Luật Đất đai 2024: Bảo vệ và trao quyền cho người sử dụng đất

Tại chương trình 'Bữa sáng Doanh nhân' ngày 6/4, Chủ tịch VACOD – HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn tin tưởng, Luật Đất đai 2024 có nhiều thay đổi so với Luật Đất đai 2013. Những thay đổi này mang tính tích cực, giúp luật rõ ràng hơn, mang lại lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp…

 Toàn cảnh chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" ngày 6/4

Toàn cảnh chương trình "Bữa sáng Doanh nhân" ngày 6/4

Tham dự chương trình có ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tạ Đình Thi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Mai Xuân Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ; Đại sứ Phạm Sanh Châu - Phó Chủ tịch Trung tâm Châu Âu – Châu Á thuộc Liên minh Châu Âu, Tổng giám đốc VinFast Ấn Độ; Đinh Văn Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam; PGS.TS. Trương Ngọc Kiểm - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp – ĐHQG Hà Nội cùng sự góp mặt của các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD-HBA…

Tại chương trình "Bữa sáng Doanh nhân", TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD và Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội – HBA cho biết, Hội nghị Ban chấp hành đầu tiên năm 2024 của VACOD-HBA dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 10-12/5, được tổ chức tại khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Lâm Sơn (dự án Ivory Villas & Resort, tại huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) do Công ty Cổ phần Archi ReenCo Hòa Bình, thuộc Tập đoàn Việt Mỹ làm chủ đầu tư.

 TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA

TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam - VACOD, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội – HBA

TS. Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, doanh nhân của Hiệp hội tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm tại Dự án nghỉ dưỡng duy nhất với “tầm view vô cực” tại phía Tây Hà Nội để có thể tìm kiếm cơ hội đầu tư tại dự án.

“Tại Hội nghị này, sẽ có sự tham gia của các diễn giả từ Quốc hội, Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Các diễn giả sẽ trao đổi về Luật Đất đai mới, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Nhà ở cũng như tác động của các luật này đến doanh nghiệp”, người đứng đầu VACOD-HBA bật mí.

Trong chương trình “Bữa sáng Doanh nhân”, Ban tổ chức đã tổ chức Tọa đàm giới thiệu về những điểm mới quan trọng của Luật Đất đai sửa đổi 2024 với diễn giả ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - Cơ quan thẩm tra Dự án Luật Đất đai sửa đổi 2024.

ĐẢM BẢO QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI DÂN

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, so với Luật Đất đai 2013, luật mới có nhiều thay đổi tích cực, thể hiện quan điểm vì dân, bảo vệ và trao quyền cho người sử dụng đất, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp. Luật Đất đai năm 2024 gồm 16 chương, 260 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025, trừ một số điều khoản quy định cụ thể.

Để sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, hiện nay Chính Phủ và Quốc Hội đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để trình Quốc Hội thông qua cho phép thực hiện Luật đất đai 2024 từ ngày 1/7/2024.

“Luật Đất đai năm 2024 với nhiều điểm mới quan trọng đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Luật Đất đai năm 2024 có 5 nhóm nội dung chính gồm: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp người sử dụng đất; Tiếp cận đất đai: thị trường - minh bạch – công bằng; Nâng cao hiệu quả sử dụng đất; Chính sách tài chính đất đai; Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

 Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Luật Đất đai năm 2024 đã quy định đối tượng là người sử dụng đất rộng hơn so với Luật Đất đai năm 2013, từ đó xác định đúng hơn quyền và trách nhiệm của người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người gốc Việt định cư ở nước ngoài. Bên cạnh đó, việc Luật Đất đai năm 2024 quy định rõ đối tượng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người gốc Việt định cư ở nước ngoài cho thấy sự đồng bộ, thống nhất với quy định tại Khoản 3, 4 Điều 3 Luật Quốc tịch năm 2008 là người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống ở nước ngoài.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam; bổ sung quy định người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Theo quy định tại điểm h, Khoản 1 Điều 28 Luật Đất đai năm 2024 quy định thêm quyền nhận quyền sử dụng đất của người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài “được phép nhập cảnh vào Việt Nam để mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà ở theo quy định của pháp luật về dân sự; nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự ”.

“Như vậy, theo quy định trên Luật Đất đai năm 2024 đã khuyến khích người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam góp phần thúc đẩy đầu tư và thu hút người dân quay về Việt Nam sinh sống và làm việc”, ông nói.

 Đại biểu và khách mời tham dự chương trình “Bữa sáng doanh nhân”

Đại biểu và khách mời tham dự chương trình “Bữa sáng doanh nhân”

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, về chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số, tại điểm c, khoản 3, Điều 45 và Điều 48 của Luật Đất đai năm 2024 có quy định, đồng bào dân tộc thiểu số nếu được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 chỉ được thực hiện quyền để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo Khoản 2, Điều 16 của Luật Đất đai năm 2024 thì đất đó được Nhà nước thu hồi và bồi thường tài sản gắn liền với đất cho người được hưởng thừa kế. Bên cạnh đó điều luật còn quy định rõ, trường hợp người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 thì Nhà nước thu hồi đất và bồi thường tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật cho người có đất thu hồi.

