội, bị cáo Cung làm quen với một người phụ nữ, sau đó mời vào Vĩnh Long tham quan chùa, trung tâm.
Sau đó, Cung bàn bạc với đồng bọn dựng lên chuyện ông ta bị xã hội đen bắt, dọa tự tử. Bằng các thủ đoạn gian dối, bị cáo Cung và đồng bọn đã lừa đảo của người phụ nữ hơn 26 tỷ đồng.
Ở vụ khác, lúc bị cáo Cung đang ở Liên bang Nga thì quen biết với một phụ nữ ngụ tỉnh Hưng Yên.
Bị cáo Cung nói dối có 1 triệu USD và là "Đặc phái viên Quốc tế của Ủy ban tuyên dương khen thưởng Phật giáo của Chính phủ SriLanka". Sau đó, Cung mời người phụ nữ khi về Việt Nam thì đến tham quan chùa Phước Quang.
Sau đó, bị cáo Cung đưa nhiều thông tin gian dối như mẹ bị bệnh, chùa bị cháy… Người phụ nữ đã chuyển cho bị cáo Cung hơn 20,9 tỷ đồng.
Bị cáo Cung còn xưng là "mật vụ, tình báo của Chính phủ", hứa giúp đưa người thân của một nữ ca sĩ từ Anh về Việt Nam sống hợp pháp với giá 1 triệu USD. Trong đó, bị cáo Cung đưa ra điều kiện nữ ca sĩ phải chuyển trước 50%. Nữ ca sĩ đã chuyển hơn 13 tỷ đồng và bị Cung chiếm đoạt.
Tổng số tiền mà Cung chiếm đoạt của 4 bị hại lên tới gần 68 tỷ đồng.
Tại phiên sơ thẩm hồi tháng 4 vừa qua, Cung bị TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên phạt chung thân, Nguyễn Tuấn Sĩ 3 năm tù.
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, tòa án sơ thẩm xử phạt bị cáo Cung và Sĩ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không tuyên buộc những người nhận được số tiền có được do phạm tội mà có để thu hồi hoàn trả lại cho các bị hại là không đúng quy định.
Cụ thể, tòa sơ thẩm đã chứng minh, làm rõ sau khi chiếm đoạt tiền của các bị hại, bị cáo Cung đã chuyển tiền cho 273 người. Trong đó, có 261 người nhận được hơn 75 tỷ đồng đã xác định được nhân thân. Bị cáo Cung còn sử dụng tiền chiếm đoạt được của các bị hại để thanh toán tiền vật tư sửa chữa chùa, làm đường giao thông nông thôn và xây cầu; đóng bàn ghế, vé máy bay…
Bản án sơ thẩm cho rằng: "Những người đã nhận tiền từ Cung là ngay tình, không biết bị cáo chiếm đoạt của các bị hại, không đồng ý nộp lại... Các chủ sở hữu đã nhận tiền, không còn sự quản lý của Cung, không phải là vật chứng trong vụ án nên không thu hồi trả lại cho các bị hại là đúng quy định của pháp luật".
VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, bản án sơ thẩm không đưa 261 người nói trên tham gia tố tụng với tư cách là “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” là xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng; vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng; làm ảnh hưởng trực tiếp đến các vấn đề quyết định hình phạt của bị cáo trong vụ án, vì liên quan đến việc bồi thường trách nhiệm dân sự và khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra.
Do đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Long tuyên. Đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm nói trên để điều tra lại.