TP.HCM sẽ quản lý giao thông thông minh sau sáp nhập
TP.HCM sẽ quản lý giao thông thông minh sau sáp nhập, đây là một trong những kế hoạch quan trọng mà Sở Xây dựng TP.HCM đang thực hiện.
Chiều 10-7, Sở Xây dựng TP.HCM cùng Trường Đại học Monash (Úc) ký kết kế hoạch hợp tác nghiên cứu, triển khai các chương trình đào tạo, quản lý giao thông thông minh (ITS) của TP.HCM.
Ứng dụng công nghệ để quản lý giao thông
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, TP.HCM đã mở rộng quy mô đáng kể sau khi hợp nhất với tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) theo Nghị quyết số 60 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sở Xây dựng TP.HCM cùng Trường Đại học Monash (Úc) ký kết kế hoạch hợp tác nghiên cứu, triển khai các chương trình đào tạo, quản lý giao thông thông minh (ITS).
Với tầm nhìn chiến lược định hướng phát triển đưa TP.HCM trở thành trung tâm tăng trưởng đa cực. Cụ thế: Kết nối hạt nhân công nghệ cao (TP.HCM), cụm công nghiệp trọng điểm (Bình Dương cũ) và trung tâm năng lượng - cảng biển (Bà Rịa - Vũng Tàu cũ). Đồng thời, đưa TP.HCM trở thành đầu tàu về khoa học - công nghệ với 3 trụ cột là trí tuệ nhân tạo (TP.HCM), công nghiệp 4.0 (Bình Dương), và chuyển đổi số (Vũng Tàu).
Tuy nhiên, cùng với quy mô mở rộng, TP.HCM cũng đối mặt với những thách thức lớn hơn trong lĩnh vực giao thông đô thị. Bao gồm ùn tắc giao thông, tính bền vững môi trường và nhu cầu hiện đại hóa hạ tầng trên một địa bàn rộng lớn hơn. Do đó, yêu cầu đặt ra cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, đô thị thông minh là vô cùng cấp bách và đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế.
Với tinh thần đó, Sở Xây dựng TP.HCM và Trường Đại học Monash ký kết kế hoạch hợp tác nghiên cứu, sẽ thành lập và vận hành Văn phòng Hợp tác Nghiên cứu, ứng dụng AI, Big Data, Digital Twin vào quản lý giao thông thông minh.
Bên cạnh đó là đào tạo chuyên sâu cán bộ, kỹ sư kỹ sư trong lĩnh vực giao thông và hạ tầng đô thị. Đồng thời, triển khai các dự án thí điểm có tầm ảnh hưởng vùng và mở rộng mô hình thành công ra các đô thị vệ tinh.
"Trong bối cảnh quy mô phát triển đô thị ngày càng mở rộng, các vấn đề hạ tầng, môi trường, giao thông, chất lượng sống... đang đặt ra những thách thức phức tạp chưa từng có. Vì vậy, TP.HCM rất cần những mô hình hợp tác như hôm nay – nơi tri thức, công nghệ, con người và quyết tâm chính trị cùng hội tụ để tìm ra những giải pháp thiết thực, hiệu quả" - ông Ngân nói.

TP.HCM có chiến lược định hướng phát triển đưa TP trở thành trung tâm tăng trưởng đa cực.
Tích cực triển khai nhiều giải pháp
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết các bên đang tích cực phối hợp triển khai 4 nội dung trọng tâm từ quý 3-2025. Trong đó chú trọng ứng dụng hệ thống giao thông thông minh.
Cụ thể, các đơn vị sẽ đổi mới trong hệ thống giao thông thông minh (ITS) thông qua thu thập và phân tích dữ liệu giao thông thời gian thực; chú trọng nghiên cứu sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích hành vi giao thông và nhận diện các vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp kịp thời.
TP.HCM sẽ triển khai thí điểm công nghệ song sinh kỹ thuật số (Digital Twins) để mô phỏng và phân tích các kịch bản giao thông phức tạp, giúp quản lý hệ thống hiệu quả hơn...
Ông Tấn cũng cho biết TP.HCM sẽ xây dựng giao thông bền vững với thiết kế và phát triển các hệ thống giao thông công cộng thân thiện với môi trường. Đồng thời, tối ưu hóa mạng lưới giao thông công cộng để khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, giảm tải lượng xe cá nhân...

TP.HCM có nhiều kế hoạch để ứng dụng, quản lý giao thông thông minh sau sáp nhập.
Bên cạnh đó là tập trung đào tạo và nâng cao năng lực với tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn, chuyên sâu và hội thảo khoa học về quản lý giao thông, giao thông xanh.
Cuối cùng, ông Tấn cho rằng cần tiến hành thí điểm và ứng dụng công nghệ mới thông qua thực hiện các dự án thí điểm nhằm kiểm nghiệm hiệu quả trước khi triển khai rộng rãi. Đơn cử như các giải pháp ITS tại một số tuyến đường trọng điểm để kiểm tra khả năng tích hợp công nghệ và hiệu quả thực tiễn...
"Sau khi triển khai thí điểm, các bên đánh giá hiệu quả, rút kinh nghiệm từ các thí điểm để nhân rộng mô hình tại các khu vực khác" - ông Tấn thông tin.
Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-se-quan-ly-giao-thong-thong-minh-sau-sap-nhap-post859756.html