'Lửa thử vàng' - Câu chuyện truyền nhân gia tộc cải lương
Cải lương đi qua thời hoàng kim, nhưng truyền nhân các gia tộc cải lương chưa bao giờ tắt ngọn lửa đam mê và niềm khao khát viết tiếp chặng đường nghệ thuật của cha ông đã gầy dựng.
Thập niên 70, 80 của thế kỷ XX là thời điểm nở rộ nhất của cải lương. Những gia tộc cải lương hùng hậu gắn liền với nhiều thế hệ khán giả phải kể đến là: Bầu Thắng - Minh Tơ, Huỳnh Long, Huỳnh Mai... Nhiều tên tuổi nghệ sĩ đình đám xuất thân từ những gia tộc này như: Thanh Tòng, Xuân Yến, Bạch Lê... Song song đó là những vở diễn làm say mê hàng triệu khán giả khắp mọi nơi mỗi khi sân khấu cải lương sáng đèn như: "Câu thơ yên ngựa", "Thần nữ dâng ngũ linh kỳ", "Tiếng trống Mê Linh", "Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga".
Cải lương thoái trào. Các gia tộc cải lương cũng lùi dần sau hào quang, nhưng con cháu của họ vẫn duy trì. Chi tộc Minh Tơ sinh ra nhiều nghệ sĩ trẻ tài sắc vẹn toàn như: NSƯT Quế Trân (con NSND Thanh Tòng), NSƯT Tú Sương, Ngọc Nga, Thanh Thảo (con Nghệ sĩ Thanh Loan và Nghệ sĩ Trường Sơn), Trinh Trinh (con Nghệ sĩ Xuân Yến)... Họ bắt đầu rèn nghề từ chính cái nôi của gia đình và nổi danh với nhiều video cải lương của Ðoàn đồng ấu Bạch Long. Mỗi truyền nhân này lại có cách vực dậy nghệ thuật của gia tộc riêng.
Ðiển hình như câu chuyện của nghệ sĩ Gia Bảo. Có ông nội là NSƯT Bảo Quốc, bà ba Thanh Nga, bác Hữu Châu, chú Hữu Lộc, Gia Bảo tự ý thức được trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quá “khổng lồ” mà cha ông để lại. Từ kịch, hài..., anh bắt đầu làm bầu show để liên tục thực hiện Chương trình "Tài danh đất Việt" quy tụ những nghệ sĩ đình đám một thời như: Minh Cảnh, Phượng Liên, Lệ Thủy, Minh Vương... Các trích đoạn anh chọn dựng lại đều là những vở diễn gắn liền với tên tuổi của gia tộc. Ðể mời được những ngôi sao một thời tái xuất và nhắc nhớ thời “lẫy lừng hoa lệ” của cải lương, không phải nằm ở vấn đề tiền bạc mà còn là danh dự.
Anh bảo: “Mỗi chương trình "Tài danh đất Việt", tôi muốn khán giả nhiều độ tuổi được xem, nghe và thưởng thức nghệ thuật ca, diễn và vũ đạo có một không hai của những "cây đa, cây đề" tạo nên danh tiếng của bộ môn nghệ thuật cải lương. Ðó cũng là cách mà người con, người cháu như tôi viết tiếp gia phả nghệ thuật của bao thế hệ tạo dựng nền tảng quá tốt đẹp”.
Nếu Gia Bảo làm nhiều liveshow cải lương thì một truyền nhân khác của hậu duệ gia tộc cải lương tuồng cổ Bầu Thắng - Minh Tơ là Lê Nguyễn Trường Giang lại làm web drama cải lương "Hồi sử cổ nhân". Chọn hình thức web drama cho cải lương là cách mà Lê Nguyễn Trường Giang muốn đưa cải lương tiếp cận giới trẻ, với nội dung từng MV cải lương ngắn gọn, không mất nhiều thời gian khi xem và có thể xem đi xem lại lúc nào rảnh rỗi.
Ðiều mà hậu nhân của gia tộc cải lương này mong muốn là bồi dưỡng cải lương theo con đường độc lập. Anh biết khán giả cải lương hiện tại đang mong muốn gì. Ðể khiến khán giả có thể ngồi xem một vở tuồng khoảng 2 tiếng rưỡi không phải dễ dàng. Họ thích xem nghệ sĩ múa vũ đạo trên sân khấu, thích nghe âm nhạc được phối cổ kim, thích trang phục đẹp mắt... thì anh sẽ gói gọn trong web drama cải lương như MV ca nhạc để quảng bá đại chúng hơn.
Lê Nguyễn Trường Giang tâm sự: “Tôi bị ám ảnh bởi cụm từ: “Cải lương đã mai một theo thời gian”. Một thời vàng son của tiền nhân đã đi qua, những ánh hào quang sân khấu các cô chú, anh chị tôi đã nếm trải... nhưng đến thế hệ của tôi thì lại không còn. Suốt khoảng hai, ba năm sau khi tốt nghiệp Trường Sân khấu Ðiện ảnh, tôi chưa từng được đứng trên sân khấu hát tuồng. Tôi đã làm nhiều việc để kiếm tiền đầu tư cho web drama cải lương và các show khác. Tôi tình nguyện là người kiếm củi để giữ cho bếp lửa nhỏ được cháy sáng, sưởi ấm niềm đam mê và thỏa mãn khao khát được đứng trên sân khấu của một truyền nhân gia tộc cải lương”.
Nếu đã nói tới các truyền nhân cải lương giữ lửa cho gia tộc, sẽ là thiếu sót nếu không nói đến Bình Tinh. Từ bé đến khi trưởng thành, Bình Tinh càng nhận thức được ý thức trách nhiệm của mình rất lớn lao theo năm tháng. Nhìn xung quanh đại gia tộc cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, nữ nghệ sĩ không khỏi chạnh lòng khi thấy những anh chị em của cô chọn ngành nghề khác và không nối nghiệp nghệ thuật.
Sau khi anh trai cô là Nghệ sĩ Chinh Nhân mất, mọi trách nhiệm và hy vọng đổ dồn hết vào một mình cô. Nữ nghệ sĩ càng có thêm nhiều suy nghĩ nặng nề cùng những trăn trở để tìm cách nối nghiệp và mang hào quang trở lại với đoàn cải lương của gia đình.
Hiện tại, một mình Bình Tinh đang lèo lái đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long hoạt động thường xuyên ở rạp Hậu Giang. Ðều đặn mỗi tháng, đoàn đều có các suất diễn mới phục vụ khán giả. Bà bầu trẻ tâm sự: “Anh trai, ba mẹ đều đã đi xa, còn một mình tôi là truyền nhân nên phải có trách nhiệm. Vì ông bà đã gầy dựng đoàn sân khấu cải lương tới 3, 4 đời, nay mà để bị mai một thì uổng quá. Chưa kể, nếu không có sân khấu thì lấy đâu chỗ cho mình hoạt động hát. Áp lực lắm chứ. Tôi phải đi hát nhiều nơi để nuôi đoàn, để trả lương đủ cho anh em nghệ sĩ lẫn hậu đài. Ðiều may mắn của tôi là các cô chú, anh chị nghệ sĩ tài danh như: Hoài Linh, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Ngọc Huyền... đều hết lòng hỗ trợ mà không màng đến cát-xê. Ðó cũng là cái phước mà gia tộc cải lương đã để lại, để con cháu như tôi có điểm tựa bước tiếp”.
Còn rất nhiều hậu duệ khác của cải lương như: Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Lê Thanh Thảo... vẫn miệt mài tham gia những vở tuồng ở khắp các sân khấu lớn, nhỏ. Mỗi vở diễn đều được đầu tư đổi mới, đậm tính thẩm mỹ, từ trang phục, vũ đạo đến dàn dựng sân khấu. Họ mong mỏi mang cải lương đến gần hơn với giới trẻ; nhất là cải lương tuồng cổ, tác giả và nghệ sĩ ngoài giữ cái cốt lõi của tuồng, còn phải biết thay đổi hợp lý một số ngôn ngữ cổ xưa để phù hợp với hiện tại, dễ hiểu...
Cải lương có thể không ở thời vàng son, nhưng nó vẫn sống mãi theo nhịp thời đại bằng chính tâm huyết của thế hệ tiếp nối vinh quang gia tộc./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/lua-thu-vang-cau-chuyen-truyen-nhan-gia-toc-cai-luong-a34417.html