Luật Đất đai 2024: Điểm mới trong giải quyết các tranh chấp về đất đai

Tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp phổ biến, phức tạp và kéo dài nhất hiện nay, do đó để giải quyết tranh chấp này, cần phải xác định được các dạng phổ biến.

Qua thống kê, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp liên quan đến đất đai tại một số địa phương chiếm đến khoảng 75% tổng số khiếu nại, kiến nghị trong hoạt động quản lý kinh tế - xã hội. Theo Luật sư Châu Việt Bắc, tranh chấp đất đai là dạng tranh chấp phổ biến, phức tạp và kéo dài nhất hiện nay, do đó để giải quyết tranh chấp này, cần phải xác định được các dạng phổ biến.

"Trong giai đoạn vừa qua, với những tranh chấp bất động sản thì có một số dạng phổ biến ví dụ như tranh chấp mua bán nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lại. Việc tranh chấp mua bán nhà ở trong tương lai thì do Luật Nhà ở quy định, còn tranh chấp liên quan đến công trình trong tương lai thì liên quan đến Luật Kinh doanh bất động sản quy định. Hiện nay các văn bản luật mới được ban hành cũng đã tạo được hành lang pháp lý ổn định hơn, tránh phát sinh tranh chấp nhiều hơn. Dạng tiếp theo là các tranh chấp liên quan đến hợp đồng đặt cọc trong mua bán bất động sản. Tiếp theo là dạng tranh chấp về hợp đồng hợp tác kinh doanh bất động sản. Cuối cùng là một số dạng tranh chấp liên quan đến việc thuê, cho thuê lại, tư vấn mua bán bất động sản".

Phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng Trọng tài sẽ rất nhanh và tương đối hữu hảo, thân thiện với các bên.

Phương thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng Trọng tài sẽ rất nhanh và tương đối hữu hảo, thân thiện với các bên.

Để giải quyết nhanh và kéo giảm các đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp còn nợ đọng liên quan đến đất đai, tại Khoản 5 của Điều 236, Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực thi hành bổ sung điểm mới, đó là quy định việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai, ngoài Tòa án thì có thể giải quyết bằng cơ chế Trọng tài.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, Tổng Thư ký Liên đoàn Luật sư Việt Nam, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài có rất nhiều ưu điểm; ngoài việc công khai, minh bạch thì còn rất nhanh và tương đối hữu hảo, thân thiện với các bên.

"Tính đặc thù của các tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất thì thứ nhất giá trị rất lớn và thứ hai là một trong những vấn đề mang tính phức tạp cao. Ví dụ liên quan đến đất đai thì còn có tài sản, tài sản hiện hữu hoặc tài sản hình thành trong tương lai hoặc có thể liên quan đến bên thứ ba khi tài sản đó thế chấp cho ngân hàng. Cho nên, tính phức tạp tăng lên thì rõ ràng, nếu chúng ta sử dụng phương thức xử lý tranh chấp tương đối thân thiện so với tranh tụng tại Tòa án và tương đối nhanh về mặt thời gian thì rõ ràng là thời gian, chi phí tiết kiệm cho các bên rất nhiều. Các bên sau khi đã có phán quyết của Trọng tài rồi thì hoàn toàn có thể tiến hành lại nhanh hơn việc ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của mình".

Trước đây, Luật Đất đai không có quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài. Tuy nhiên, Luật Đất đai 2024 đã quy định tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do Tòa án giải quyết theo quy định pháp luật tố tụng dân sự hoặc do Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết theo quy định pháp luật về trọng tài thương mại. Ngoài ra, Khoản 6, Điều 236 Luật Đất đai 2024 cũng quy định thêm một điểm rất quan trọng cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, đó là thẩm quyền của hội đồng Trọng tài trong việc thu thập chứng cứ từ cơ quan chức năng có liên quan.

Đặng Thái Sơn

Nguồn Chính Phủ: https://media.chinhphu.vn/luat-dat-dai-2024-diem-moi-trong-giai-quyet-cac-tranh-chap-ve-dat-dai-102240716091552813.htm