Lừa đảo tài chính hoành hành trên mạng

Theo báo cáo vừa công bố của Hãng bảo mật Kaspersky, trong nửa đầu năm 2024 tại Đông Nam Á, Việt Nam ghi nhận số vụ tấn công lừa đảo tài chính 40.102 vụ. Hình thức tấn công lừa đảo tài chính đang gia tăng nhanh chóng khi tội phạm mạng không ngừng nâng cao thủ đoạn, điều chỉnh chiến thuật lừa đảo trở nên tinh vi hơn.

Người tiêu dùng mong muốn giao dịch không dùng tiền mặt an toàn và bảo mật thông tin.

Người tiêu dùng mong muốn giao dịch không dùng tiền mặt an toàn và bảo mật thông tin.

Nhiều chiêu trò lừa đảo tài chính

Đại tá Lê Quang Đạo - Phó Giám đốc Công an TPHCM thông tin, tội phạm sử dụng không gian mạng chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Thời gian qua Công an thành phố đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Điển hình là vụ vận chuyển hàng hóa, tiền tệ qua biên giới với số tiền lớn tại TPHCM và các tỉnh thành phía Nam, như vụ Đỗ Ngọc Thùy Dung, Trương Thụy Thanh Trúc chiếm đoạt 146 tỷ đồng của ngân hàng.

9 tháng đầu năm 2024, Công an thành phố tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó có 18 vụ mạo danh công an để hù dọa người dân; 53 vụ yêu cầu người dân đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân sau đó chiếm quyền quản lý tài khoản và chiếm đoạt tài sản; 102 vụ mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối… Đáng chú ý, ghi nhận 267 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên để làm nhiệm vụ bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki… để nhận hoa hồng.

Ông Phan Đức Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, tại Việt Nam có nhiều đơn vị không rõ thông tin như CrossFi, Mineplex, BOM Network... liên tiếp tổ chức các hội thảo kín, lợi dụng hình ảnh những nhân vật có ảnh hưởng nhằm huy động vốn từ cộng đồng. Nhiều báo cáo từ người dùng gửi về ChainTracer (công cụ phân tích chuyên sâu) cho biết bị lừa đảo thông qua việc gửi, nạp tiền lên các nền tảng sàn giao dịch, ví không rõ thông tin.

Bên cạnh đó, các sàn giao dịch liên tục quảng bá, tiếp thị, truyền thông công khai, quy mô lớn dù không được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, tập trung vào các nhóm khách hàng dễ bị lôi kéo như sinh viên, giới trẻ. Ngoài ra, nhiều sàn giao dịch không phép như MEXC, BingX, Binance, Gate... liên tục được tiếp thị công khai trên mạng xã hội.

Ông Trung cho biết thêm, số liệu từ Chainalysis cho thấy trong vòng 5 năm (từ năm 2019 - 2024), khoảng gần 100 tỷ USD tiền mã hóa bất hợp pháp đã được rửa thông qua các dịch vụ chuyển đổi trên phạm vi toàn cầu. Riêng năm 2022, hoạt động rửa tiền này đã lên cao nhất, tới 31,5 tỷ USD. Tình trạng nhức nhối trên đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan quản lý về việc tăng cường giám sát, quản lý.

Cần phối hợp ngăn chặn

Về việc quản lý các sàn giao dịch tiền mã hóa, theo ông Trung, các quốc gia phát triển đã có nhiều hành vi ngăn chặn, xử lý các sàn không đảm bảo quy trình phòng chống rửa tiền như vụ việc của sàn Binance bị phạt hơn 4,3 tỷ USD tại Mỹ và CEO sàn này là Changpeng Zhao bị phạt 4 tháng tù giam. Tại Việt Nam, các cơ quan chức năng không chỉ cần thực hiện việc ngăn chặn, xử lý mà còn phải có hành động từ khâu phòng ngừa để ngăn chặn hành vi rửa tiền từ khi chưa hình thành thay vì truy vết và giải quyết các hậu quả thường là rất lớn của các hành vi này.

Đại diện cơ quan Cảnh sát điều tra PC01 (Công an TPHCM) cho biết, đơn vị từng thụ lý, điều tra nhiều vụ việc liên quan đến tiền mã hóa, rửa tiền, lừa đảo, đánh bạc trên không gian mạng, mua bán trao đổi tiền mã hóa trên các sàn như Binance, ví điện tử... nhưng gặp khó khăn trong việc định danh các nguồn tiền và truy vết dòng tiền. Cần phối hợp giữa các cơ quan để điều tra, thu thập tài liệu đúng quy định pháp luật để có thể truy tố các hành vi phạm tội.

Giải quyết vấn đề truy vết dòng tiền, ông Trần Huyền Dinh - Chủ nhiệm Chương trình ChainTracer (VBA) cho biết, các giao dịch trên blockchain không phải là ẩn danh nên việc truy vết dòng tiền là rất đơn giản. Cơ quan chức năng có thể theo vết dòng tiền khi chuyển từ ví tiền mã hóa sang giao dịch trên nền tảng tài chính truyền thống. Ví dụ, đã có nhiều tình huống tội phạm sử dụng các loại ví tiền mã hóa chuyển thành tiền pháp định để mua bán tại một cửa hàng tiện lợi và ngay lập tức bị truy bắt.

Không ít quan điểm nhận định, tâm lý của nạn nhân là một trong những rào cản lớn. Các nạn nhân bị lừa đảo các khoản tiền lớn thường lo lắng bị ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ xã hội. Một số người khác lại cho rằng, số tiền quá nhỏ không muốn báo cáo cơ quan chức năng hoặc báo cũng không giải quyết được, nên lựa chọn phương án im lặng. Việc chống lừa đảo trên không gian mạng không hề khó. Người dân chỉ cần chậm lại, kiểm chứng thông tin và báo cáo các cơ quan chức năng sẽ có thể giảm thiểu nguy cơ lừa đảo.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lua-dao-tai-chinh-hoanh-hanh-tren-mang-10296865.html