Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): 'Phao cứu sinh' để ngân hàng xử lý nợ xấu
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội thông qua ngày 27-6 (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10-2025) được coi như một chiếc 'phao cứu sinh' của các ngân hàng trong vấn đề xử lý nợ xấu.

Các ngân hàng cần siết chặt quản trị rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng để tránh nợ xấu tái phát. Ảnh: Đỗ Tâm
Khơi thông dòng vốn tín dụng
Trước đây, nợ xấu được xử lý bởi các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21-6-2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong thời gian có hiệu lực, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã giúp tăng 65% quy mô nợ xấu được xử lý hằng tháng và tỷ lệ khách hàng tự trả nợ trên tổng nợ xấu nội bảng đã xử lý đã tăng lên 36% từ mức 23% trong giai đoạn 2012-2017, trước khi nghị quyết này có hiệu lực.
Tuy nhiên, khi nghị quyết này hết hiệu lực vào tháng 12-2023, việc thu hồi tài sản bảo đảm từ các khoản nợ xấu của ngân hàng phụ thuộc vào sự hợp tác của khách hàng hoặc thông qua thủ tục tố tụng kéo dài, làm tỷ lệ thu hồi nợ giảm mạnh.
Theo các chuyên gia cũng như đại diện các ngân hàng thương mại, việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng tại kỳ họp thứ chín vừa qua, với nội dung luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14, là bước tiến quan trọng để giải quyết “điểm nghẽn" nợ xấu, khơi thông dòng vốn tín dụng và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025.
Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cho phép cá nhân, pháp nhân (kể cả không chuyên về nợ) được mua nợ xấu; khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm có thể chuyển giao minh bạch cho bên thứ ba...
Tổ chức tín dụng hoặc đơn vị mua bán nợ được phép thu giữ tài sản bảo đảm theo điều kiện pháp lý, bao gồm phải công khai thông tin ít nhất 15 ngày trước khi thu giữ nếu là bất động sản.
Thủ tục tại tòa án cũng được rút gọn, như: Hỗ trợ nhanh hơn khi tranh chấp giao tài sản bảo đảm, nếu hợp đồng, giao dịch bảo đảm đã được đăng ký và không liên quan đến người, tài sản ở nước ngoài; người mua nợ được kế thừa quyền nhận thế chấp và đăng ký thế chấp, kể cả tài sản hình thành trong tương lai...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho rằng, luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 sẽ tạo cơ sở pháp lý ổn định, lâu dài, giúp xử lý nợ xấu hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ quyền lợi của tổ chức tín dụng, người gửi tiền và người vay. Tiền cho vay của các tổ chức tín dụng chính là tiền gửi của người dân, do đó việc bảo vệ tổ chức tín dụng cũng đồng nghĩa với bảo vệ người gửi tiền.
"Khi nợ xấu được xử lý, tổ chức tín dụng sẽ có thêm nguồn lực để luân chuyển vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng. Đồng thời, việc giảm nợ xấu cũng giúp các tổ chức tín dụng giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro, từ đó tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người vay”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng
Trên thực tế, nhiều tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam cần có quy định bảo vệ người cho vay để tăng cường an toàn hệ thống tài chính. Để bảo đảm quyền lợi của người vay và tránh lạm dụng, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã quy định rõ các điều kiện, quy trình, trình tự và thủ tục công khai trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Các tổ chức tín dụng phải xây dựng quy trình nội bộ minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật khi xử lý tài sản bảo đảm.
Nội dung quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) được đánh giá cao là khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các ngân hàng, từ đó giúp cải thiện chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới.
Theo đại diện Tổ chức xếp hạng tín nhiệm VIS Rating, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sẽ khôi phục quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các ngân hàng mà tài sản đó không bị tranh chấp, không bị kê biên trong một số vụ án hình sự. Đây là một cơ chế quan trọng từng được Nghị quyết số 42/2017/QH14 cho phép áp dụng.
Với việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các ngân hàng đã được khôi phục, từ đó giúp thu hồi nợ xấu nhanh hơn và cải thiện chất lượng tài sản cũng như khả năng sinh lời của các ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng bán lẻ và ít cho vay các dự án phân khúc đầu cơ.
Dự báo, việc luật hóa Nghị quyết số 42/2017/QH14 giúp tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống có thể giảm xuống dưới 3% trong năm đầu tiên áp dụng, giúp giảm áp lực trích lập dự phòng, cải thiện lợi nhuận và tạo dư địa để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn với chi phí hợp lý.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, khung pháp lý mới sẽ rút ngắn thời gian xử lý nợ và cải thiện hiệu quả thu hồi vốn, đặc biệt với các khoản nợ liên quan đến bất động sản - loại tài sản chiếm 80-90% giá trị thế chấp trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng tăng mạnh như hiện nay, các chuyên gia cũng lưu ý, các ngân hàng cần siết chặt quản trị rủi ro và nâng cao chất lượng tín dụng để tránh nợ xấu tái phát, dư nợ cho vay mới phải bảo đảm chất lượng. Song song đó, cơ quan quản lý vẫn cần phát triển thị trường mua bán nợ để xử lý căn cơ bài toán nợ xấu.