Luật Dẫn độ: Mục tiêu đưa bằng được tội phạm trốn ở nước ngoài về quy án

Bộ Công an kỳ vọng Luật Dẫn độ tạo thêm hành lang pháp lý đưa các đối tượng phạm tội đã bỏ trốn ra nước ngoài về Việt Nam để trừng trị trước pháp luật.

Xuất hiện nhiều tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia

Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ, đang được Bộ Tư pháp thẩm định sau khi trình Chính phủ hồi cuối tháng 9/2023.

Một trong những kiến nghị đáng chú ý, đó là việc Bộ Công an đề xuất trong trường hợp phía nước ngoài yêu cầu áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể xem xét, quyết định theo từng trường hợp cụ thể áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi phía nước ngoài chuyển văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

Công an Việt Nam phối hợp dẫn độ tội phạm về nước.

Công an Việt Nam phối hợp dẫn độ tội phạm về nước.

Ngoài ra, dự thảo xây dựng luật cũng đề xuất bổ sung một số nội dung mới như: Các trường hợp từ chối dẫn độ; Quy định về mở rộng phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người bị yêu cầu dẫn độ; Quy định về dẫn độ đơn giản; Quy định về bắt khẩn cấp để dẫn độ; Cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên hình phạt tử hình nhưng không thi hành hình phạt tử hình...

Theo lý giải của Bộ Công an, hoạt động dẫn độ hiện được quy định trong Luật Tương trợ tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Luật đã giúp Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế về pháp luật và cải cách tư pháp, nội luật hóa một số cam kết quốc tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều tội phạm có tính chất nguy hiểm gia tăng, tội phạm xuyên quốc gia và phi truyền thống cũng xuất hiện nhiều hơn. Cơ quan chức năng Việt Nam gặp không ít khó khăn trong việc truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài, song hoạt động tương trợ tư pháp vẫn đạt được kết quả nhất định.

Bên cạnh đó, thời gian qua, công an một số địa phương bắt giữ các đối tượng người nước ngoài phạm tội rồi trốn sang Việt Nam. Tuy nhiên, khi tiến hành tố tụng, viện kiểm sát các cấp chỉ phê chuẩn quyết định bắt, tạm giữ mà không phê chuẩn quyết định tạm giam. Hoặc có trường hợp không thể phê chuẩn quyết định bắt giữ do trong Bộ luật Tố tụng hình sự không quy định liên quan.

Từ sau năm 2007 đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký 16 hiệp định chuyên về dẫn độ với các quốc gia, nhưng sau hơn 15 năm thực hiện, các quy định về tương trợ tư pháp còn bộc lộ nhiều hạn chế.

Ngoài ra, một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp về dẫn độ chưa tương thích với pháp luật quốc tế, gây khó khăn trong việc triển khai tổ chức thực hiện. Ví dụ như, Luật Tương trợ tư pháp không có quy định về biện pháp “bắt khẩn cấp” trước khi quốc gia yêu cầu dẫn độ chính thức, nhưng theo thông lệ quốc tế mà Việt Nam đã ký kết có quy định này nhằm ngăn chặn ngay việc người bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn.

"Mục tiêu cao nhất của quy định này là phải đưa bằng được các đối tượng phạm tội bỏ trốn về Việt Nam để trừng trị trước pháp luật, không để bỏ lọt tội phạm", đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.

Dập tắt suy nghĩ trốn ra nước ngoài sẽ thoát tội

Đồng tình với việc xây dựng Luật Dẫn độ, luật sư Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty Luật TNHH Fanci) cho rằng, hiện vẫn có nhiều quy định chưa thống nhất về trình tự, thủ tục, điều kiện… dẫn độ trong các văn bản đang áp dụng. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng dẫn độ tội phạm trên thực tế.

Luật sư nêu ví dụ như: Tình huống nhiều quốc gia cùng gửi yêu cầu dẫn độ đối với một cá nhân, trong khi đó yêu cầu dẫn độ này đã được gửi đến cơ quan tố tụng Việt Nam thụ lý, hay như thủ tục yêu cầu nước ngoài truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng cần dẫn độ...

Cựu Chủ tịch AIC là một trong những bị can đã trốn ra nước ngoài, đang bị truy nã.

Cựu Chủ tịch AIC là một trong những bị can đã trốn ra nước ngoài, đang bị truy nã.

Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự chưa có quy định về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp chưa nhận được yêu cầu dẫn độ chính thức.

Luật sư lo ngại điều này sẽ tạo kẽ hở để những người bị yêu cầu dẫn độ tiếp tục bỏ trốn. Vì vậy, cần phải bổ sung quy định trong trường hợp một quốc gia yêu cầu áp dụng biện pháp bắt người khẩn cấp để dẫn độ, cơ quan chức năng tại Việt Nam có thể xem xét, quyết định áp dụng biện pháp bắt khẩn cấp trước khi nhận được văn bản yêu cầu dẫn độ chính thức.

"Quy định này tạo ra mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam với nước ngoài, đồng thời, khi Việt Nam có yêu cầu tương tự cũng sẽ được các nước đáp ứng, giảm nguy cơ bỏ lọt tội phạm", luật sư Hằng phân tích.

Ngoài ra, chuyên gia luật kỳ vọng Luật Dẫn độ được ban hành sẽ làm thay đổi suy nghĩ của tội phạm theo hướng tích cực hơn.

Luật sư phân tích, khi có một hành lang pháp lý chặt chẽ quy định về việc dẫn độ sẽ giúp răn đe được những đối tượng phạm tội có tư tưởng bỏ trốn sang nước ngoài để trốn tránh trách nhiệm hình sự hoặc để thoát tội tử hình.

Đồng thời, luật mới giúp giảm thiểu số lượng tội phạm từ Việt Nam bỏ trốn sang nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/luat-dan-do-muc-tieu-dua-bang-duoc-toi-pham-tron-o-nuoc-ngoai-ve-quy-an-192231011154836394.htm