Luật Di sản Văn hóa chưa đề cập sưu tập cá nhân
Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thừa ủy quyền của Chính phủ trình lần đầu tiên tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, dự án Luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10 sắp tới.
Đây là dự Luật nhận được nhiều sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) lần này có đề cập đến các quy định về hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, di tích lịch sử văn hóa, di vật, cổ vật, di sản, tư liệu nói riêng, và chế đãi ngộ khuyến khích các nghệ nhân, đồng bào dân tộc thiểu số trong truyền dạy các giá trị văn hóa truyền thống, dân gian có nguy cơ mai một.
Qua 3 đợt xét duyệt bảo vật quốc gia, có 3 nhà sưu tập cổ vật gửi hồ sơ, đóng góp vào danh sách những đồ cổ quý giá, được Nhà nước chính thức công nhận.
Với hướng đi như hiện nay, Việt Nam sẽ dần dần phục dựng lại bức tranh về di sản của tổ tiên. Tuy nhiên, trong nước và cả ngoài nước còn có nhiều sưu tập quý. Thế nhưng trong Luật Di sản Văn hóa chưa hề có quy định nào về “hồi hương cổ vật”. Luật hiện hành cũng không có nội dung hoạt động, cơ chế để thu hút các nguồn lực của xã hội, hợp tác công tư để phát huy giá trị di sản.
PGS. TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho rằng di sản văn hóa không phải chỉ nói tới các hiện vật nằm trong các bảo tàng hay các di tích thuộc Nhà nước quản lý, mà còn có một bộ phận rất quan trọng là các sưu tập tư nhân, các bảo tàng ngoài công lập. Những cơ sở này không sử dụng kinh phí của Nhà nước, nhưng đã giữ gìn những di sản văn hóa bằng sự tâm huyết và nguồn tài chính của cá nhân. Bởi vậy, cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích các bảo tàng tư nhân, nhà sưu tập.
Các chuyên gia đánh giá nhiều chính sách mới trong Luật Di sản (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nghệ nhân - chủ thể của di sản văn hóa phi vật thể. Điều này rất cần thiết trong bối cảnh có rất nhiều giá trị văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, các nhóm dân tộc thiểu số có nguy cơ thất truyền.
Ông Nguyễn Khắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, cho rằng hiện nay Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ nhưng chỉ quy định đối với các nghệ nhân gặp hoàn cảnh khó khăn, như vậy là chưa mang tính phổ quát. Ông Thủy cho rằng cần có những quy định cụ thể về chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân thực hành di sản, truyền dạy di sản.
Di sản văn hóa đang là một trong những thế mạnh của 12 ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam. Việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn hiện nay, bởi Di sản văn hóa chính là điểm khác biệt mang đậm bản sắc dân tộc.