Chàng trai người Mông và hành trình đưa thổ cẩm vươn tầm quốc tế

Vượt muôn trùng núi non, đèo dốc từ thành phố Bắc Kạn đến xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm chừng khoảng 130km, chúng tôi có mặt tại nhà anh Hoàng Văn Thề như đã hẹn từ trước và cũng đúng thời điểm anh đang cùng vợ tất bật hoàn thành đơn hàng váy, áo gửi sang nước Mỹ. Trong căn nhà rộng khoảng 70m2 và cũng là xưởng may của gia đình, tiếng máy khâu, máy dập li quay đều phát ra những âm thanh chẳng khác nào xưởng may công nghiệp, tạo nên bầu không khí làm việc hết sức sôi động.

Tốt nghiệp THPT, anh theo chúng bạn cùng trang lứa rời quê đi làm thuê ở các công ty miền xuôi với hy vọng sớm được "đổi đời". Thế nhưng, giữa chốn phồn hoa đô thị lại càng khiến anh nhớ bản, nhớ những đường chỉ thêu, sắc váy rực rỡ và hồn cốt của núi rừng không nguôi. Và anh cũng nhận ra một điều, rằng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng ít được sử dụng trong đời sống hiện đại. Vì vậy, sau vài năm bươn chải, năm 2019, anh quyết định trở về bản làng, mang theo ước mơ khởi nghiệp với nghề may truyền thống– một lựa chọn khiến không ít người ngạc nhiên, bởi trong suy nghĩ của người Mông, may vá là công việc dành riêng cho phụ nữ.

Bỏ ngoài tai những ánh nhìn hoài nghi, anh Thề vẫn kiên định với mục tiêu khởi nghiệp của mình. Được mẹ đẻ là bà Dương Thị Mỵ luôn ủng hộ hết mình, không chỉ động viên mà bà còn đồng hành giúp anh hoàn thiện từng mẫu thiết kế đầu tiên. Với suy nghĩ, nghề may không phân biệt nam hay nữ, “ai cũng có thể làm nghề này, miễn là có tâm và đam mê. Bởi đây không chỉ là công việc, mà còn là cách tôi gìn giữ văn hóa của dân tộc mình và tạo ra thu nhập chính đáng”, anh Thề chia sẻ.

Anh Thề nhớ lại, khi bắt đầu khởi nghiệp với một chiếc máy may cũ và gian nhà nhỏ được sửa sang lại để làm xưởng. Ban đầu, công việc không mấy thuận lợi do mẫu mã truyền thống còn đơn điệu, ít người mua... Nhưng với tinh thần cầu tiến, anh bắt đầu kết hợp họa tiết truyền thống của người Mông với xu hướng hiện đại, tạo ra các mẫu trang phục mang tính ứng dụng cao như váy, áo khoác… nên đã từng bước có được sự đón nhận tích cực của khách hàng.

Không giống như nhiều xưởng thiết kế hiện đại, anh Thề không dùng bất kỳ phần mềm hay công cụ hỗ trợ thiết kế nào. Tất cả những mẫu trang phục từ kiểu dáng, họa tiết đến màu sắc đều được anh thiết kế theo cảm hứng bắt nguồn từ trong đời sống lao động, sinh hoạt, văn hóa, lễ hội của dân tộc mình.

Tuy nhiên, để phù hợp với thị trường, từ bộ trang phục truyền thống của phụ nữ Mông, anh Hoàng Văn Thề đã sáng tạo cách tân thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã để phù hợp với mọi lứa tuổi.

Thừa nhận có thay đổi về kiểu dáng trang phục, tuy nhiên anh Thề cho biết những nét sắc thái cơ bản thì anh vẫn phải giữ theo truyền thống của người Mông, như màu sắc và cả các họa tiết hoa văn truyền thống… Dẫu có thay đổi hoặc pha thêm chút hoa văn cách điệu, nhưng cũng không được phá bỏ những nét giá trị truyền thống của người Mông.

