Luật Báo chí 2016 cần sớm sửa đổi để theo kịp thực tiễn
Báo chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức để có thể phát triển đa nền tảng trong quá trình chuyển đổi số. Trong khi đó, Luật Báo chí 2016 đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu hoạt động và phát triển của báo chí. Đây là nhận định tại buổi làm việc giữa Ủy ban Văn hóa - Giáo dục và Báo Nhân dân chiều nay 4/3. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì buổi làm việc.
Một số ý kiến cho rằng, Luật Báo chí 2016 chưa có sự phân biệt và lượng hóa rõ ràng giữa báo và tạp chí điện tử. Trong bối cảnh khó kiểm soát các thông tin trên mạng xã hội, cần có các quy định khuyến khích đầu tư công nghệ cho các cơ quan báo chí chính thống để có đủ năng lực cạnh tranh với các đơn vị truyền thông trên thị trường. Đồng thời, cũng cần có thêm những quy định kết hợp với Luật An ninh mạng 2018 nhằm kiểm soát hiệu quả hơn các thông tin trên các nền tảng mạng xã hội.
Về hoạt động kinh tế của cơ quan báo chí, có ý kiến đề xuất nên quy định theo hướng mở rộng hoạt động kinh doanh khác theo quy định pháp luật chứ không chỉ hạn chế các lĩnh vực như Luật Báo chí hiện hành để tạo điều kiện cho cơ quan báo chí có nguồn thu phát triển hoạt động báo chí. Đồng thời, định hướng này cũng phù hợp với việc xác định cơ quan báo chí là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Ngoài ra, có thể thí điểm các mô hình liên kết giữa cơ quan báo chí tự chủ tài chính với doanh nghiệp công nghệ số để tăng cường nguồn lực cho các cơ quan báo chí đáp ứng yêu cầu về tốc độ và tính linh hoạt trong quá trình chuyển đổi số…
Báo cáo số 57 ngày 30/3/2022 của Bộ TT&TT gửi Chính phủ mới đây cũng đã nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn của pháp luật báo chí. Từ đó, việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí 2016 là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những bất cập hiện hành.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!