Luật Chứng khoán - đôi điều bàn luận
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán. Dự thảo Luật được sửa đổi cũng đáp ứng yêu cầu hội nhập, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
Để có thêm ý kiến góp ý xây dựng cho Luật Chứng khoán được hoàn thiện hơn, phù hợp với các quy định khác của pháp luật và đủ điều kiện để trình Quốc hội khóa XIV thông qua trong kỳ họp thứ 8; Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức lấy ý kiến thành viên tổ tư vấn pháp luật và các cơ quan đơn vị hữu quan về dự án Luật Chứng khoán. Và đã có rất nhiều ý kiến tâm huyết, xác đáng đáng được bàn luận và thu hút sự quan tâm của Nhân dân.
Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) gồm 10 chương, 136 điều. So với Luật Chứng khoán hiện hành, Dự thảo Luật sửa đổi 97 điều, bổ sung 31 điều, bãi bỏ 31 điều và giữ nguyên 8 điều.
Căn cứ quy định của Hiếp pháp, pháp luật, tình hình thực tế, nhiều đại biểu đã có đóng góp chất lượng, sát thực tế. Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Đối với việc chào bán chứng khoán ra công chúng, luật hiện hành chưa tách riêng điều kiện để phù hợp với tính chất khác nhau giữa chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với chào bán thêm ra công chúng; chưa quy định điều kiện về quy mô phát hành, tính đại chúng... dẫn đến có trường hợp doanh nghiệp phát hành với giá trị rất lớn, gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, tiềm ần rủi ro đối với nhà đầu tư.
Để khắc phục bất cập này, theo dự thảo luật, điều kiện chào bán được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư. Theo đó, Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã tách bạch điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng và điều kiện chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho phù hợp với tính chất của đợt chào bán. Chuẩn hóa một số điều kiện như: vốn điều lệ đã góp (nâng từ 10 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng), kết quả hoạt động kinh doanh, quy mô, tần suất phát hành, gắn việc chào bán ra công chúng với niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán, đảm bảo lựa chọn những công ty có hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định, năng lực tài chính tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Về chào bán trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng (Khoản 2 Điều 29 của Dự thảo Luật): Một số ý kiến cho rằng cần phân định rõ phạm vi điều chỉnh giữa các luật đối với chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng; theo đó, Luật Chứng khoán chỉ điều chỉnh đối với tổ chức phát hành là công ty đại chúng, Luật Doanh nghiệp điều chỉnh đối với tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng.
Về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (Khoản 2 Điều 29 của Dự thảo Luật): Một số ý kiến cho rằng cần có điều khoản riêng quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhưng cần bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc trong Luật. Trên cơ sở đó, Chính phủ hướng dẫn chi tiết nhằm tạo điều kiện huy động vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Có ý kiến đề nghị không quy định trong Luật để bảo đảm công bằng với các hàng hóa khác trên thị trường và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Điều 9 của Dự thảo Luật): Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, có 18/34 lượt ý kiến ĐBQH nhất trí mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) độc lập và trực thuộc Chính phủ để quyết định nhiều vấn đề trực tiếp hơn theo thông lệ quốc tế; 11/34 lượt ý kiến cho rằng mô hình UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính đã và đang hoạt động tốt, phù hợp với chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội, nhưng cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền, bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động; một số ý kiến khác cho rằng dù theo mô hình nào cũng cần bảo đảm tính độc lập cho UBCKNN trong hoạt động để có đủ thẩm quyền trực tiếp tổ chức quản lý và giám sát toàn diện đối với thị trường chứng khoán (TTCK).
Với mô hình của Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (SGDCKVN) theo Điều 42 của dự thảo Luật: Đa số ý kiến nhất trí chỉ có SGDCKVN và được đặt tại Trung tâm Tài chính quốc gia. Có ý kiến cho rằng mô hình SGDCK theo Đề án thành lập SGDCKVN ban hành kèm theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ cần được thể chế vào Luật.
Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 51 của Dự thảo Luật): Một số ý kiến đề nghị làm rõ tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và những biện pháp kỹ thuật để quản lý tỷ lệ này trong giao dịch trên TTCK. Có ý kiến khác cho rằng không nên can thiệp sâu vào tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp mà vấn đề này cần căn cứ vào các luật liên quan, các điều kiện đặc thù kinh doanh, tương thích với luật chuyên ngành và chủ sở hữu nên là người quyết định sẽ phù hợp hơn...
Về ngân hàng thanh toán (Điều 70 của dự thảo Luật): Có ý kiến cho rằng cần xem xét quy định chỉ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được thực hiện cung cấp dịch vụ thanh toán cho các giao dịch chứng khoán trên SGDCK để bảo đảm an toàn cho nhà đầu tư.
Về công bố thông tin (Chương VIII của Dự thảo Luật): Có ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể về nội dung, thời hạn công bố thông tin đối với từng loại hình công bố thông tin.
Bên cạnh đó, để có chế tài đủ mạnh, nâng cao tính răn đe, phòng ngừa, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên TTCK, Dự thảo Luật quy định mức phạt tối đa theo hướng: đối với một số hành vi vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính minh bạch, an toàn của thị trường (thao túng thị trường, giao dịch nội bộ...) thì mức phạt tiền tối đa là 10 lần khoản thu trái pháp luật đối với tổ chức và 5 lần khoản thu trái pháp luật đối với cá nhân; đối với các hành vi vi phạm khác quy định mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng đối với tổ chức và 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân.
Nói về nguyên nhân ban soạn thảo luật đưa ra mức phạt trên, ông Nguyễn Tạo cho rằng, đối với thao túng thị trường từ 500 triệu đồng trở lên là có thể bị xử tội hình sự. Luật Chứng khoán hiện hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cao nhất là 2 tỷ đồng đối với tổ chức, 1 tỷ đồng đối với cá nhân. Do đó, việc Ban soạn thảo đã tính toán để mức phạt không quá cao đối với các ngành, lĩnh vực. Với mức phạt như trên vừa đủ sức răn đe và phù hợp với điều kiện thực tế phát triển TTCK hiện nay.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201911/luat-chung-khoan-doi-dieu-ban-luan-2972381/