LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI (SỬA ĐỔI) PHẢI VỪA ĐẢM BẢO TÍNH LỊCH SỬ, VỪA CÓ TÍNH DỰ BÁO CAO

Chiều 14/9, tại trụ sở các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Xã hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 10. Ngay sau phiên khai mạc, Ủy ban Xã hội tiến hành thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh chủ trì phiên họp.

Giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan cho biết, mục tiêu sửa đổi luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người; Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).

Việc sửa đổi nhằm bảo đảm quyền an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; Kế thừa, phát triển những quy định hiện hành phù hợp, sửa đổi các quy định chưa phù hợp, bổ sung những quy định mới; Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia BHXH; Xây dựng các chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững; Tham khảo và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan trình bày Tờ trình

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan trình bày Tờ trình

Về một số nội dung lớn của dự thảo luật, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Trên cơ sở các chính sách trên, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; Giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; Về quy định hưởng BHXH một lần; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; Sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; Sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; Về chi phí quản lý BHXH.

Đối với nội dung về bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng theo định hưởng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW: Điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng của ngân sách. Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng khác thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN đảm bảo nhằm phấn đấu đạt mục tiêu Trung ương giao đến năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

Toàn cảnh phiên họp

Toàn cảnh phiên họp

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) do NSNN đảm bảo. Quy định này giúp tăng thêm đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng mà NSNN không phát sinh tăng nhiều. Người lao động có thời gian đóng BHXH bắt buộc 5 năm, nếu không hưởng BHXH một lần thì có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng (với mức thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội) ngay từ khi đủ tuổi nghỉ hưu thay vì phải chờ đến 75 tuổi. Dự kiến, tổng số người được hưởng quyền lợi từ chính sách này tăng lên trên 800 nghìn người do giảm tuổi và khoảng 300 nghìn người do liên kết tầng trợ cấp hưu trí xã hội với tầng BHXH bắt buộc.

Về vấn đề bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu tại phiên họp

Về giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, Nghị quyết số 28-NQ/TW có nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hưởng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH".

Theo nguyên lý BHXH và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH tối thiểu. Riêng điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu, theo quy định của Luật BHXH hiện hành là phải đủ 20 năm đóng BHXH. Việc quy định thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là phải đủ 20 năm như hiện hành đã gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng BHXH đủ 20 năm.

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) phải vừa đảm bảo tính lịch sử, vừa có tính dự báo cao

Thay mặt Ủy ban nêu lên một số vấn đề lớn về Dự thảo luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí mục tiêu, quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự án luật cơ bản đã phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan, tiếp cận kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong trình bày báo cáo

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong trình bày báo cáo

Hồ sơ dự án luật đảm bảo đủ các thành phần theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuy nhiên, còn một số vấn đề phải tiếp tục quan tâm như: việc đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng chịu tác động, các cơ quan có liên quan đối với các nội dung sửa đổi của luật. Thông tin số liệu trong các báo cáo thành phần chưa đầy đủ để đáp ứng minh chứng chính sách như mong muốn. Cơ quan soạn thảo đã bám sát từng chính sách đề ra tại Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, nhưng những giải pháp, quy định cần thể chế hóa thì chưa được thể hiện đầy đủ ở các quy định của dự thảo luật. Vì vậy, cần nghiên cứu, xác lập các nội dung này một cách rõ nét, sâu sắc hơn nữa.

Bên cạnh đó, về việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, trên cơ sở thống nhất sự cần thiết quy định về trợ cấp hưu trí xã hội, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành việc quy định về trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mà Chính phủ trình. Loại ý kiến thứ hai cho rằng trợ cấp hưu trí xã hội thực chất là chế độ thuộc chính sách bảo trợ xã hội, dành cho những người có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, chưa phù hợp với nguyên lý của bảo hiểm, nên không cần thiết bổ sung nội dung này vào dự án luật, mà cần sửa quy định tương ứng của Luật Người cao tuổi.

Về việc bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhiều ý kiến đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại Tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của dự án luật không phải là chìa khóa duy nhất để đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm bắt buộc mà Nghị quyết số 28 đã đề ra. Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, cơ quan soạn thảo cần đưa ra nhiều giải pháp khác để mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Lâm Văn Đoan nêu rõ, Dự án Luật BHXH là Dự án luật khó, tác động đến quyền lợi trực tiếp của người dân. Do đó, trong lần điều chỉnh này cần quan tâm đến 2 vấn đề chính đó là tăng độ bao phủ và các nhóm đối tượng để làm sao cho người dân có thời gian đóng BHXH ít cũng tham gia hệ thống an sinh được. Đồng thời, Chính phủ cần tính toán mức hưởng của những người đóng ít thời gian có đảm bảo an sinh không? Trợ cấp hưu trí xã hội liên quan đến mức sống tối thiểu, hưu trí xã hội có được tính trên nền sàn an sinh gắn tối thiểu không?

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch tham gia thảo luận

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch tham gia thảo luận

Phát biểu tại phiên họp, Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch bày tỏ đồng tình với báo cáo Chính phủ, đặc biệt ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Xã hội, song đại biểu cho rằng, giải trình của Chính phủ có một số vấn đề chưa được làm rõ, đó là chính sách dân tộc cho tất cả người dân; chính sách riêng cho người dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn; các vấn đề liên quan xây dựng BHXH đặc thù cho lao động là người dân tộc thiểu số, đào tạo nguồn nhân lực con em cán bộ dân tộc để đáp ứng được tỷ lệ người dân tham gia BHXH tại vùng này. Người dân luôn mong muốn được tham gia BHXH tự nguyện và chúng ta cần phân biệt để có sự ưu tiên mới có hiệu quả. Đồng thời cần đưa vào luật vào nguyên tắc giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này và có các giải pháp để người dân tộc thiểu số có trách nhiệm tham gia vào hệ thống BHXH.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đây là một dự án luật lớn, có nội dung khó, tác động đến đông đảo người dân, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh, Luật Bảo hiểm xã hội cần phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe của nhân dân dựa trên căn cứ khoa học, tính thực tiễn, cần tính toán kỹ lưỡng, cụ thể để có tính dự báo cao.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu kết luận

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nêu rõ, các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các chính sách bảo hiểm xã hội cũng đã được bám sát, tuy nhiên, cần có giải pháp, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28, đặc biệt trong việc mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội theo lộ trình điều chỉnh năm tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng thời kỳ. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Các đại biểu tại phiên họp

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu về vấn đề liên quan đến xây dựng BHXH đặc thù cho lao động là người dân tộc thiểu số

Ủy viên thường trực Hội đồng Dân tộc Leo Thị Lịch phát biểu về vấn đề liên quan đến xây dựng BHXH đặc thù cho lao động là người dân tộc thiểu số

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai đóng góp ý kiến thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyến Thị Thanh Cầm chia sẻ ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Nguyến Thị Thanh Cầm chia sẻ ý kiến về một số vấn đề trọng tâm của dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội Đinh Ngọc Quý tham gia ý kiến thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại phiên họp

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đây là một dự án luật lớn, có nội dung khó, tác động đến đông đảo người dân, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Kết luận nội dung phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, đây là một dự án luật lớn, có nội dung khó, tác động đến đông đảo người dân, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra đối với dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Hồ Hương - Trọng Quỳnh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=79848