'Vũ khí' của lãnh đạo nữ trong thời đại biến động

Không chỉ góp mặt để hoàn thiện bức tranh đa dạng giới tính, lãnh đạo nữ còn mang theo hệ giá trị tư duy đặc trưng là thấu cảm, linh hoạt và bền bỉ nên đã góp phần tái định hình chuẩn mực lãnh đạo trong kỷ nguyên đầy bất định và áp lực chuyển đổi liên tục.

Sự thấu cảm kiến tạo giá trị khác biệt

Khác với phong cách quản trị truyền thống thường nghiêng về kiểm soát, lý trí và tốc độ vốn gắn liền với hình ảnh lãnh đạo nam giới thì ngày càng nhiều lãnh đạo nữ đang khẳng định vị thế bằng cách tiếp cận mềm mại hơn nhưng cũng đầy sức nặng và hiệu quả. Lấy con người làm trung tâm, lắng nghe nhiều hơn, dẫn dắt bằng cảm xúc và tạo ra ảnh hưởng bằng giá trị thực chất luôn là nhưng cách được nữ lãnh đạo áp dụng.

Một nghiên cứu của Harvard Business Review chỉ ra rằng, phụ nữ thường đạt điểm cao hơn nam giới ở 12/16 năng lực lãnh đạo cốt lõi, bao gồm: phát triển đội ngũ, truyền cảm hứng, ra quyết định dựa trên đạo đức và xây dựng mối quan hệ bền vững. Những năng lực "mềm" này đang trở thành một trong những yếu tố then chốt giúp tổ chức vượt qua biến động và tăng trưởng dài hạn, bền vững.

Đảm nhận vị trí lãnh đạo của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, bà Lê Quang Thục Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty CP Quốc tế anh văn hội Việt Mỹ (VUS) tự nhận mình có nhiều lợi thế.

Từ những trăn trở trong hành trình nuôi dạy con, bà Quỳnh thấu hiểu và luôn đồng cảm với phụ huynh, nghiên cứu để đưa ra những định hướng, dịch vụ phù hợp hơn với từng học viên của VUS.

“Tôi không nhìn vai trò lãnh đạo qua lăng kính giới tính. Nhưng tôi tin rằng, xuất phát điểm của một người mẹ và là người yêu thích việc học đã cho tôi một lợi thế riêng, đó là khả năng thấu cảm và đam mê truyền cảm hứng học tập”, bà Quỳnh chia sẻ

Chính sự thấu hiểu hành trình học tập của mỗi cá nhân, cùng với đồng cảm sâu sắc với áp lực, kỳ vọng của hàng triệu phụ huynh, đã giúp bà và đội ngũ VUS đưa ra những chiến lược đổi mới phù hợp, từ cá nhân hóa chương trình học đến ứng dụng công nghệ để tối ưu trải nghiệm.

Trong giai đoạn hậu đại dịch, khi nhiều doanh nghiệp giáo dục rơi vào khủng hoảng, VUS dưới sự lãnhđạo của bà Quỳnh không chọn phương án thu hẹp hoạt động hay cắt giảm mà tập trung củng cố nội lực,giữ vững đội ngũ, nâng cao chất lượng đào tạo và tăng cường kết nối với cộng đồng.

Phá vỡ định kiến, kiến tạo chuẩn mực mới

Dù xã hội đã có nhiều bước tiến trong thúc đẩy bình đẳng giới nhưng định kiến “lãnh đạo là vai trò của nam giới” vẫn âm thầm tồn tại trong nhiều tổ chức. Không ít phụ nữ phải nỗ lực gấp đôi để được công nhận, vừa chứng minh năng lực chuyên môn, vừa vượt qua rào cản vô hình về giới.

Tuy nhiên, ngày càng nhiều nữ lãnh đạo không chỉ vượt qua định kiến, mà còn chủ động kiến tạo một chuẩn mực lãnh đạo mới – nơi năng lực, giá trị và hiệu quả là tiêu chí trung tâm, không phụ thuộc vào giới tính.

Báo cáo của McKinsey & Company năm 2020 cho thấy, các doanh nghiệp có ban lãnh đạo đa dạng giới tính thì khả năng sinh lời cao hơn tới 25% so với các tổ chức thiếu sự cân bằng giới.

Tương tự, nghiên cứu của Credit Suisse cũng ghi nhận các công ty có ít nhất một nữ trong hội đồng quản trị thường đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao hơn đáng kể.

Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Trà My, Tổng Giám đốc kiêm Phó chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn PAN (PAN Group) là một điển hình về chiến lược kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng xanh, đổi mới sáng tạo, quản trị bền vững và bình đẳng giới.

Dưới sự lãnh đạo của bà My, PAN Group không chỉ đạt tăng trưởng ấn tượng, mà còn gây chú ý với tỷ lệ nữ giới chiếm 44% trong cơ cấu HĐQT, cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung dưới 10% tại các doanh nghiệp niêm yết ở Việt Nam.

Với bà My, bình đẳng giới không phải là sự ưu tiên cho phụ nữ, mà là việc trao cơ hội công bằng dựa trên năng lực thực chất.

“Bình đẳng không có nghĩa là trao đặc quyền mà là cách tạo ra hệ sinh thái nơi mọi người, không phân biệt giới tính, đều có cơ hội phát triển toàn diện,” bà My nhấn mạnh.

Tư duy lãnh đạo nữ với trọng tâm là con người, cảm xúc, sự linh hoạt và dài hạn đang ngày càng được xem là một phần không thể thiếu trong cấu trúc quản trị hiện đại.

Trong kỷ nguyên số, nơi dữ liệu và tốc độ là yếu tố sống còn, khả năng cân bằng giữa chiến lược và tình người, giữa lý trí và cảm xúc chính là nền tảng tạo ra sự vững vàng cho doanh nghiệp từ bên trong văn hóa đến bên ngoài là kết quả kinh doanh.

Phụ nữ tại bàn tròn lãnh đạo không chỉ là người điều hành, mà còn là người kiến tạo hệ sinh thái giá trị: nơi văn hóa, con người và chiến lược được kết nối hài hòa.

Sự hiện diện của họ với tư duy mềm nhưng bản lĩnh cứng không chỉ truyền cảm hứng, mà còn mở ra một chương mới cho quản trị doanh nghiệp theo hướng nhân văn hơn, bền vững hơn và sâu sắc hơn.

Quỳnh Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/vu-khi-cua-lanh-dao-nu-trong-thoi-dai-bien-dong-d40952.html