Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải thông thoáng cho nhà đầu tư và chặt chẽ để tránh tiêu cực
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, sửa đổi Luật Đầu thầu lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng đồng thời phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các mua sắm các gói thầu.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 15/11, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, đã có 18 đại biểu phát biểu. Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Đấu thầu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác đấu thầu, góp phần công khai, minh bạch, tiết kiệm trong chống tiêu cực, sử dụng ngân sách nhà nước. Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động của chính sách, sửa đổi, bổ sung tính hiệu quả của các quy định trong Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, khái niệm, hành vi bị cấm, quy định nhà thầu, nhà đầu tư, đảm bảo cạnh tranh trong đấu thầu, cơ chế đền bù, quy trình thủ tục trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, các hình thức hợp đồng, thanh tra kiểm tra giám sát trong hoạt động đấu thầu…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá cao các ý kiến của các đại biểu sâu sắc, tâm huyết, toàn diện, trách nhiệm. Bộ trưởng cũng chia sẻ Luật Đầu tư là một khó phức tạp ảnh hưởng đến nhiều mặt xã hội. Trong quá trình soạn thảo có nhiều luồng ý kiến đặt vấn đề nên quy định nới lỏng hay siết chặt để bảo đảm quản lý Nhà nước.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khi xây dựng Luật Đấu thầu năm 2005 và sửa đổi 2013 đã tiệm cận đến những thông lệ tốt của quốc tế và được đánh giá cao, trên thực tế đã triển khai thực hiện được rất nhiều kết quả tốt nhưng cũng có những vướng mắc như nhiều đại biểu phản ánh. Do đó, sửa đổi Luật lần này nhằm tiếp tục hoàn thiện, nhưng không có nghĩa là mở hết ra mà vẫn bảo đảm quản lý chặt chẽ, tránh để trục lợi, tránh tiêu cực tham nhũng. Chúng ta phải hài hòa giữa quyền lợi Nhà nước và thông thoáng, thuận lợi cho các chủ đầu tư khi thực hiện các mua sắm các gói thầu, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Làm rõ quy định áp dụng đối với doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nếu chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thì đối với những doanh nghiệp dưới 100% cho đến 01% đến 99% lại không quản, lại buông hết thì không phù hợp. Mặt khác nếu quy định từ 65% trở lên thì không đúng với khái niệm của doanh nghiệp nhà nước và tạo ra một khoảng trống pháp luật đối với những doanh nghiệp có từ 50 đến 65% vốn nhà nước. Do đó, Bộ trưởng đề nghị được giữ như quy định là từ trên 50% vốn trở lên để kiểm soát. Còn dưới 50% thì thực hiện theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng gian lận thông thầu, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã đưa ra rất bổ sung, quy định rất nhiều các quy định để tránh hiện tượng này. Theo đó, đã bổ sung hoàn thiện các quy định về hồ sơ mời thầu để làm sao chống hiện tượng cài cắm tiêu chí; đẩy mạnh đấu thầu qua mạng để đảm bảo tính công khai, minh bạch; yêu cầu tất cả các thông tin về quá trình lựa chọn nhà thầu, trong đó bao gồm có cả các chất lượng hàng hóa và dịch vụ công trình và được công khai trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về nhà thầu để phục vụ cho việc đánh giá uy tín của các nhà thầu và chất lượng của các hàng hóa cung cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước.
Về tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ và tán thành với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cần có quy định rõ ràng, cụ thể về nội dung này. Dự thảo Luật đã thiết kế chương có quy định về vấn đề này và có một số điều khoản ở các chương khác quy định những vấn đề liên quan đến y tế. Bộ trưởng cho biết sẽ rà soát lại để đầy đủ, bao quát tạo thuận lợi trong quá trình mua sắm các trang thiết bị y tế.
Về ý kiến đề xuất có chương riêng về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Bởi vì không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh… Bộ trưởng cũng cho biết thêm sẽ rà soát để bảo đảm bao quát đầy đủ tất cả các vấn đề vướng mắc trong ngành y tế để tạo thuận lợi.
Về vấn đề đơn giản hóa các thủ tục cắt giảm thời gian chi phí trong đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm rõ dự thảo Luật đã thiết kế theo hướng đẩy mạnh lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng; đồng thời cắt bỏ, loại bỏ các thủ tục ở cấp trung gian; cho phép chủ đầu tư được mua bổ sung các hàng hóa dịch vụ mà phát sinh trên cơ sở hợp đồng đã thực hiện trước đó; cho phép thực hiện trước một số các hoạt động để chuẩn bị đấu thầu để rút ngắn thời gian thực hiện.
Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu để rà soát đảm bảo cho Luật thật rõ ràng, chi tiết để thuận lợi trong thực hiện.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5.
Cũng tại phiên họp sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk với 470 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm tỷ lệ 94,38%; biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với 466 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm tỷ lệ 93,57%.