Lừa đảo qua mạng xã hội: Chiêu cũ - bị hại mới
Thời gian qua, mặc dù hành vi lừa đảo qua mạng xã hội của các đối tượng xấu nhằm chiếm đoạt tài sản đã được cơ quan chức năng làm rõ và báo chí tuyên truyền cảnh báo rộng rãi, giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều người nhẹ dạ cả tin, nghe theo sự dụ dỗ của kẻ xấu để rồi phải nhận hậu quả 'đắng'.
Mất tiền vì nhẹ dạ, cả tin
Ngày 18-8-2021, chủ tài khoản Facebook có tên Edy Martins và số điện thoại 0336.182.945 nhắn tin làm quen với anh L.A.T ở thôn 3, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng và được anh T đồng ý kết bạn. Edy Martins tự giới thiệu là lính của quân đội Hoa Kỳ đang ở Syria làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình. Sau nhiều cuộc trò chuyện thân mật, Edy Martins kể về cuộc sống riêng tư của mình với rất nhiều đau khổ vì những người thân đã lần lượt qua đời và họ để lại rất nhiều tài sản. Edy Martins bày tỏ muốn được nhận anh T làm bạn thân, qua đó đề nghị anh T giúp đỡ để Edy Martins được sang sinh sống ở Việt Nam với anh T. Để thực hiện kế hoạch này, Edy Martins tha thiết đề nghị anh T giúp một việc, đó là nhận và giữ giúp những tài sản có giá trị trước, rồi anh ta sẽ sang sau. Anh T đã đồng ý.
Ngày 23-8-2021, Edy Martins nhắn tin cho anh T với nội dung đang phải sang Israel nên sẽ gửi những món hàng quan trọng trước sang Việt Nam để anh T giữ hộ. Đến 7 giờ ngày 25-8-2021, anh T nhận được cuộc gọi từ số 033.61…945 của 1 phụ nữ giọng miền Nam thông báo có người nước ngoài gửi gói hàng cho anh T và hỏi anh có nhận không?. “Khi đó, tôi nghĩ ngay gói hàng là của Edy Martins nên trả lời ngay là tôi nhận. Người đó nói rằng, gói hàng này phải đóng cước 50 triệu đồng, nếu muốn nhận thì đóng cước, sau đó họ chuyển cho tôi số tài khoản 103872642196 của Ngân hàng Công thương Việt Nam tên Huỳnh Ngọc Quốc Bảo. Tôi đã không do dự mà chuyển ngay. Hai giờ sau (lúc 9 giờ ngày 25-8-2021), người phụ nữ tiếp tục gọi và hỏi tôi có biết gói hàng này là tiền đô, ngoại tệ không và có biết việc này là trái phép không? Nếu tôi tiếp tục nhận thì phải đóng phạt 125 triệu đồng. Khi đó, tôi bảo số tiền này chưa có ngay được, để tôi tìm cách. Khoảng 10 giờ 40 phút cùng ngày, người phụ nữ tiếp tục gọi hối, tôi lại chuyển 125 triệu đồng nữa vào tài khoản nêu trên.
Khi người dân đã vướng vào “kịch bản” của kẻ xấu rồi thì rất khó thoát được. Đến khi phát hiện mình bị lừa và cảm thấy lỗi là do chính bản thân gây ra, có trường hợp vì tiếc tiền, ra trình báo với cơ quan chức năng, nhưng lại không khai báo hết sự thật. Nhiều trường hợp vì sợ kẻ xấu trả thù hoặc xấu hổ với gia đình, người thân nên không trình báo. Do vậy, thực tế số trường hợp bị lừa đảo còn nhiều hơn so với số vụ mà cơ quan chức năng nắm được.
Trung tá PHẠM TRỌNG HIỀN, Trưởng công an xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng
Anh T kể tiếp, đến 12 giờ cùng ngày, người phụ nữ tiếp tục gọi điện thoại và nói khối tài sản lớn quá, an ninh hải quan đề nghị người nhận phải mua gói bảo hiểm, nếu không sẽ bị tịch thu. Lúc này, tôi tiếp tục đi mượn và chuyển 250 triệu đồng vào tài khoản của họ. Khoảng 9 giờ sáng hôm sau (ngày 26-8-2021), cũng người phụ nữ ấy gọi và hỏi tôi: “Bạn anh có gọi điện cho anh không?”. Tôi nói, bạn tôi đang ở chiến trường nên không liên lạc được. Cô ta nói tiếp: “Anh phải bảo bạn làm giấy ủy quyền chuyển nhượng, hoặc anh tự làm cũng được bằng cách nhờ an ninh hải quan làm giúp, nhưng anh phải đóng thêm 475 triệu đồng”. Vì không còn tiền nên tôi lại phải vay người thân một lần nữa. Tuy nhiên, đến lúc này, người thân thấy có biểu hiện bất thường nên không cho tôi vay nữa, đồng thời tìm hiểu câu chuyện thì biết rằng, tôi đã bị lừa.
