Luật hóa để ngăn những vụ cháy thương tâm

Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ dự kiến sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại đợt 2, kỳ họp thứ 7 sắp tới.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho rằng, cần sớm bổ sung quy định để ngăn ngừa những vụ cháy thương tâm như vừa qua.

Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm.

Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm.

Bổ sung quy định riêng cho nhà trọ

Thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điển hình là vụ cháy nhà trọ kết hợp kinh doanh ở Trung Kính; mới nhất là vụ cháy làm 4 người chết ở phố Định Công Hạ. Có ý kiến cho rằng, cần đưa vào luật những quy định cụ thể hơn. Quan điểm của ông thế nào?

Đối với việc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) các hạng mục công trình xây dựng đã quy định rất rõ trong Quy chuẩn Việt Nam - An toàn PCCC trong xây dựng, ban hành năm 2023. Cụ thể, đối với các công trình từ 7 tầng trở lên và khối tích trên 5.000m3 phải có giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu PCCC.

Riêng loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cho thuê trọ thuộc dạng nhà hỗn hợp, đã có quy định về điều kiện an toàn theo Nghị định 136/NĐ-CP.

Nhưng thực tế các nhà ở kết hợp kinh doanh thường không đáp ứng quy định về số tầng, khối tích và điều kiện về an toàn PCCC. Đặc biệt là điều kiện phải có đủ 2 lối, đường thoát nạn khi có cháy, hay điều kiện thuận lợi cho lực lượng, phương tiện chữa cháy tiếp cận hiện trường...

Vì thế, cần thiết phải bổ sung và điều chỉnh lại quy định cho sát thực tế hơn, theo hướng hạ thấp số tầng và khối tích công trình gắn với số lượng người thường xuyên sinh sống và làm việc tại cơ sở. Mục đích là để khi có sự cố cháy nổ xảy ra, người sinh sống ở đó có đủ thời gian và điều kiện thoát ra ngoài.

Có ý kiến đề xuất cấm nhà thuê trọ kết hợp với kinh doanh để tránh nguy cơ cháy nổ, ông có đồng tình với quan điểm này?

Năm 2023 TP Hà Nội có khoảng 30.300 cơ sở kinh doanh dịch vụ phòng trọ, 36.100 nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh buôn bán nhỏ.

TP.HCM có khoảng 60.470 cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng 38.800 nhà trọ tập trung và 25.670 nhà trọ ngăn phòng giải quyết nhu cầu thuê phòng trọ cho hơn 1,4 triệu người.

Rõ ràng, cấm loại hình này hoạt động là không thực tế và không thể cấm được.

Quy định nhiều điều kiện để ngăn ngừa

Nhưng nếu không cấm thì điều kiện PCCC của nhà thuê trọ có cần đưa vào luật không, thưa ông?

Để đảm bảo an toàn PCCC loại hình này, chỉ nên cho phép xây dựng tại các vị trí thuận lợi cho lực lượng, phương tiện chữa cháy dễ tiếp cận; có nguồn nước và giao thông thuận tiện; đủ diện tích để xây dựng 2 lối và đường thoát nạn an toàn; có giải pháp ngăn chặn và chống cháy lan sang công trình liền kề.

Chủ hộ và người sử dụng cần được trang bị kiến thức cơ bản về PCCC, biết kỹ năng tự thoát nạn và hướng dẫn người khác thoát nạn an toàn; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật và nắm được các biện pháp, phương pháp PCCC…

Ngoài ra, các hộ cần đầu tư, trang bị những dụng cụ, phương tiện PCCC ban đầu như bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, dây tự cứu theo khuyến cáo của cán bộ PCCC quản lý địa bàn...

Thực tế, một số vụ cháy vừa qua, trang thiết bị PCCC còn rất thiếu. Theo ông, có nên quy định mua sắm trực thăng chữa cháy, trước mắt là ở các đô thị lớn?

Đúng là trang bị trực thăng chữa cháy cho các thành phố lớn nơi có nhiều nhà cao tầng sẽ rất tốt. Nhưng đây là bài toán kinh tế, cần tính toán kỹ, tránh tình trạng quy định mà không thực hiện được.

Để sử dụng máy bay trực thăng làm nhiệm vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cần có kinh phí xây dựng bãi đỗ, đào tạo phi công, quy chế quản lý sử dụng máy bay và phi công, kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ ở trên cao. Chưa kể, ở Việt Nam, nhiều nhà cao tầng đã và đang xây dựng chưa có bãi đỗ cho trực thăng.

Theo tôi được biết, Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã trang bị trực thăng chữa cháy, nên chăng có quy định mang tính pháp lý đối với các chủ thể tham gia chữa cháy trên cao khai thác và sử dụng các máy bay đó để tránh lãng phí.

Ngoài ra, chúng ta đã chế tạo ra nhiều loại máy bay không người lái, cần nghiên cứu trang bị một lượng chất chữa cháy như bột, nước… nhằm khai thác tính năng chữa cháy và quan sát đám cháy của loại máy bay này.

