Lừa đảo trên không gian mạng: Cảnh báo nhiều nhưng người bị lừa không ít

Đã có rất nhiều cảnh báo về những vụ lừa đảo trên không gian mạng, thế nhưng vẫn còn nạn nhân sập bẫy kẻ xấu, số tiền bị chiếm đoạt ngày càng nhiều...

Cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng

Theo thống kê của cơ quan công an, phần lớn các đối tượng lừa đảo đều đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi của nạn nhân vì những khoản tiền hứa hẹn và những lợi lộc có được từ “bẫy” mà chúng đặt ra.

* Đánh vào tâm lý cả tin, hám lợi

Có thể nói, chưa khi nào các loại tội phạm công nghệ cao lại xuất hiện nhiều trên không gian mạng như những năm gần đây. Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ việc các nền tảng số đã và đang được đưa vào sử dụng nhiều trong các lĩnh vực.

Lợi dụng các nền tảng số, các đối tượng tội phạm đã tìm cách chiếm đoạt tài sản của người khác. Bên cạnh đó, một phần nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân, một số người sập bẫy kẻ phạm tội cũng chỉ vì lòng tham.

Nhận định về thực tế này, trung tá Nguyễn Hải Dương, Phó trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh cho biết, mặc dù đã cảnh báo nhiều nhưng nhiều người dân vẫn chưa tiếp cận được với các thông tin cảnh báo; không ít người còn thờ ơ, mất cảnh giác trước những thay đổi các phương thức mới ngày càng tinh vi của tội phạm; công tác tuyên truyền có lúc chưa được phù hợp, sâu rộng.

Đại tá TRẦN TIẾN ĐẠT, Phó giám đốc Công an tỉnh nhấn mạnh, đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao là vấn đề cấp thiết, quan trọng, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng không gian mạng để xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội và lợi ích của tổ chức, cá nhân.

Bên cạnh đó, theo trung tá Nguyễn Hải Dương, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực viễn thông, mạng internet, ngân hàng vẫn tồn tại những sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng. Việc cung cấp thông tin chủ thuê bao số điện thoại và tài khoản có lúc còn chậm nên chưa kịp thời cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao.

Một lãnh đạo Công an TP.Biên Hòa cho biết, lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, thời gian qua, không ít vụ lừa đảo vẫn xảy ra. Các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn từ các bị hại.

Mới đây, chị N.H.D. (ngụ TP.Biên Hòa) là nhân viên của một trung tâm mua sắm ở TP.Biên Hòa đã đến cơ quan công an trình báo, thông qua mạng xã hội Facebook, chị được một đối tượng giới thiệu có thể tìm kiếm cho chị công việc có thu nhập cao. Để tham gia công việc này, đối tượng yêu cầu chị D. phải đóng một khoản phí ban đầu hàng chục triệu đồng để “giữ chân”. Tuy nhiên, khi đóng các khoản phí lên đến hàng trăm triệu đồng nhưng vẫn không nhận được việc và các khoản thu nhập như đã hứa, chị D. mới biết mình bị lừa.

Hay như trường hợp anh D.T.T. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cũng đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 130 triệu đồng bằng thủ đoạn dùng các app kinh doanh trên mạng. Cụ thể, sau khi nhận được tin nhắn từ đối tượng lạ trên mạng xã hội yêu cầu tham gia nhóm “SSI tăng thu nhập”, anh T. đã tải app AVENUE và được các đối tượng yêu cầu đóng tiền để hoạt động. Sau khi bỏ khoản tiền trên, anh mới biết mình bị lừa.

* Tăng cường phối hợp để ngăn chặn

Theo Công an TP.Biên Hòa, hiện trên địa bàn thành phố số người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo thông qua các trang mạng xã hội vẫn xảy ra nhiều. Một số người dân đã đến cơ quan công an trình báo về việc bị kẻ xấu lừa đảo chiếm đoạt từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Trong đó, phương thức, thủ đoạn rất đa dạng và đa phần các nạn nhân nhẹ dạ cả tin hoặc chỉ vì hám lợi từ những món quà bất ngờ, công việc nhẹ nhưng thu nhập cao... nên dễ dàng sập bẫy.

Một cán bộ điều tra Công an TP.Biên Hòa cho biết, qua thống kê sơ bộ, hơn 90% nạn nhân các vụ lừa đảo trên không gian mạng là phụ nữ. Trong đó, số lượng chiếm phần lớn là những phụ nữ không có việc làm, ở nhà làm công việc nội trợ, chăm con nhỏ... Thường khi sập bẫy kẻ lừa đảo, những người này tìm cách giấu gia đình, người thân việc mình trở thành nạn nhân.

4 nguyên tắc cơ bản để tránh bị lừa. Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: Thành Vinh

4 nguyên tắc cơ bản để tránh bị lừa. Thông tin: Trần Danh - Đồ họa: Thành Vinh

Theo vị cán bộ này, có thể là những bị hại lo sợ việc làm của mình ảnh hưởng đến người nhà hoặc sợ bị lên án nên khi gặp chuyện họ thường tự mình tìm cách gỡ. Tuy nhiên, cũng chính tâm lý này đã khiến cho nhiều bị hại khi đã sập bẫy lại càng lấn sâu hơn và mất nhiều tiền hơn cho các đối tượng lừa đảo.

Trước tình trạng các vụ lừa đảo trên không gian mạng xảy ra ngày càng nhiều. Lực lượng công an đã triển khai nhiều biện pháp để đấu tranh ngăn chặn. Tháng 12-2021, Công an tỉnh đã công bố quyết định của Bộ trưởng Công an về việc thành lập Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao để đấu tranh ngăn chặn và vô hiệu hóa các loại tội phạm trên không gian mạng.

Nói về những giải pháp để ngăn chặn các vi phạm trên không gian mạng, trung tá Nguyễn Hải Dương cho biết, thời gian tới, lực lượng công an tăng cường phối hợp với các cơ quan cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng internet, ngân hàng, mạng xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý; đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nhất là thông báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo trên mạng xã hội để cảnh báo sâu rộng đến mọi người dân.

Theo các ngành chức năng, một trong những giải pháp quan trọng trong ngăn tội phạm trên không gian mạng là phải nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là quản lý chặt chẽ các lĩnh vực: viễn thông, mạng internet, ngân hàng…

Trần Danh

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202204/lua-dao-tren-khong-gian-mang-canh-bao-nhieu-nhung-nguoi-bi-lua-khong-it-3111179/