Luật chưa có hiệu lực đã lộ bất cập
Luật Giáo dục năm 2019 vừa được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14-6-2019 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2019. Mặc dù vậy, nhưng mấy ngày qua cộng đồng mạng xã hội và dư luận đang bàn luận khá sôi nổi về nội dung quy định tại Điều 85 về chính sách đối với người học. Thậm chí có ý kiến cho rằng, Luật Giáo dục 2019 chưa có hiệu lực nhưng đã lộ rõ bất cập.
Cụ thể, tại khoản 4, Điều 85 của luật này có quy định như sau: Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học. Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 2 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo. Học sinh, sinh viên sư phạm được hưởng các chính sách học bổng khuyến khích học tập, trợ cấp xã hội, miễn, giảm học phí…
Và tại Điều 115 quy định chuyển tiếp như sau: Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước ngày luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 89 của Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 44/2009/QH12, Luật số 74/2014/QH13 và Luật số 97/2015/QH13.
Ngay sau khi dự luật được đưa ra lấy ý kiến đóng góp của xã hội, trong dư luận đã có không ít ý kiến cho rằng không thực hiện việc miễn học phí riêng cho sinh viên các trường sự phạm. Lý do của những người đồng quan điểm với ý kiến này cho rằng, những năm qua ngân sách nhà nước dành để thực hiện chính sách miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm không nhỏ. Số liệu thống kê cho thấy, hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Mặc dù những năm gần đây có tình trạng dư thừa giáo viên, Bộ GD-ĐT đã giảm dần chỉ tiêu đào tạo sư phạm, nhưng thực tế mức kinh phí từ ngân sách dùng để cấp bù học phí cho trường sư phạm vẫn tăng đều đặn hằng năm. Ví dụ, năm 2013, dự toán của Bộ GD-ĐT về mức chi ngân sách bù học phí cho sinh viên sư phạm các trường đại học, cao đẳng và cấp bù miễn giảm học phí tăng hơn 440 tỷ đồng và năm 2014 dự toán ngân sách phân bổ cho nhiệm vụ này lại tăng lên hơn 484 tỷ đồng và hiện nay là hơn 500 tỷ đồng/năm.
Trong khi đó, quan điểm của Bộ GD-ĐT cho rằng, việc được miễn giảm học phí là một trong những lý do chính, thu hút được khoảng 50,5% sinh viên chọn ngành sư phạm. Chính sách này đã phát huy tác dụng khi thu hút thí sinh đăng ký học ngành sư phạm. Thực tế đã có số lượng không nhỏ sinh viên chọn ngành sư phạm vì lý do miễn học phí. Nghiên cứu tại trường Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Long đã góp phần minh chứng cho điều này khi đưa ra kết luận: 36,54% tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất chọn học tại trường với lý do “Miễn học phí”. Và theo quy định, để được hưởng chính sách miễn học phí, sinh viên phải có cam kết sau khi tốt nghiệp sẽ phục vụ trong ngành giáo dục và đào tạo. Nhưng trên thực tế, trong quá trình thực thi chính sách này, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay bộ phận nào được giao trách nhiệm kiểm tra xem sinh viên có thực hiện đúng cam kết hay không.
Chính điều này đã dẫn đến tình trạng có không ít sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp đã chuyển sang làm ngành nghề, lĩnh vực khác do không tìm được việc làm trong ngành. Và bất cập phát sinh từ đây, nếu sinh viên sư phạm ra trường mà ngành giáo dục ở địa phương đó không còn chỉ tiêu tuyển dụng thì việc bắt sinh viên đó phải bồi thường là vô lý. Vì việc không được phục vụ trong ngành giáo dục của sinh viên này không phải là ý chí chủ quan, mà do chính ngành giáo dục không cần họ. Còn nếu như ngành giáo dục có nhu cầu mà sinh viên không vào làm, thì việc phải bồi thường chi phí đào tạo là không có gì phải bàn.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp hữu hiệu nhất vẫn là đảm bảo việc làm cho sinh viên tốt nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được việc này thì cần phải quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm, đào tạo giáo viên đúng theo nhu cầu thực tế chứ không phải cứ giao chỉ tiêu như hiện nay. Đồng thời, việc tuyển dụng phải gắn với đào tạo, tránh tình trang Bộ GD-ĐT cứ đào tạo, còn Bộ Nội vụ lại tuyển dụng nên chẳng ai chịu trách nhiệm về việc vênh nhau giữa cung và cầu giáo viên. Và nếu chưa khắc phục được tình trạng trên thì việc quy định bồi hoàn chi phí đào tạo đối với sinh viên sư phạm ra trường bất cập và khó thực thi.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/luat-chua-co-hieu-luc-da-lo-bat-cap-334716