Luật Đầu tư công 2014: 'Vướng' trong lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư
Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, Luật Đầu tư công 2014 chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư, chưa điều chỉnh nội dung liên quan đến chi phí cho quá trình lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư…
Cần có hướng dẫn cụ thể về quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công.
Chưa có cơ sở rõ ràng
Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2014, cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án có trách nhiệm giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, nhiều đơn vị trực thuộc các cơ quan này không có đầy đủ về bộ máy, nhân lực và chuyên môn để thực hiện lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư như UBND các xã, các đơn vị sự nghiệp công lập không có chuyên môn quản lý dự án đầu tư xây dựng nên phải thuê các đơn vị tư vấn đủ điều kiện, năng lực thực hiện việc này nhưng lại vướng do chưa có hướng dẫn cụ thể về quy trình lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án đầu tư công.
Có ý kiến cho rằng, có thể thực hiện theo Luật Xây dựng 2014. Tuy nhiên, tại Khoản 20, Điều 1 và Khoản 21, Điều 3 Luật Xây dựng 2014, chỉ quy định các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý Nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng như: Lập quy hoạch xây dựng, lập dự án đầu tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, thi công xây dựng, giám sát xây dựng, quản lý dự án, lựa chọn nhà thầu… Còn ở bước lập Báo cáo chủ trương đầu tư, chưa có cơ sở rõ ràng để tổ chức thực hiện các công tác như: Lập và phê duyệt đề cương, khảo sát sơ bộ, lên phương án thiết kế sơ bộ, xác định sơ bộ tổng mức đầu tư…
Luật Đầu tư công cũng chưa điều chỉnh nội dung liên quan đến chi phí cho quá trình lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Hiện tại có quy định về chi phí này tại Điều 15, Luật Đầu tư công năm 2014 và Khoản 2, Điều 7, Nghị định số 136/2015/NĐ-CP, tuy nhiên tất cả đều được dẫn chiếu về Khoản 2, Điều 15, Luật Đầu tư công năm 2014 với nội dung như sau: “Chi phí lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn chuẩn bị đầu tư của dự án”.
Do vậy, cơ sở của định mức chi phí hoặc cơ sở để lập dự toán chi phí như vậy là chưa rõ ràng nên hầu hết các dự án được phê duyệt đều không ghi vốn cho các khoản, mục chi phí bước lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.
Một vướng mắc nữa là các đơn vị trực thuộc nêu trên không có kinh phí chi trả nên phụ thuộc các đơn vị tư vấn. Ngược lại thì các đơn vị tư vấn này cũng không chắc chắn rằng mình có được trả phí cho việc lập hồ sơ Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư hay không, nên các ý tưởng chủ chốt của dự án hoặc là rất nghèo nàn hoặc là đã bị hướng theo các chủ ý khác. Dù vô tình hay hữu ý thì đến bước lập dự án, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, các đơn vị tư vấn này đều muốn được tiếp tục giao thực hiện để có chi phí bù vào bước lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đã không được chi trả. Điều này dẫn đến sự không bình đẳng, phụ thuộc, ảnh hưởng tới chất lượng dự án do việc chủ đầu tư đều phải lựa chọn đơn vị tư vấn đã thực hiện ở bước lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư lập các bước tiếp theo của dự án.
Một số đơn vị đã nhận ra các vướng mắc này nhưng do chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng nên chưa mạnh dạn đưa chi phí này vào tổng mức đầu tư. Có một số bộ, ngành Trung ương đưa chi phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư vào tổng mức đầu tư của dự án. Do đó kiến nghị phải có hướng dẫn, quy định về các nội dung còn thiếu này, đảm bảo phủ kín các bước chuẩn bị, thực hiện, hậu đầu tư.
Cần quy định cụ thể về thời gian
Hiện tại đã có quy định rất rõ ràng về thời hạn thẩm định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhưng không có quy định về khoảng thời gian trình báo cáo tối thiểu trước kỳ hạn cuối cùng để các đơn vị có liên quan tham gia thẩm định nên việc lập các Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư luôn bị động, dồn nén vào cuối kỳ, nguyên nhân chính do: Các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư vướng mắc trong quá trình thuê tư vấn hoặc các cơ quan này không có chuyên môn về đầu tư xây dựng nên lúng túng, chậm trễ, thường gửi các Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư về đơn vị đầu mối và các đơn vị tham gia ý kiến rất muộn kéo theo việc các cơ quan tham gia thẩm định không có đủ thời gian xem xét, không thể tham mưu hết tất cả các mặt dẫn đến chất lượng một số Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư không tốt.
Để tránh bị động khi thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, cần phải có cơ chế, quy định về thời gian để các cơ quan được giao chuẩn bị đầu tư chương trình, dự án phải trình trước kỳ hạn cuối trên đây một khoảng thời gian nhất định đủ để các sở, ngành, địa phương tham gia ý kiến. Từ đó nâng cao chất lượng thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trong trường hợp cần thiết có thể tổ chức kiểm tra hiện trường đầy đủ, tăng tính khả thi của chương trình, dự án.
Thời gian thẩm định chương trình, dự án của Luật Đầu tư công cũng chưa rõ ràng, Luật Đầu tư công năm 2014 chỉ nêu: “Điều kiện chương trình, dự án được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm là chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án”. Điều này có thể dẫn tới một số hệ lụy như: Các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư không cần thiết phải trình sớm để chương trình, dự án được thẩm định đủ thời gian theo quy định; thời gian trình thẩm định thường được dồn đến cuối kỳ hạn; các đơn vị tham gia thẩm định không có đủ thời gian tối thiểu để đề xuất, chỉnh sửa các nội dung dự án, làm giảm chất lượng dự án, phải điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có dự án bị kết luận chưa khả thi vào thời điểm thẩm định; UBND các cấp bị động trong quá trình phê duyệt. Các sở, ngành, địa phương bị động trong quá trình thẩm định, tham gia ý kiến…
Do đó, cần có quy định về thời gian tối thiểu dành cho công tác thẩm định, thúc đẩy các đơn vị được giao chủ đầu tư lập chương trình, dự án trình thẩm định đủ thời gian để các đơn vị có liên quan xem xét, đảm bảo dự án khả thi.
Thanh Nga
Theo
Link gốc: