Luận cần xác định đầy đủ trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí trong ký kết hợp đồng dầu khí

Hôm nay 3-8, tại TP. Hồ Chí Minh diễn ra hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp Bộ Công Thương tổ chức.

Tham dự hội thảo có Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; đại diện Bộ Công Thương; Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang.

Toàn cảnh hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Toàn cảnh hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi)

Tại hội thảo, các đại biểu góp ý nhiều nội dung như đề nghị Ban soạn thảo xem xét việc bổ sung vấn đề nguồn nhiên liệu mới trong điều kiện nhu cầu sử dụng năng lượng; cần xem xét bổ sung bản tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài trong giải pháp tranh chấp hợp đồng dầu khí phải đảm bảo lợi ích kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh của Việt Nam, bởi tranh chấp đối với hợp đồng dầu khí là loại tranh chấp có liên quan đến quyền, lợi ích của Nhà nước, quốc gia với mối quan hệ hợp tác đầu tư, cũng có nghĩa là liên quan đến quan hệ quốc tế và lợi ích giữa các quốc gia.

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại hội thảo

Phó trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang phát biểu tại hội thảo

Từ trước đến giờ, luật giao thẩm quyền cho Chính phủ và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ ủy quyền để quản lý, theo dõi trực tiếp ký kết các hợp đồng thăm dò, khai khác dầu khí. Tuy nhiên, ở đây có một vấn đề đó là khi xảy ra việc bồi hoàn cho đối tác lại phải xin ý kiến của Quốc hội. Tôi thấy đây là vấn đề không hợp lý. Tôi đề nghị phải xác định rõ cũng như đầy đủ trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong việc quản lý, tham gia ký kết hợp đồng dầu khí cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị tham vấn thêm như các ý kiến của các đại biểu, tham khảo thêm pháp luật về dầu khí của các quốc gia mà chúng ta ký kết các hiệp định, hiệp ước có liên quan đến dầu khí.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng có sự nhầm lẫn giữa các hoạt động quản lý nhà nước và trách nhiệm của từng cơ quan trong việc thực hiện nội dung quản lý nhà nước. Hoạt động quản lý nhà nước và trách nhiệm của từng cơ quan vượt khỏi phạm vi điều chỉnh của luật nên đề nghị Ban soạn thảo thiết kế, quy định nội dung quản lý nhà nước cho tương thích với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định pháp luật có liên quan tại Luật Doanh nghiệp, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, mô hình Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Đề nghị Ban soạn thảo phải làm rõ thêm việc đảm bảo nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí. Đây là một chính sách mới và có khả năng lớn là tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và làm giảm sức hấp dẫn đầu tư. Vì vậy cần giải trình rõ hơn nguồn được dùng để thực hiện nghĩa vụ thu dọn công trình đối với những dự án sau khi thăm dò khai thác mà không có sản phẩm thương mại. Trong dự thảo luật quy định việc trích lập quỹ, nếu thực hiện thì phải làm rõ về việc quản lý quỹ này như thế nào để đảm bảo được nghĩa vụ thu dọn công trình dầu khí sau khi thăm dò, khai thác.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang

Trên cơ sở góp ý của các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 14 diễn ra trong tháng 8-2022 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/135664/luan-can-xac-dinh-day-du-trach-nhiem-cua-tap-doan-dau-khi-trong-ky-ket-hop-dong-dau-khi