Tăng chế tài xử phạt

Không ít vụ cháy xảy ra thời gian qua đã được cảnh báo trước do buông lỏng quản lý, dẫn đến vi phạm không được xử lý. Vậy, có nên bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu đối với công tác PCCC trên địa bàn?

Việc xử lý vi phạm hành chính về PCCC được quy định tại Nghị định 144 năm 2021. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả lớn thì được quy định tại Bộ luật Hình sự.

Hiện trường vụ cháy ở Định Công Hạ, Hà Nội tối 16/6 làm bốn người tử vong.

Thời gian qua, đã có cán bộ cảnh sát PCCC quản lý cơ sở địa bàn khi mắc lỗi thiếu trách nhiệm để xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng đã phải chịu trách nhiệm hình sự, như vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương.

Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm hành chính về PCCC còn quá nhẹ, lỗi nặng nhất chỉ phạt tối đa là 5 triệu đồng. Mức này so với chủ đầu tư căn hộ chung cư mini có giá 50 triệu đồng/m2 thì chẳng có nghĩa lý gì. Vì thế, chắc chắn phải nâng mức xử phạt mới có tác dụng răn đe.

Ngoài ra, nhiều vụ việc xảy ra đã lâu nhưng chưa có thông báo kết quả xử lý công khai. Như vậy cũng ảnh hưởng đến ý thức chấp hành của người dân, như vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ năm 2023 chẳng hạn.

Kỹ năng PCCC, thoát nạn của đa số người dân hiện nay còn rất thiếu. Theo ông, có cần bổ sung những quy định về trách nhiệm tăng cường tuyên truyền, giáo dục các kỹ năng về PCCC?

Đúng là kỹ năng PCCC và thoát nạn an toàn của đa số người dân còn thiếu và yếu kém. Đây là vấn đề đòi hỏi sự hiểu biết và yếu tố tâm lý, cần phải được học và rèn luyện với các tình huống cụ thể khi cháy nổ xảy ra mới có thể ứng xử tốt.

Thực tế đã chứng minh, những ai có kiến thức PCCC đều biết cách ứng xử, tự bảo vệ được mình và người thân khi không may xảy ra cháy. Thậm chí, nhiều người không ngại hiểm nguy, lao vào đám cháy để cứu giúp người bị nạn.

Rõ ràng là công tác truyền thông, tuyên truyền có ý nghĩa thực tiễn và giá trị nhân văn to lớn. Nhưng điều đáng tiếc là đa số người dân còn chưa quan tâm, rất ít người biết và tham gia.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):Rà soát lại tiêu chuẩn PCCC với nhà trọ cho thuê

Hiện nay ở những thành phố lớn, đặc biệt Hà Nội, TP.HCM, nhà trong ngõ ngách rất nhiều nên không ít gia đình thường cho thuê nhà trọ kết hợp kinh doanh, kể cả mặt hàng dễ cháy, nguy cơ cháy nổ.

Do vậy, trước hết các cơ quan chức năng cần rà soát lại toàn bộ các nhà ở cho thuê trọ kết hợp với kinh doanh. Nếu phát hiện nơi có nguy cơ cao cháy nổ, đe dọa tính mạng người dân và không có lối thoát hiểm, phải có biện pháp và yêu cầu cưỡng chế, thiết kế, xây dựng thêm các lối thoát hiểm, vật cản.

Về lâu dài, khi xem xét dự thảo Luật phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cũng nên nghiên cứu để có quy định rõ ràng hơn để quản lý loại hình này. Trong đó, nghiên cứu cấm nhà ở cho thuê trọ đông người kết hợp với kinh doanh mà không có hệ thống phòng cháy chữa cháy. Đồng thời rà soát lại tiêu chuẩn, đặt ra những yêu cầu khắt khe hơn.

Cháy nhà ở Định Công Hạ, 4 người tử vong

Khoảng 18h22 ngày 16/6, Trung tâm Thông tin chỉ huy Công an Hà Nội nhận tin báo cháy nhà dân ở khu vực tầng 4 tại số nhà 207 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai. Ngay sau đó, công an thành phố điều động gần 100 cảnh sát cùng 12 xe chữa cháy, phương tiện chuyên dụng đến hiện trường phối hợp các lực lượng khác tổ chức chữa cháy.

Thời điểm xảy ra cháy, trong nhà có 7 người, trong đó 3 người chạy thoát gồm chủ nhà, con trai và con gái. Đến 20h cùng ngày, đám cháy bị khống chế hoàn toàn. Ngoài 3 người thoát nạn, qua tìm kiếm sơ bộ, các lực lượng đã phát hiện 4 thi thể. Họ gồm bà N.M.H (SN 1971) và 3 cháu nhỏ N.Đ.Đ.S (SN 2013), N.T.A (SN 2018), N.D.K. (SN 2022).

Hoàng Lam (thực hiện)

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/luat-hoa-de-ngan-nhung-vu-chay-thuong-tam-192240617233815961.htm