Luật không nên cấm quảng cáo tổ chức hành nghề công chứng

Thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng, các tài liệu trong hồ sơ đã bảo đảm đầy đủ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước góp ý nhiều nội dung vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước góp ý nhiều nội dung vào dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 78 điều, được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 9 điều, sửa đổi 61 điều, giảm bớt 12 điều và bổ sung 9 điều mới trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.

Về hành vi bị cấm quy định tại Điều 7, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng: Luật cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng là chưa phù hợp với thực tiễn. Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Nghị quyết 172 của Chính phủ năm 2020 về chính sách phát triển nghề công chứng đã có định hướng: “Khuyến khích cá nhân, tổ chức thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch, góp phần giảm tải công việc của cơ quan hành chính, giảm biên chế và chi ngân sách nhà nước”. Vì vậy, việc giới thiệu, quảng cáo về tổ chức hành nghề công chứng, công chứng viên sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có nhiều thông tin đối với hoạt động công chứng và tổ chức hành nghề công chứng, nhất là đối với các tổ chức hành nghề công chứng mới được thành lập.

Về quyền và nghĩa vụ công chứng viên, đề nghị bổ sung vào Khoản 2, Điều 16, là công chứng viên không được thành lập hoặc tham gia thành lập văn phòng công chứng mới trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh. Quy định như vậy để bảo đảm tính ổn định trong hoạt động cũng như trách nhiệm của công chứng viên hành nghề công chứng, đồng thời phù hợp quy định của Luật Doanh nghiệp.

Đối với quy định công chứng giao dịch đã được soạn thảo sẵn tại Điều 39, dự thảo luật có quy định: trường hợp tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được bán đấu giá để thi hành án mà chưa được cấp giấy chứng nhận nhưng đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận hoặc đã được cấp giấy chứng nhận nhưng không thu hồi được giấy chứng nhận thì phải có văn bản xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự kèm theo tài liệu chứng minh. Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, nội dung này qua thực tiễn còn nhiều vấn đề đặt ra. Trong khi đó việc chứng nhận các giao dịch khi chưa có giấy chứng nhận thì tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp rất là cao. Vì vậy, Ban soạn thảo chỉ nên quy định về nguyên tắc chung là có bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu hoặc giấy tờ thay thế được pháp luật quy định đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng trong trường hợp là giao dịch liên quan đến tài sản đó.

Về công chứng điện tử, đại biểu Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh: Đây là vấn đề khá quan trọng và có tác động lớn đến sự ổn định, phát triển của hoạt động công chứng Việt Nam trong thời gian tới. Do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát lại công chứng điện tử trực tuyến hay là trực tiếp. Thực tế chúng ta đã thực hiện các thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến nhưng khi bổ sung giấy tờ, hồ sơ thì lại là trực tiếp, nên chưa giải quyết được căn cơ những hạn chế này.

Đối với nguyên tắc thành lập tổ chức hành nghề công chứng, đề nghị luật quy định cụ thể hơn. Vì công chứng vừa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư, vừa là ngành nghề để hỗ trợ tư pháp, thuộc dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cũng nêu thực tế Luật Công chứng hiện hành và dự thảo luật sửa đổi chưa có cơ chế để kiểm soát việc thực hiện công chứng là có đúng quy trình công chứng hay không. Công chứng viên có thực hiện việc xác minh, giám định trên thực tiễn hay chỉ thực hiện trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ, tài liệu do người yêu cầu công chứng cung cấp. Do đó, Ban soạn thảo cũng phải nghiên cứu bổ sung quy định cơ chế hậu kiểm theo quy định pháp luật, đặc biệt là có quy định xử lý vi phạm trong trường hợp thực hiện quy trình công chứng chưa đầy đủ, chưa phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của công chứng. Đây là một vấn đề thực tiễn, dù đưa vào dự thảo luật cũng khó nhưng vẫn phải triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Trần Thể

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/158963/luat-khong-nen-cam-quang-cao-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung