Luật đi bên trái đường ở Kenya

Hảo Phạm Fiori lấy chồng người Italy. Cô tới châu Phi khi chồng tham gia tổ chức Bác sĩ không biên giới. Đời sống, văn hóa ở lục địa đen khiến ta ngỡ ngàng qua ngòi bút của Hảo Phạm Fiori. Sau 10 phút học lý thuyết, chúng tôi lên xe. Người hướng dẫn bảo tôi cứ bình tĩnh nhấn ga, xe lao thẳng ra đường để tham gia giao thông, hòa vào dòng người, bò và cừu.

Món quà Giáng sinh đầu tiên chồng tặng tôi khi gia đình mới chuyển đến Kenya là khóa học lái ôtô ở một trường thuộc Hiệp hội Vận tải Kenya.

Trường học lái nằm trên tầng ba của tòa nhà cũ, trông giống như chung cư xuống cấp hơn là khu văn phòng với nhiều phòng nhỏ xíu, bên trong tối như hũ nút.

Giáo viên hướng dẫn tôi tên là Sefu, chàng trai khoảng 25 tuổi, trông hiền lành dù có vết sẹo khá to và dài trên mặt. Trong buổi đầu tiên, Sefu chìa ra một cuốn sách mỏng dính có hình minh họa rồi dẫn tôi đến bên cạnh cái bàn, trên đó là mô hình bằng gỗ của một đoạn đường cùng vài cái ôtô nhỏ bằng nhựa.

Cậu ta mô tả cho tôi luật giao thông ở Kenya đi bên trái đường như thế nào, cách đổi làn và quay đầu ra sao bằng cách cầm cái ôtô rồi di chuyển trên mô hình. Với tôi, cách giải thích này thật dễ hiểu, hơn hẳn so với việc học trên máy vi tính hiện đại.

 Sách Chuyện lạ Phi châu. Ảnh: WingsBooks.

Sách Chuyện lạ Phi châu. Ảnh: WingsBooks.

Sau 10 phút hướng dẫn lý thuyết, chúng tôi lên xe. Sefu bảo tôi cứ bình tĩnh nhấn ga lao thẳng ra đường để tham gia giao thông, hòa luôn vào dòng người, xe, bò cừu tấp nập các thể loại! Thế là tôi được trải nghiệm thực tế ngay ở bài học đầu tiên.

Ở buổi học nào cũng thế, cứ xong 10 phút kiểm tra lý thuyết trên mô hình bằng gỗ, chúng tôi lại lên đường với chiếc Toyota Corolla đời cũ. Sefu ngồi bên ghế phụ hướng dẫn tôi cần đi đâu.

Mỗi buổi chúng tôi lại thử một cung đường mới, đến đoạn nào mà tôi mất bình tĩnh quên ga hay phanh thì Sefu sẽ kịp thời đạp chân hỗ trợ nên ơn trời tôi không gây tai nạn lần nào.

Nhờ tiếp thu nhanh nên tôi hoàn thành khóa học trong vòng 2 tuần, người ta đăng ký cho tôi đi thi lấy bằng ngay vào đầu tuần tiếp đó.

Khi tôi nói với Daniel, lái xe của cơ quan chồng, về chuyện mình sẽ đi thi lấy bằng lái; anh bảo với tôi rằng thi lấy bằng lái xe ở Kenya khá dễ, trừ khi không… đút lót.

Thế là tôi nhờ anh ấy đi cùng vì tôi không thạo mấy vụ đút tiền cho người khác lắm. Nếu việc này do Daniel làm, tôi sẽ đỡ cắn rứt lương tâm hơn.

Hôm đi thi, chúng tôi đến từ sớm, thế mà đã có đông nghịt người đứng đợi từ trước. Địa điểm thi là trụ sở công an của một quận cách nhà tôi hơn 10 km.

Nhìn từ bên ngoài, tôi cứ tưởng đó là trại gia súc vì khu “văn phòng” là một gian nhà cấp bốn lụp xụp được xây dựng trên nền đất lổn nhổn, gồ ghề và đầy bụi.

Phía sau dãy “văn phòng” là khu ở của cán bộ công nhân viên với quần áo, khăn tã bay phấp phới trên những chiếc dây được căng một cách lộn xộn.

Mấy con gà, dê đang chạy tung tăng, vừa gáy quang quác vừa kêu be be nghe rất vui tai, thỉnh thoảng cuồng chân chúng lại nhảy bừa vào một “văn phòng” làm mấy vị cảnh sát phải đứng dậy để suỵt suỵt đuổi chúng ra.

Tôi nghĩ cảnh sát ở đây sướng thật, đang làm việc mà có đói bụng hay buồn ngủ thì chỉ việc mở cửa sau của “văn phòng” là tót về nhà ngay được! Điều kiện làm việc lý tưởng thế còn gì bằng?

Hảo Phạm Fiori / NXB Kim Đồng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luat-di-ben-trai-duong-o-kenya-post1134780.html