Luật Cảnh sát cơ động tăng cường sức mạnh cho lực lượng công an
Ngày 14/6/2022, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã chính thức thông qua Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) với 454/474 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Luật quy định 9 nhiệm vụ, 7 quyền hạn cho CSCĐ và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Luật CSCĐ gồm 5 chương, 33 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của CSCĐ; bảo đảm điều kiện hoạt động, chế độ, chính sách đối với CSCĐ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật cũng quy định 9 nhiệm vụ và 7 quyền hạn của lực lượng CSCĐ, trong đó kế thừa 5 quy định về quyền hạn tại Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung thêm 2 quyền hạn mới.
Theo đó, CSCĐ có những quyền: Sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. CSCĐ cũng được quyền mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng…CSCĐ cũng được giao quyền ngăn chặn, vô hiệu hóa tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay. CSCĐ được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách.
Bên cạnh đó, CSCĐ cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện (trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng); được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin. Cảnh sát cơ động cũng được giao nhiệm vụ vũ trang canh gác bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng về chính trị, kinh tế, ngoại giao, khoa học - kỹ thuật, văn hóa; bảo vệ các hội nghị, sự kiện quan trọng.
Vấn đề bảo đảm hoạt động và chế độ chính sách đối với CSCĐ cũng quy định: Nhà nước bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất, đất đai, trụ sở, công trình cho hoạt động của CSCĐ theo quy định của pháp luật có liên quan. Bên cạnh đó, CSCĐ được trang bị vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, tàu bay, tàu thuyền, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. CSCĐ sử dụng trang phục, công an hiệu, cờ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, giấy chứng minh CAND. Bên cạnh đó, CSCĐ có phù hiệu, giấy chứng nhận công tác đặc biệt, trang phục huấn luyện, trang phục chiến đấu riêng.
Việc Quốc hội thông qua Luật CSCĐ sẽ thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng, trong đó có lực lượng cảnh sát Cơ động. Đồng thời, việc ban hành Luật CSCĐ thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ năm 2013 sẽ tạo hành lang pháp lý vững chắc hơn, giúp phát huy tối đa sức mạnh, khả năng tác chiến đặc biệt của lực lượng CSCĐ, cũng như xác định rõ phạm vi, mức độ quyền hạn của lực lượng này trong thực hiện nhiệm vụ. Từ đó, sẽ kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập của Pháp lệnh CSCĐ, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới.