Lừa đảo thời AI: Khi các nhà lãnh đạo và chính trị gia trở thành 'nạn nhân'
Một đối tượng đã dùng AI mạo danh Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio để tiếp cận nhiều quan chức cấp cao, cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn từ lừa đảo công nghệ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.
Kẻ mạo danh đã tạo ra các tin nhắn văn bản và tin nhắn thoại bắt chước giọng nói cũng như phong cách viết đặc trưng của Ngoại trưởng Marco Rubio, sau đó gửi tới ít nhất ba ngoại trưởng nước ngoài, một thượng nghị sĩ và một thống đốc Mỹ thông qua ứng dụng mã hóa Signal. Đối tượng còn sử dụng một địa chỉ email giả với định dạng giống email chính thức của Bộ Ngoại giao.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio trở thành nạn nhân mới nhất của công nghệ giả giọng tinh vi bằng AI. Ảnh: Reuters
Trả lời báo chí về vụ việc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce cho biết: "Chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ thông tin và đang liên tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường an ninh mạng để phòng ngừa những sự cố tương tự trong tương lai. Bộ Ngoại giao, cũng như toàn bộ chính phủ Mỹ, nhận thức rõ những rủi ro trong thời đại công nghệ số và đang xử lý vụ việc một cách nghiêm túc".
Vụ việc không chỉ đặt ra thách thức mới với an ninh quốc gia Mỹ mà còn là lời cảnh tỉnh với các chính phủ và tổ chức toàn cầu. Từ châu Âu đến châu Á, nhiều nước đã ghi nhận các vụ việc tương tự. Hồi đầu năm nay, bà Paetongtarn Shinawatra, người vừa bị đình chỉ chức vụ thủ tướng Thái Lan tiết lộ chính bà cũng suýt “sập bẫy” khi nhận được một cuộc gọi mạo danh một nhà lãnh đạo ASEAN và kêu gọi quyên góp cho một quốc gia không nêu tên.
“Chúng tiếp cận tôi theo một cách rất tinh vi, đó là đóng giả một nhà lãnh đạo nổi tiếng. Giọng nói rất quen thuộc và giống như tôi đã từng nghe trước đây. Giọng nói đó khẳng định rằng Thái Lan là quốc gia duy nhất thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chưa quyên góp và gửi cho tôi một đường link. Khi tôi nghe đến câu này, tôi nghĩ rằng nó thật bất thường”, bà Paetongtarn cho biết.
Trước đó, 5/2024, Thủ tướng Singapore khi đó Lý Hiển Long cũng chia sẻ chính ông cũng từng là nạn nhân của một trang web giả mạo và món hàng ông đặt ở đó không hề được giao đến.
Trong bối cảnh AI có thể tạo ra giọng nói và văn phong gần như không thể phân biệt với con người thật, nguy cơ các hệ thống thông tin nhạy cảm bị xâm nhập là hoàn toàn có thể. Điều này không chỉ đặt ra yêu cầu cấp bách về nâng cao năng lực bảo mật kỹ thuật số mà còn cần phối hợp quốc tế trong việc xây dựng các khung pháp lý và chuẩn mực ứng xử chung.
Chính phủ nhiều nước đã triển các giải pháp đa lớp nhằm đối phó với các hành vi lừa đảo lợi dụng AI. Đan Mạch là một trong những quốc gia đi đầu khi sửa luật bản quyền để bảo vệ khuôn mặt, giọng nói và hình ảnh cá nhân, cho phép tự xóa deepfake và kiện các nền tảng không tuân thủ.
Liên minh châu Âu cũng đã ban hành Luật AI (AI Act), bắt buộc dán nhãn nội dung do AI tạo và áp dụng các quy tắc chống thông tin sai lệch theo Quy định Dịch vụ Kỹ thuật số. Singapore và Philippines thành lập nhóm chuyên trách để phát hiện deepfake, trong khi Trung Quốc bắt buộc gắn nhãn rõ nội dung deepfake, xác minh người dùng và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân không tuân thủ.