Luật Báo chí 2016 có 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập

Báo cáo của Bộ TT&TT nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.

Ngày 10-6, tại Hà Nội, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ TT&TT, Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội Thảo khoa học cấp quốc gia: Cơ sở khoa học và thực tiễn sửa đổi – Luật Báo chí 2016 – Tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016.

Hội thảo có sự tham gia của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học.

Hội thảo có sự tham gia của gần 80 chuyên gia, các nhà báo, các luật sư, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực báo chí và luật học.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sự cần thiết của việc tổng kết thi hành Luật Báo chí 2016 để trên cơ sở đó định hình những quan điểm, tầm nhìn, kế hoạch mới để báo chí Việt Nam phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Sau 6 năm thực hiện, Bộ TT&TT ghi nhận nhiều đánh giá tích cực từ các bộ ngành, địa phương và cơ quan báo chí.

Luật Báo chí năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo hành lang pháp lý để hoạt động báo chí phát triển vượt bậc, quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân được bảo đảm và phát huy trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn không ít bất cập do Luật Báo chí 2016 không theo kịp với sự đổi mới về khoa học và công nghệ thông tin trong thời kỷ nguyên số. Bộ TT&TT đã có báo cáo số 57/BC-BTTT ngày 30-3-2022 báo cáo Chính phủ về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung.

Báo cáo nêu ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí. Những vấn đề đó cho thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 cho phù hợp với thực tiễn là cần thiết, nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho báo chí hoạt động, phát triển; đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập, bổ sung quy định để điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương nêu thực tiễn: Điều 25 quy định: “Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo...”.

Theo bà Hương, quy định này không phù hợp với thực tiễn và mâu thuẫn với quy định tại Điểm C, Khoản 1, Điều 27: “Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 2 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ...”.

Thực tế hiện nay nhà báo, phóng viên đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí ngoài Thẻ nhà báo do Bộ TT&TT cấp, lãnh đạo các cơ quan báo chí cấp giấy giới thiệu cử phóng viên đi tác nghiệp (đối với trường hợp chưa được cấp thẻ nhà báo), tuy nhiên, việc sử dụng giấy giới thiệu khi tác nghiệp chưa được đưa vào quy định của Luật Báo chí.

Chia sẻ về một số bất cập trong hoạt động của các trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp phép, bà Hương cho biết, hiện nay, trang thông tin điện tử tổng hợp của tổ chức, doanh nghiệp không giới hạn về số lượng nguồn tin miễn là xin được thỏa thuận cho trích dẫn nguồn tin từ cơ quan báo chí.

Bà Hương cho biết, hầu hết các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin điện tử tổng hợp vì lợi ích của mình chỉ tập trung khai thác các tin tiêu cực, mặt trái xã hội... khiến cho bức tranh thông tin trên mạng bị sai lệch, không phản ánh đúng tình hình xã hội của đất nước.

TS Phan Văn Kiên, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Tuyên truyền (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), Luật Báo chí là hành lang pháp lý quan trọng nhất để báo chí hoạt động trong bối cảnh xã hội và bản thân báo chí đang có nhiều thay đổi, chuyển mình không ngừng và đa chiều như hiện nay. Tuy nhiên, trong Luật hiện hành vẫn còn những nội dung cần được làm rõ để phù hợp với hình hình phát triển nhanh, hiện đại của báo chí.

Có thể kể đến như, có nên phân cấp “Thẻ nhà báo” và “Thẻ phóng viên” hay không. Hoặc có nên bổ sung vấn đề nếu đăng sai trên báo in với mức độ nghiêm trọng, dù đã đăng cải chính xin lỗi, còn cần thu hồi số báo đã phát hành để tránh những thiệt hại về mặt thông tin, ông Kiên đặt vấn đề.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh nhấn mạnh tự do báo chí cần trong khuôn khổ pháp luật. Quá trình nghiên cứu, đánh giá thực tiễn và bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí phải dựa trên nguyên tắc then chốt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo ông Tịnh, Luật báo chí sẽ phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan báo chí nhưng các vấn đề quản lý nhà nước cần phải bảo đảm trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật.

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-bao-chi-2016-co-27-noi-dung-nhom-noi-dung-co-quy-dinh-bat-cap-post737328.html