Luật Đấu thầu (sửa đổi): Chống gian lận, thông thầu

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam kỳ vọng, các quy định trong Luật Đấu thầu (sửa đổi) sẽ khắc phục chồng chéo, tăng tính thống nhất với các luật liên quan

Ngày 13/4, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Quản lý đấu thầu thuộc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) phối hợp tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) nhằm thảo luận, góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật.

Được biết, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 - 6/2023).

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu

Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu

Giới thiệu về bố cục của Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu cho biết, so với khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, Dự thảo Luật lần này bao gồm 10 Chương, 99 Điều; trong đó bỏ 5 Điều, thêm 6 Điều, sửa đổi nội dung 55 Điều, giữ nguyên 14 Điều.

Cũng theo bà Hằng, Dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng như: Chống hành vi thông thầu, chống hành vi gian lận, giá rẻ trúng thầu, hành vi bị cấm trong đấu thầu và xử lý vi phạm…

Ông Trần Hào Hùng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được Chính phủ trình với mục tiêu cơ bản là nhằm kịp thời khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thi hành Luật; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đấu thầu; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động đấu thầu.

Trong quá trình thảo luận tại Kỳ họp thứ 4 và các diễn đàn của Quốc hội, đa số các đại biểu Quốc hội đã thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật; đồng thời đặt ra yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số quy định của Dự thảo Luật. Trong đó có các quy định về phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc áp dụng Luật; các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; hồ sơ, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; các quy định mua thuốc, thiết bị, vật tư y tế…

Góp ý cho dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết: Để dự thảo luật đấu thầu được Chính phủ trình Quốc hội thông qua đưa vào áp dụng có hiệu quả, thời gian qua Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã nhiều lần góp ý kiến trực tiếp hoặc bằng văn bản. Với bản dự thảo đã được chỉnh sửa lần này (5/4/2023) tuy đã có nhiều thay đổi, thêm một số những nội dung khác so với luật 43 nhưng từ những vướng mắc thực tiễn phát sinh thời gian qua, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam góp ý nhiều nội dung quan trọng.

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị, bổ sung hoặc thay thế quy định “Có tên trong Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”

Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị, bổ sung hoặc thay thế quy định “Có tên trong Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư”

Trong đó, liên quan đến tiêu chí tư cách hợp lệ của nhà thầu phải là nhà thầu có năng lực hoạt động phù hợp, ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng: Thực tiễn thời gian qua rất nhiều các gói thầu mặc dù tổ chức đấu thầu rất đúng quy trình theo luật định, đáp ứng cả 8 tiêu chí về tư cách hợp lệ của nhà thầu trong Luật Đấu thầu theo Điều 5 luật đấu thầu 63/2014.

Trong giai đoạn thực hiện gói thầu thì mới xảy ra tình trạng nhà thầu không đủ năng lực hoạt động thi công thực hiện gói thầu. Ngoài các tư cách khác quy định tại Điều 5, đề nghị bổ sung về tư cách hợp lệ: Nhà thầu được chọn tham gia dự thầu phải là doanh nghiệp có năng lực hành nghề, năng lực hoạt động (Chứng chỉ hành nghề). Luật Xây dựng quy định: Tại thời điểm ký kết hợp đồng bên nhận thầu phải đáp ứng điều kiện năng lực hành nghề, năng lực hoạt động theo quy định của pháp luật về xây dựng thì khi lựa chọn nhà thầu cũng phải đáp ứng tiêu chí này.

Vì vậy, Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam kiến nghị, bổ sung hoặc thay thế quy định “Có tên trong Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia trước khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” (Điểm d khoản 1 Điều 5 dự thảo): “d. Nhà thầu phải đáp ứng năng lưc hoạt động phù hợp với từng lĩnh vực của gói thầu”.

Bên cạnh những góp ý trên, tại hội thảo, cũng có nhiều ý kiến góp ý liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Luật; nguyên tắc áp dụng Luật; quy trình, thủ tục, thời gian trong đấu thầu; bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, ưu đãi trong đấu thầu; các trường hợp chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; các loại hợp đồng trong lựa chọn nhà thầu; lựa chọn nhà đầu tư; mua thuốc, hóa chất trang thiết bị y tế…

Ông Trần Hào Hùng đánh giá, dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) là đạo luật liên quan đến nhiều luật khác như Đầu tư công; Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng… đòi hỏi phải nghiên cứu, rà soát kỹ để tránh chồng chéo, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với cá văn bản luật hiện hành cũng như các luật trong quá trình sửa đổi, bổ sung trong giai đoạn tới như: Luật Đất đai, Luật Quản lý, sử dụng vốn đầu tư của nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.

“Trên tinh thần cầu thị, Cục Quản lý đấu thầu mong muốn lắng nghe ý kiến trao đổi thẳng thắn, xây dựng về những nội dung dự thảo Luật, nhằm đạt được mục tiêu, kỳ vọng đặt ra là sửa đổi toàn diện Luật để giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát sinh, bảo đảm hiệu quả thực chất của hoạt động đấu thầu và phù hợp với thông lệ quốc tế tốt nhất” – ông Trần Hào Hùng thông tin.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-dau-thau-sua-doi-chong-gian-lan-thong-thau-250207.html