Chia sẻ lý do vì sao cả tin như vậy, anh T cho biết: “Kẻ xấu liên tục nhắn tin tạo ra những kịch bản rất logic. Bản thân tôi cũng vì thương bạn, sợ mất uy tín với bạn nên cố gắng làm theo. Chỉ đến khi tôi không còn tiền và vay mượn cũng không được nữa thì mới phát hiện ra mình đã bị lừa”.
Tiền trong tài khoản tự biến mất?
Khoảng 7 giờ 20 phút ngày 20-10-2021, anh N.V.D ở thôn 11, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng đang cạo mủ cao su thì nhận được cuộc gọi từ số điện thoại 0640.067.5791 thông báo anh là người điều khiển xe ôtô chứa ma túy, vượt đèn đỏ, gây tai nạn tại Đà Nẵng rồi bỏ chạy. Anh D trả lời là gia đình không có xe ôtô, bản thân anh cũng không biết lái xe và cũng chưa từng ra Đà Nẵng lần nào, do vậy có sự nhầm lẫn nào đó. Đối tượng tiếp tục nói: “Vậy là có người mạo danh anh. Anh muốn trình bày với Công an Đà Nẵng thì tôi kết nối điện thoại cho”. Người phía đầu dây kia tự xưng là công an thông báo cho anh D biết rõ tên người phạm tội trùng với tên anh. Nếu không muốn phiền phức thì anh phải chuyển tiền vào tài khoản của chính mình để công an bảo lãnh. Nếu không chuyển tiền anh sẽ bị bắt ra Đà Nẵng tạm giam từ 4-6 tháng. Anh D cho biết, cùng ngày hôm đó (20-10), người thân ở quê cần tiền nên anh đã mượn chú ruột ở xã Thống Nhất 100 triệu đồng với mục đích gửi về quê. Số tiền của chú được chuyển vào tài khoản của anh D lúc 11 giờ 28 phút 37 giây, thì đến 12 giờ 40 phút 49 giây cùng ngày đã bị trừ 50 triệu đồng. Đến 12 giờ 42 phút 53 giây, tài khoản của anh D tiếp tục bị trừ 50 triệu đồng. Đến 16 giờ 19 phút 2 giây, anh D tiếp tục mượn thêm 100 triệu đồng nữa của chủ cây xăng gần nhà, nhờ vợ chuyển vào tài khoản của mình. Đến 7 giờ 57 phút 48 giây, ngày 21-10-2021, tài khoản của anh lại tiếp tục bị trừ hết 100 triệu đồng và tài khoản thụ hưởng vẫn là 0001841910251, tên chủ tài khoản là Nguyễn Thị Thoa. Anh D thấy mất tiền nên đã ra ngân hàng tìm hiểu, sao kê.
Hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức sử dụng công nghệ thông tin cũng như không gian mạng gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình điều tra và thu hồi tài sản. Thực tế, loại tội phạm này có tỷ lệ điều tra phá án còn thấp. Xuất phát từ thực tế đó, Công an huyện Bù Đăng đã ban hành nhiều văn bản thông báo, tuyên truyền về phương thức thủ đoạn của loại tội phạm này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi hệ thống loa không đến nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa trong nhân dân.
Thiếu tá TRỊNH NGỌC THẠCH, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Bù Đăng
Trình báo với cơ quan chức năng, anh D khẳng định: “Tôi và đối tượng trao đổi thông tin qua lại không nhiều. Đối tượng có gây sức ép tâm lý khiến tôi cũng hoang mang. Tôi rất ân hận, không hiểu vì sao lại chuyển tiền vào tài khoản của mình ngay lúc đối tượng đề nghị và không hiểu vì sao tài khoản của mình lại bị trừ tiền như vậy, đề nghị cơ quan chức năng giúp đỡ”.
Từ đầu năm đến nay, Công an huyện Bù Đăng tiếp nhận 14 vụ lừa đảo qua mạng xã hội. Số tiền thiệt hại của các nạn nhân khai báo gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, có 2 vụ lừa đảo thông qua hình thức kết bạn, gửi quà và yêu cầu nộp các khoản phí và thuế. Bên cạnh đó còn có một số hình thức phổ biến khác, như chiếm quyền quản trị facebook của người khác, sau đó nhắn tin mượn tiền hoặc tạo lòng tin, huy động vốn trả lãi cao… Cơ quan chức năng cũng cảnh báo, càng về cuối năm, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các loại tội phạm, nhất là tội phạm trên không gian mạng càng gia tăng. Chúng nhắm vào đối tượng là người dân ít am hiểu pháp luật, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin và đánh vào lòng tham của “con mồi”. Do vậy, đề nghị người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tránh bị thiệt hại.