Diện tích đất đã thu hồi được dùng để tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho cá nhân khác là người dân tộc thiểu số theo chính sách quy định tại Điều 16 Luật Đất đai năm 2024. Cá nhân là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 Luật Đất đai năm 2024 được thế chấp quyền sử dụng đất tại ngân hàng chính sách; không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế, thế chấp quyền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều 48 Luật Đất đai năm 2024.

MINH BẠCH TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Luật Đất đai 2024, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, trường hợp không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Trường hợp người có đất thu hồi được bồi thường bằng đất, bằng nhà ở mà có nhu cầu được bồi thường bằng tiền thì được bồi thường bằng tiền theo nguyện vọng đã đăng ký khi lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Đối với người có đất thu hồi nếu có nhu cầu và địa phương có điều kiện về quỹ đất, quỹ nhà ở thì được xem xét bồi thường bằng đất khác mục đích sử dụng với loại đất thu hồi hoặc bằng nhà ở.

Luật Đất đai 2024 cũng quy định, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm: Hỗ trợ ổn định đời sống; Ổn định sản xuất, kinh doanh; Di dời vật nuôi; Đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm; Tái định cư đối với trường hợp quy định tại khoản 8 Điều 111 của Luật này; Để tháo dỡ, phá dỡ, di dời. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định biện pháp, mức hỗ trợ khác để bảo đảm có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất đối với người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản cho từng dự án cụ thể.

Đối với tái định cư, Luật Đất đai 2024 bảo đảm các điều kiện: Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị; Hạ tầng xã hội khu tái định cư phải bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, chợ, thương mại, dịch vụ, vui chơi, giải trí, nghĩa trang; Phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của từng vùng, miền.

“Có cơ chế thưởng đối với người có đất thu hồi bàn giao mặt bằng trước thời hạn theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp người có đất ở thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở tái định cư nhưng tiền bồi thường về đất ở không đủ so với giá trị của một suất tái định cư tối thiểu thì được Nhà nước hỗ trợ tiền đủ để được giao một suất tái định cư tối thiểu”, ông Hiếu thông tin thêm.

Các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất không thành theo khoản 6 Điều 125 Luật Đất đai 2024 bao gồm: Các trường hợp đấu giá không thành theo quy định của Luật Đấu giá tài sản 2016; Đã hết thời hạn đăng ký mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá; Có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia cuộc đấu giá hoặc có nhiều người tham gia cuộc đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá hoặc có nhiều người trả giá nhưng chỉ có một người trả giá hợp lệ.

 Đại biểu và doanh nhân lắng nghe về những điểm mới trong Luật Đất đai 2024

Đại biểu và doanh nhân lắng nghe về những điểm mới trong Luật Đất đai 2024

Về giao đất, cho thuê khi đấu giá không thành, trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất hai lần không thành thuộc trường hợp chỉ có một người đăng ký hoặc trường hợp đất đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất không có người tham gia. Thời gian giao đất, cho thuê đất trong trường hợp này chỉ được thực hiện trong vòng 12 tháng kể từ ngày đấu giá không thành lần hai.

Về thu hồi đất do không hoặc chậm triển khai: Đất để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; Chủ đầu tư được gia hạn sử dụng không quá 24 tháng; Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Luật Đất đai 2024 đã mở rộng trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất, cụ thể: Người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định tại Điều 218 của Luật này; Người sử dụng đất nông nghiệp được sử dụng một diện tích đất theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Người sử dụng đất trồng lúa được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa nhưng không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại theo quy định của pháp luật về trồng trọt; Người sử dụng đất trồng lúa được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp định giá đất theo quy định Luật Đất đai 2024. Ông Hiếu lưu ý, nguyên tắc định giá đất theo phương pháp định giá đất theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực, khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn xác định giá đất, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Về quy định căn cứ định giá đất, mục đích sử dụng đất được đưa ra định giá; thời hạn sử dụng đất. Đối với đất nông nghiệp đã được Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân theo hạn mức giao đất nông nghiệp, đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền thì không căn cứ vào thời hạn sử dụng đất; thông tin đầu vào để định giá đất theo các phương pháp định giá đất; yếu tố khác ảnh hưởng đến giá đất; quy định của pháp luật có liên quan tại thời điểm định giá đất.

Về quy định phương pháp định giá đất, phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.

Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của ba năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá đất.

Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê trong các trường hợp: Sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối; Sử dụng đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; đất sử dụng vào mục đích công cộng có mục đích kinh doanh; sử dụng đất thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng; Sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Các trường hợp nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm trong các trường hợp: Các trường hợp không thuộc quy định tại mục 1 (trường hợp nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê); Các trường hợp quy định tại mục 1 (trường hợp nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê) mà có nhu cầu trả tiền thuê đất hằng năm; Đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất mà có nhu cầu sử dụng một phần hoặc toàn bộ diện tích được giao để sản xuất, kinh doanh, cung cấp dịch vụ thì được lựa chọn chuyển sang hình thức Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm đối với phần diện tích đó.

 Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều thay đổi tích cực cho lĩnh vực đất đai tại Việt Nam. Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn và phù hợp với xu thế phát triển chung, luật cần hướng đến ba mục tiêu chính.

Luật cần được xây dựng chặt chẽ, rõ ràng, hạn chế tối đa các khe hở pháp lý dẫn đến tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai. Luật cần có các quy định cụ thể, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát để ngăn chặn các hành vi vi phạm. Luật cần khuyến khích sử dụng đất đai hiệu quả, hợp lý, hướng đến phát triển bền vững, đồng thời đảm bảo công bằng trong thu hồi, bồi thường đất đai.

Để đạt được ba mục tiêu trên, ông Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, cần tập trung vào ba yếu tố then chốt:

Thứ nhất là nâng cao vai trò của thị trường, thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và sử dụng đất đai, cần phát huy hiệu quả của thị trường để thúc đẩy tính cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả trong lĩnh vực đất đai.

Thứ hai là tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực quản lý, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát để đảm bảo việc sử dụng đất đai đúng quy định.

Thứ ba là, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Luật cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các bên liên quan, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp.

 Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam

Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam

Ông Đinh Văn Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hà Nam chia sẻ: "Qua đây, tôi cũng học hỏi được rất nhiều, và cũng còn một số vấn đề tôi chưa hiểu rõ liên quan đến Luật Đất đai 2024. Cụ thể, tôi muốn hỏi về quy định về bồi thường khi thu hồi đất trong Luật Đất đai 2024?"

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, từ Điều 95-101, Mục II, Chương VII, Luật Đất đai 2024 quy định các trường hợp cụ thể khi Nhà nước: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; thu hồi đất nông nghiệp của tổ chức kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; thu hồi đất ở; thu hồi đất phi nông nghiệp không phải là đất ở của hộ gia đình, cá nhân...

 Bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm

Bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Ninh Thị Ty, Phó Chủ tịch HBA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm bày tỏ, Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. “Tuy nhiên với Tập đoàn Hồ Gươm thấy việc Nhà nước cho thuê đất và thu tiền thuê đất hằng năm cũng hợp lý. Vì quyền lợi của người dân và quyền lợi của những thế hệ kế tiếp thì không nên khuyến khích cho thuê đất và thu tiền một lần.”

 Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam

Bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam nhận định, Luật Đất đai 2024 là luật "thực sự vì dân", mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, đội ngũ pháp chế của TNG Holdings đã nghiên cứu kỹ lưỡng để nắm bắt những thay đổi và ảnh hưởng của Luật đối với hoạt động kinh doanh bất động sản của doanh nghiệp.

Dựa trên kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực bất động sản, bà Hường cho rằng sự kết hợp giữa Luật Đất đai 2024 và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu sẽ tạo nên một thị trường minh bạch hơn, hạn chế tình trạng đầu cơ sốt đất.

Bà Hường nhấn mạnh, để giải quyết vấn đề đầu cơ sốt đất, việc đảm bảo minh bạch thông tin là vô cùng quan trọng. Luật Đất đai 2024 với những quy định mới về công khai thông tin đất đai, quy hoạch, giá đất... sẽ góp phần quan trọng vào việc tạo dựng một thị trường bất động sản lành mạnh, minh bạch và bền vững.

 Đại sứ Phạm Sanh Châu - Phó Chủ tịch Trung tâm Châu Âu – Châu Á thuộc Liên minh Châu Âu, Tổng giám đốc VinFast Ấn Độ

Đại sứ Phạm Sanh Châu - Phó Chủ tịch Trung tâm Châu Âu – Châu Á thuộc Liên minh Châu Âu, Tổng giám đốc VinFast Ấn Độ

Đại sứ Phạm Sanh Châu, Phó Chủ tịch Trung tâm Châu Âu – Châu Á thuộc Liên minh châu Âu, Tổng giám đốc VinFast Ấn Độ đã có những đánh giá tích cực về Luật Đất đai 2024.

Theo ông Châu, Luật Đất đai 2024 mang lại nhiều lợi ích cho người dân, đồng thời cũng hướng đến sự hài hòa với các tiêu chuẩn quốc tế. Luật thể hiện sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với đồng bào dân tộc thiểu số, và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động ngoại giao, bởi vì giúp kiều bào dễ dàng tiếp cận và sở hữu đất đai tại quê hương. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy kiều bào đầu tư, sinh sống và cống hiến cho đất nước.

Thay mặt lãnh đạo VACOD-HBA, TS. Nguyễn Hồng Sơn đã bày tỏ lời cảm ơn chân thành tới ông Phan Đức Hiếu cùng các đại biểu, khách mời và các doanh nhân đến từ hai Hiệp hội VACOD-HBA.

“Luật Đất đai 2024 có nhiều thay đổi so với Luật Đất đai 2013. Những thay đổi này mang tính tích cực, giúp luật rõ ràng hơn, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dân. Cụ thể, luật mới minh bạch hơn, giúp việc quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả và công bằng hơn”, người đứng đầu VACOD-HBA nói.

Quàng Đạt

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/luat-dat-dai-2024-bao-ve-va-trao-quyen-cho-nguoi-su-dung-dat-post551243.html