Anh Thề chia sẻ về nghề mà mình đã chọn.

Thời gian đầu mới sản xuất, anh Thề chủ yếu đem bán tại các phiên chợ vùng cao của huyện. Bước ngoặt đến khi anh đưa hình ảnh sản phẩm lên các nền tảng mạng xã hội. Nhờ thiết kế độc đáo, đậm chất văn hóa, sản phẩm của anh nhanh chóng thu hút sự chú ý của khách hàng quốc tế.

Là người nhạy bén trong kinh doanh, anh Thề hiểu rõ thị hiếu thay đổi theo từng năm, nên anh thường tạo ra các bộ trang phục với thiết kế bắt mắt để đón đầu xu hướng. Anh Hoàng Văn Thề cho biết: “Nếu năm 2024 là kiểu cổ chéo truyền thống được cách điệu, thì năm nay là mẫu cổ cao 3cm có cúc cài thời trang, phù hợp với người trẻ”…

 Khách hàng bên Mỹ phản hồi về sản phẩm của anh Thề.

Khách hàng bên Mỹ phản hồi về sản phẩm của anh Thề.

“Tôi rất vui khi nhiều khách hàng nhận được sản phẩm đã dành những lời khen, niềm yêu thích với bộ trang phục do tôi làm ra. Họ còn chụp lại những khoảnh khắc khi mặc trang phục đi dự sự kiện, dự tiệc cho vợ chồng tôi xem. Đặc biệt, nhiều bộ trang phục của tôi đã được khách hàng sử dụng trong các cuộc thi sắc đẹp của cộng đồng dân tộc Mông ở nước ngoài, góp phần tôn vinh bản sắc dân tộc trên sân khấu lớn. Đó không chỉ là niềm vui mà còn là hạnh phúc”, anh Thề nói.

Một buổi livestream của vợ chồng anh Thề.

Anh Thề phấn khởi cho biết thêm: “Thời gian tới, tôi chuẩn bị xuất khoảng 50 bộ váy, áo sang Mỹ. Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy trang phục truyền thống của dân tộc mình được nhiều bạn bè quốc tế biết đến và yêu thích. Đó cũng là một cách để góp phần quảng bá về con người và mảnh đất Bắc Kạn”, anh Thề phấn khởi cho biết thêm.

Không chỉ khát khao phát triển sự nghiệp cá nhân, anh Hoàng Văn Thề còn ấp ủ một mong muốn lớn hơn đó là xây dựng không gian trưng bày trang phục truyền thống của các nhóm dân tộc Mông trên cả nước cho riêng mình. Anh tin rằng, khi được tiếp cận dễ dàng, thì văn hóa Mông sẽ được lan tỏa rộng rãi và được người trẻ đón nhận như một phần giá trị sống.

Ông Lộc Văn Dưỡng, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) cho biết: Anh Hoàng Văn Thề với tình yêu, sự đam mê trang phục truyền thống của dân tộc, thông qua các nền tảng mạng xã hội đã quảng bá và giới thiệu những nét đẹp truyền thống của đồng bào người Mông đến bạn bè quốc tế. Anh là tấm gương điển hình khơi dậy tinh thần dám nghĩ, dám làm cho thanh niên người dân tộc thiểu số trong xã về phát triển kinh tế hiện nay.

Khách hàng yêu thích các mẫu sản phẩm do anh Thề thiết kế.

Con đường lập nghiệp của anh Hoàng Văn Thề đang có nhiều cơ hội mở ra nhưng cũng không ít thử thách. Một thanh niên dám nghĩ, dám làm như Hoàng Văn Thề chắc hẳn sẽ biết cách vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ để thành công. Từ đó, trở thành một tấm gương về lập thân, lập nghiệp cho thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số ít người trên quê hương Bắc Kạn./.

Quý Đôn - Bích Huyền

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.vn/chang-trai-nguoi-mong-va-hanh-trinh-dua-tho-cam-vuon-tam-quoc-te-post70995.html