Luật hóa việc thực thi quy hoạch
Tuần qua, liên tiếp diễn ra 2 hội nghị lớn về quy hoạch tại TPHCM. Đó là Hội nghị báo cáo kỳ 2 về điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM và Hội nghị tham vấn quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Cả 2 hội nghị đều tập trung được rất nhiều ý kiến tâm huyết của nhiều chuyên gia cũng như đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương.
Và không chỉ 2 quy hoạch nêu trên mà theo Thủ tướng Chính phủ, trên cả nước hiện có hơn 100 quy hoạch đã được lập, thẩm định và phê duyệt. Một số lượng không nhỏ các định hướng phát triển cho nhiều địa phương và bộ ngành trên cả nước. Thế nhưng, đã có bao nhiêu quy hoạch trong số này được thực thi nghiêm túc, đúng nội dung, đúng tinh thần và đúng tiến độ đã được xác định trong quy hoạch? Chưa có câu trả lời chính xác nhưng theo nhiều chuyên gia về quy hoạch, con số đó không nhiều. Cứ nhìn vào thực tế là có thể điểm danh ngay nhiều đồ án quy hoạch gần như thực thi chẳng được bao nhiêu, cá biệt có đồ án bị “quên hoàn toàn” đúng theo nghĩa đen của từ này.
Kiến trúc sư Hoàng Minh Trí, Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nêu ví dụ, Đồ án quy hoạch chung Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng là Vùng TPHCM bao gồm 6 địa phương Đông Nam bộ và Long An, Tiền Giang được lập lần đầu năm 2008, điều chỉnh năm 2017 xác định khá rõ đặc trưng và yêu cầu kết nối giữa các địa phương trong phát triển, nhưng đến nay tính liên kết vùng vẫn rất lỏng lẻo. Hầu hết các địa phương vẫn ưu tiên mục tiêu phát triển của địa phương mình.
Nhận định tương tự cũng đã được nhiều chuyên gia nêu ra trong Hội nghị tham vấn quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Hậu quả, có nhiều vấn đề mà nếu cùng nhau giải quyết, có lẽ nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã không gặp khó như hiện nay. Việc xử lý rác chẳng hạn, nếu hình thành được khu xử lý rác thải lớn, hiện đại cho cả vùng thì nhiều địa phương đã không còn phải loay hoay tìm giải pháp xử lý rác vừa hiệu quả, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đồ án quy hoạch phát triển đô thị về hướng Nam của TPHCM được lập và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1994 gần như đã bị lãng quên trong suốt quá trình đô thị hóa của vùng đất này. Theo một kiến trúc sư trong Hội Quy hoạch đô thị TPHCM, đồ án quy hoạch nêu trên xác lập rất rõ nguyên tắc phát triển đô thị ở đây, đó là hình thành các cụm đô thị nén, dành phần lớn không gian còn lại để bảo tồn hệ thống sông, kênh rạch cùng các vùng đất thấp, trũng, ngập tự nhiên.
Theo nhiều chuyên gia đô thị, thiếu chế tài trong thực thi quy hoạch, là nguyên nhân chính gây ra tình trạng nhiều đồ án quy hoạch chưa được thực thi nghiêm túc. Đáng nói, lỗ hổng này đã được chỉ ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa được xử lý kịp thời. Mỗi lần tổng kết việc thực thi quy hoạch đều có phân tích, đánh giá cái làm được và cái chưa làm được, nhưng ai, tổ chức nào phải chịu trách nhiệm về những việc chưa làm được thì vẫn chưa rõ. Có thể do việc thực thi quy hoạch, nhất là các đồ án quy hoạch lớn không đơn giản ở một cá nhân, một đơn vị nên khó xác định trách nhiệm thuộc về ai? Cũng có thể có nguyên nhân này và thậm chí còn có nguyên nhân khác nữa nhưng đưa ra một quy hoạch mà không có quy định để đảm bảo quy hoạch đó được thực thi nghiêm túc thì rất khó để có một quy hoạch được triển khai thành công như mong muốn. Thực tế đã chứng minh điều này nên đã đến lúc cần bổ sung quy định pháp luật về thực thi quy hoạch.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luat-hoa-viec-thuc-thi-quy-hoach-post715985.html