Lừa đảo online giăng bẫy

Càng cận tết, tội phạm lừa đảo càng nở rộ với đủ các chiêu trò, từ 'truyền thống' đến công nghệ cao và nạn nhân đa phần là người lớn tuổi, người dễ tin. Bắt đầu từ những tin nhắn hay cuộc gọi, đối tượng lừa đảo lần mò hướng đến mục tiêu là thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng.

Mọi đường lừa đảo đều đến… chuyển khoản

Anh Huy Đức (quận Tân Bình, TPHCM) kể: “Mấy ngày nay, tôi nhận được cuộc gọi từ số lạ, người gọi xưng là nhân viên điện lực, dọa cắt điện vì chưa đóng tiền. Họ yêu cầu tôi nên thanh toán gấp qua đường link, mã QR gởi kèm tin nhắn. Tôi tìm hiểu thì ngành điện lực đâu có thu tiền và thông báo kiểu này. Nhiều lần tôi nói thẳng với họ thì các đối tượng này lập tức phát ngôn vô văn hóa khi bị “bóc phốt”.

 Người dùng cẩn trọng tránh bị lừa đảo khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Người dùng cẩn trọng tránh bị lừa đảo khi tham gia mạng xã hội. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đã có không ít khách hàng bị lừa đảo nên đã phát nhiều cảnh báo tới khách hàng. Thậm chí nhân viên điện lực “chính hiệu” còn đi đến từng khu phố nhắc nhở khách hàng tránh bị lừa đảo.

Một trường hợp khác, chị Phương Lan (quận 4, TPHCM) mới đây nhận được tin nhắn của một người bạn ở nước ngoài với lời đề nghị “cần đóng giúp tiền viện phí cho một người bạn đang du lịch và nhập viện tại Việt Nam. Số tiền cần đóng gần 70 triệu đồng và “người bạn” cũng gởi kèm hình ảnh liên quan đến bệnh tình, số tài khoản đóng viện phí với lời hứa sẽ chuyển trả lại cho chị Lan kèm theo một số tiền để cảm ơn.

“Người bạn” này còn gọi video call, gởi file thoại lúc trao đổi với nhau… “Bạn bè nhờ lúc hiểm nghèo đâu ai nói đến chuyện kém tế nhị là tặng thêm ít tiền. Video call, file thoại… thì đúng là mặt và giọng nói người quen nhưng chất lượng hình ảnh thấp, nhiều âm lạ. Hơn nữa, tôi nhìn hồ sơ “người bạn” gởi thấy nhiều thông tin sai, như tài khoản chuyển tiền không phải là tài khoản bệnh viện, nên tôi nghi ngờ và truy hỏi thì phát hiện đây là trò lừa đảo”, chị Lan kể.

Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), các hình thức lừa đảo trực tuyến đang gia tăng vào dịp tết và mục tiêu cuối cùng của các đối tượng luôn là chiếm đoạt tài sản. Theo “trend” tết, nhiều đối tượng đã lập fanpage giả mạo các cuộc thi, chương trình. Tiếp đó, chúng dẫn dụ người có nhu cầu tham gia sự kiện, chương trình và yêu cầu đăng ký thực hiện nhiệm vụ, sau đó đề nghị chuyển tiền. Khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo liền đóng fanpage giả mạo. Cục An toàn thông tin cũng phát hiện các website giả mạo sàn thương mại điện tử Amazon; điện máy Xanh hay các trang giả mạo Netflix; giao hàng nhanh... để lấy thông tin cá nhân và dẫn dụ đến các hoạt động liên quan việc lừa đảo.

Cần phát hiện các thủ thuật AI

Theo ông Ngô Trần Vũ, Công ty bảo mật Nam Trường Sơn, hiện nay, đối tượng dùng hình thức tấn công giả mạo (phishing) để lừa đảo rất nhiều. Các đối tượng này thường giả danh thông báo từ ngân hàng, nhà cung cấp dịch vụ, hệ thống thanh toán điện tử, các tổ chức khác. “Trước đây, nội dung phishing thường sơ sài, dễ thấy lỗi nhưng nay với các mô hình ngôn ngữ lớn, tội phạm mạng tạo ra các tin nhắn và trang web với ngữ pháp chính xác, cấu trúc logic và đoạn văn mượt mà… khiến chiêu trò lừa đảo khó bị phát hiện hơn”, ông Ngô Trần Vũ cho biết.

Với trường hợp của chị Phương Lan, đối tượng lừa đảo đã dùng deepfake và thậm chí deepfake âm thanh, là một công nghệ AI để tạo ra những đoạn âm thanh giả mạo giọng nói của người khác. “Công nghệ ngày càng phát triển, tội phạm mạng có thể lợi dụng giọng nói của bạn để yêu cầu chuyển tiền khẩn cấp hoặc cung cấp thông tin nhạy cảm, dựa vào sự tin tưởng giữa các cá nhân để thực hiện hành vi lừa đảo ở cấp độ cá nhân lẫn doanh nghiệp. Chúng sử dụng AI để tạo ra các đoạn video giả mạo chỉ từ một bức ảnh duy nhất, có thể hoán đổi khuôn mặt trong video, đồng bộ chuyển động môi, tinh chỉnh các lỗi tạo ra và thêm giọng nói chân thực cho nhân vật”, bà Võ Dương Tú Diễm, Giám đốc khu vực Việt Nam của hãng bảo mật Kaspersky, phân tích.

Đầu năm 2025, hệ thống của Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) đã ghi nhận hơn 7.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến do người dùng internet Việt Nam gửi về và cơ quan này đã dự báo các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến sẽ tiếp tục gia tăng. Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác và lưu ý, khi nhận được điện thoại, trước tiên phải xác minh thông tin, gọi lại trực tiếp cho người thân qua số điện thoại đã biết để kiểm tra thông tin; không vội vàng chuyển tiền theo yêu cầu trong cuộc gọi video hoặc tin nhắn trên mạng xã hội. Cùng với đó, người dân cần cẩn trọng khi chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội, hạn chế đăng tải hình ảnh, video cá nhân.

TPHCM công bố sáng kiến mô hình thành phố AI

Bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2025 tổ chức tại Thụy Sĩ, TPHCM và Tập đoàn CMC của Việt Nam đã công bố sáng kiến triển khai mô hình thành phố AI đầu tiên trên thế giới. Diễn đàn bên lề có tên “AI.X cho kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo” do Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam (C4IR) đồng tổ chức cùng CMC.

Tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM không chỉ là trung tâm kinh tế lớn nhất của Việt Nam mà còn là cái nôi của nhiều sáng kiến đổi mới nên với hơn một thập kỷ nghiên cứu và phát triển AI cùng với nền tảng công nghệ vững mạnh của hệ sinh thái AI, CMC sẽ là đối tác chiến lược trong việc hiện thực hóa tham vọng của TPHCM trở thành thành phố AI toàn cầu. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, cho biết, AI.X không chỉ là sáng kiến công nghệ mà còn là chìa khóa để định hình kỷ nguyên thông minh, nơi công nghệ phục vụ nhân loại, thúc đẩy phát triển bền vững và mở ra cơ hội đột phá cho doanh nghiệp toàn cầu…

Diễn đàn WEF thu hút hơn 200 đại biểu quốc tế, gồm đại diện từ các tổ chức lớn như Google, Global AI Corp, SAP, KPMG, WEF…, các chuyên gia và nhà đầu tư hàng đầu thế giới.

BÌNH LÂM

BÁ TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lua-dao-online-giang-bay-post779152.html