Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi

Dù các cơ quan chức năng thường xuyên cảnh báo nhưng vẫn có nhiều người sập bẫy lừa đảo qua mạng. Tháng 3-2024, Báo SGGP đã đăng tải loạt bài 'Lừa đảo qua mạng - Biến ảo khôn lường'. Đến thời điểm này, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, tình trạng trên vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Sập bẫy chuyên gia “ảo”

Tiếp xúc với phóng viên Báo SGGP, ông Nguyễn Văn B. (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) kể, đầu tháng 5-2024, ông nhận được cuộc gọi điện thoại từ một người xưng tên là Lê Thị Bích Ngọc, chuyên viên tư vấn hướng dẫn thị trường chứng khoán của Công ty TNHH Quỹ đầu tư PYN Elite VN, trụ sở tại đường Thái Văn Lung (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM). Sau khi kết bạn qua mạng, ông B. được vào nhóm Telegram có tên “102 101 PVN Elite VN - TH” để đầu tư chứng khoán.

Sau đó, ông B. mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty trên, dưới hướng dẫn của “Ngọc”. Người này đề nghị ông B. tải ứng dụng công ty tên PYN Smart, rồi hướng dẫn ông liên hệ chuyên viên khác trên Telegram có tên “Linh Chi” để nạp tiền và mua cổ phiếu trên ứng dụng. Ông B. nộp 2,7 tỷ đồng theo hướng dẫn của “Linh Chi” để mua cổ phiếu.

Ngày 10-5, “Ngọc” và phía công ty đề nghị ông B. bán cổ phiếu để rút tiền về tài khoản do công ty kết thúc khóa học thứ 4-2024 và chuẩn bị tổ chức Đại hội cổ đông tại Hà Nội. Thế nhưng, công ty không giải quyết cho ông B. rút tiền về tài khoản mà yêu cầu ông nộp trả tiền gốc cộng lãi vay và 20% số tiền lãi bán cổ phiếu, tổng cộng hơn 900 triệu đồng. Để được rút tiền về, ông B. nộp tiền theo yêu cầu. Tuy nhiên, công ty vẫn không cho ông rút tiền và yêu cầu ông đóng thêm các khoản khác, lần lượt là 352 triệu đồng, 121 triệu đồng, 333 triệu đồng. Ngày 15-5, ông B. đến địa chỉ công ty trên, phát hiện đây là trụ sở của công ty khác. Biết bị lừa, ông B. nộp đơn trình báo công an. Làm việc với ngân hàng, ông B. cho biết, sau khi ông chuyển tiền thì đối tượng lừa đảo đã chuyển số tiền này qua nhiều tài khoản để tránh bị ngân hàng phong tỏa tài khoản.

Ông B. chỉ là một trong những nạn nhân của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Nhiều nạn nhân đã bị lừa đảo bằng các thủ đoạn như mạo danh cán bộ công an, viện kiểm sát, nhân viên bưu điện… Mấy ngày gần đây, nhiều người dân sống ở quận 12 (TPHCM) bất ngờ nhận điện thoại của một người tên Long, tự xưng là công an, báo là dấu vân tay của họ bị mờ khi cài đặt định danh điện tử mức 3 (hiện tại định danh điện tử chỉ ở mức 2). Ông M. (ngụ quận 12, TPHCM) cho hay: “Long” nói đang công tác tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận 12. “Long” báo với ông M. rằng dấu vân tay của ông bị mờ, yêu cầu ông phải lấy lại dấu vân tay để phục vụ cho việc chuẩn bị cài đặt định danh điện tử mức 3, bảo ông đợi điện thoại để cán bộ khác từ Công an TPHCM liên hệ hướng dẫn. Nghi vấn đây là đối tượng lừa đảo, ông M. tắt máy và trình báo công an.

 Các đối tượng trợ giúp nhóm tội phạm mạo danh cán bộ công an để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng

Các đối tượng trợ giúp nhóm tội phạm mạo danh cán bộ công an để lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,8 tỷ đồng

Kịch bản lừa đảo thay đổi liên tục

Đại tá Trần Văn Hiếu, Trưởng Công an TP Thủ Đức (TPHCM), cho biết, thủ đoạn lừa đảo bằng chiêu trò lừa “đầu tư tài chính, chứng khoán” như của ông B. không phải là thủ đoạn mới. Chiêu lừa đảo này đánh vào lòng tham của con người. Khi có nạn nhân sập bẫy, nhóm này sẽ dẫn dụ họ vào các nhóm Telegram, WhatsApp; tại đây, sẽ có “chim mồi” để nạn nhân tin tưởng, đổ tiền đầu tư. Khi người đầu tư bán cổ phiếu, muốn rút tiền thì nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu chuyển nhiều khoản tiền. Đến khi nạn nhân hết tiền hoặc phát hiện ra mình bị lừa thì bị đối tượng lừa đảo chặn liên lạc.

Theo Trưởng Công an TP Thủ Đức, hoạt động của các loại tội phạm lừa đảo qua không gian mạng diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, gây bức xúc trong dư luận. Việc triệt phá tội phạm này hết sức khó khăn do phần lớn giao dịch qua mạng; đối tượng cầm đầu ở nước ngoài. Thậm chí tội phạm lừa đảo hiện nay còn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, chia sẻ phương thức, thủ đoạn mới; cập nhật kịch bản lừa đảo thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ để lừa người dân.

Còn theo Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an TPHCM, gần đây xuất hiện thêm nhiều phương thức thủ đoạn như: “chuyển nhầm tiền” vào tài khoản ngân hàng; dùng mã độc đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của người dân… Đặc biệt, vào dịp hè xuất hiện thủ đoạn lừa đảo bằng chương trình khóa học trải nghiệm thực tế trong sân bay; lừa đảo khóa học kỹ năng “trại hè lính cứu hỏa”; bán tour du lịch… Người dân khi nhận được điện thoại tự xưng từ nhân viên ngân hàng liên hệ về tiền chuyển nhầm thì cần kiểm tra là có đúng số điện thoại của ngân hàng hay không; tuyệt đối không chuyển lại số tiền cho người lạ khi không có người thứ ba làm chứng; không chuyển tiền vào tài khoản khác với tài khoản đã chuyển nhầm tiền cho mình và phải chờ ngân hàng giải quyết trước.

Trung tá Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh rằng, lực lượng công an không mời hay triệu tập người dân qua điện thoại, không yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản. Người dân cần cảnh giác với các đầu số điện thoại lạ. Tuyệt đối không cung cấp thông tin, tài khoản ngân hàng, mã OTP cho người lạ. Nếu nhận cuộc gọi xưng là cán bộ công an, kiểm sát, tòa án, cảnh sát giao thông... thì người dân báo cho công an nơi gần nhất.

CHÍ THẠCH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lua-dao-qua-mang-ngay-cang-tinh-vi-post744699.html