Luật Đường sắt 2025: Phân loại rõ, xác định chuẩn tốc độ cao
Luật Đường sắt 2025 đã đưa ra tiêu chí cụ thể, phân loại rõ ràng hệ thống đường sắt Việt Nam, nhằm tạo hành lang pháp lý minh bạch cho quá trình lập, thẩm định và triển khai các dự án hạ tầng chiến lược.
Thống nhất quy định khổ đường tiêu chuẩn của Việt Nam là 1.435mm
Luật Đường sắt 2025 đã xác lập một khung pháp lý rõ ràng, hiện đại cho hệ thống đường sắt Việt Nam, phân loại thành ba nhóm chính: đường sắt quốc gia, đường sắt địa phương và đường sắt chuyên dùng.

Luật Đường sắt 2025 phân loại rõ loại hình, cấp kĩ thuật đường sắt, trong đó đường sắt tốc độ cao có tốc độ thiết kế từ 200km/h trở lên (Ảnh: minh họa do AI tạo).
Theo đó, đường sắt quốc gia là tuyến trục xương sống, phục vụ nhu cầu vận tải chung của cả nước và kết nối liên vận quốc tế.
Đường sắt địa phương đáp ứng nhu cầu vận tải nội vùng, trong đó đường sắt đô thị là một loại hình phục vụ vận tải hành khách tại các thành phố và khu vực lân cận.
Đường sắt chuyên dùng được xây dựng riêng để phục vụ nhu cầu vận tải nội bộ của tổ chức, cá nhân.
Luật cũng thống nhất quy định khổ đường tiêu chuẩn của Việt Nam là 1.435mm, trong khi khổ đường hẹp là 1.000mm. Đặc biệt, mọi tuyến đường sắt quốc gia và địa phương đầu tư mới đều bắt buộc áp dụng khổ đường tiêu chuẩn, trừ trường hợp cần kết nối với mạng đường sắt khổ hẹp hiện có.
Riêng với đường sắt chuyên dùng, nếu nối ray với đường sắt quốc gia, khổ đường sẽ do Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định; nếu không nối ray, chủ đầu tư được toàn quyền quyết định.
Phân biệt rõ tuyến tốc độ cao
Một điểm đáng chú ý, Luật quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại hình đường sắt. Theo đó, đường sắt có tốc độ thiết kế từ 200km/h trở lên được xác định là đường sắt tốc độ cao. Những tuyến có tốc độ dưới 200km/h sẽ được phân loại theo các cấp kỹ thuật I, II, III, IV dựa trên tiêu chuẩn quốc gia.
Theo Cục Đường sắt Việt Nam, việc áp dụng các quy định mới này giúp xác định rõ các dự án có thuộc loại đường sắt tốc độ cao hay không, tránh nhầm lẫn về khái niệm kỹ thuật trong quá trình lập, thẩm định và đầu tư.
Ví dụ, dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, dù có khổ đường tiêu chuẩn 1.435mm và dự kiến khởi công ngày 19/12/2025, không được xếp là đường sắt tốc độ cao do tốc độ thiết kế chỉ đạt 160km/h. Nhiều tuyến khác đang trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng có đặc điểm tương tự:
TP.HCM - Cần Thơ: Tốc độ thiết kế 160km/h cho tàu khách, 120km/h cho tàu hàng, khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Biên Hòa - Vũng Tàu: Tốc độ thiết kế 160km/h, khổ 1.435mm, điện khí hóa.
Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ (kết nối Lào): Tốc độ thiết kế 150km/h.
Điểm đặc biệt đáng chú ý là một số tuyến địa phương đang đặt tham vọng rất lớn. VinSpeed hiện đang đề xuất dự án tuyến đường sắt nối trung tâm TP.HCM với Cần Giờ có tốc độ thiết kế lên tới 350km/h.
Nếu được thông qua, đây sẽ là tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên thuộc loại hình đường sắt địa phương, mở ra xu hướng phát triển mới cho giao thông đô thị tốc độ cao.