Luật CNTT bộc lộ nhiều hạn chế trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0
Xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới như AI, Blockchain, IoT, các sản phẩm hội tụ giữa lĩnh vực công nghệ số nhưng vẫn chưa được quy định trong pháp luật hiện hành để có cơ chế chính sách quản lý, thúc đẩy phát triển phù hợp, theo Bộ TT-TT.
Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp ICT, theo số liệu từ Bộ TT-TT, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỉ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.
Số doanh nghiệp công nghệ số ước khoảng 72.000 doanh nghiệp, tăng 6,70% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ giá trị Việt Nam/doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 29,68%, tăng 1,78% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 45,6% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, theo Bộ TT-TT, ngành công nghiệp ICT vẫn còn những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, về thể chế, lĩnh vực công nghiệp ICT được điều chỉnh bởi Luật CNTT ban hành năm 2006 và Nghị định số 71/2007/NĐ-CP. Sau hơn 15 năm thực thi, các văn bản pháp luật về công nghiệp ICT đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp xu thế phát triển của lĩnh vực có sự tích hợp của công nghệ số mới của cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Trong đó, khái niệm, phân loại hoạt động công nghiệp CNTT chưa theo kịp xu thế phát triển mới; xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới như AI, Blockchain, IoT, các sản phẩm hội tụ giữa lĩnh vực công nghệ số nhưng vẫn chưa được quy định trong pháp luật hiện hành để có cơ chế chính sách quản lý, thúc đẩy phát triển phù hợp.
Chủ trương thúc đẩy Make in Vietnam đã được Đảng và nhà nước quán triệt, chỉ đạo trong các nghị quyết, tuy nhiên chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật để thực thi một cách toàn diện, rộng khắp, hiệu quả.
Để khắc phục những vướng mắc trên, Bộ TT-TT cho biết cần hoàn thiện thể chế để thúc đẩy công nghiệp ICT phù hợp với thực tiễn phát triển, trong đó cần xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số và các văn bản hướng dẫn.
Đối với lĩnh vực này, Bộ TT-TT cũng nêu lên một số bài học kinh nghiệm, điển hình như kinh nghiệm về tiêu chuẩn chung cho kết nối thiết bị IoT Matter - một bộ tiêu chuẩn kết nối cho các thiết bị nhà thông minh và IoT mã nguồn mở (open source) do CSA (Liên minh tiêu chuẩn kết nối) xây dựng.
Thông số kỹ thuật của Matter hướng tới sự đảm bảo tính liền mạch, bảo mật của các thiết bị. Ngoài ra, các thiết bị vẫn có thể tiếp tục hoạt động trong mạng nội bộ (gia đình) ngay cả khi không có mạng Internet.
Mục tiêu của Matter nhằm đơn giản hóa việc phát triển, thiết kế các thiết bị IoT cho giải pháp nhà thông minh (smarthome) cho doanh nghiệp, đồng thời tăng tính tương thích của thiết bị trên thị trường, như hoạt động trên đa nền tảng, ứng dụng di động, điện toán đám mây và công nghệ mạng để chứng nhận thiết bị.
Ngoài ra, một kinh nghiệm khác liên quan đến phi cá nhân hóa dữ liệu cũng được Bộ TT-TT đề cập. Theo đó, để vừa tận dụng được nguồn tài nguyên dữ liệu mang lại, vừa tuân thủ bảo vệ dữ liệu cá nhân, một số quốc gia (châu Âu, Ấn Độ) đã triển khai nghiên cứu, thử nghiệm các biện pháp phi cá nhân hóa dữ liệu để áp dụng cho nền kinh tế dữ liệu.
Trong những tháng cuối năm 2023, Bộ TT-TT sẽ tập trung xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược thúc đẩy phát triển ngành, như xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng Chương trình hành động triển khai chiến lược (sau khi được phê duyệt)…
Đặc biệt, Bộ TT-TT sẽ tiếp tục hỗ trợ các sản phẩm Make in Vietnam thông qua các chương trình quảng bá thương hiệu, kết nối cung cầu.