Luật mới gây tranh cãi tại Ukraine giữa lúc cuộc chiến căng thẳng
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hứa sẽ ban hành luật mới trong bối cảnh các cuộc biểu tình tiếp diễn cũng như làn sóng phản đối một đạo luật được thông qua đầu tuần này mà các nhà phê bình cho rằng làm suy yếu cuộc chiến chống tham nhũng tại Ukraine.

Người biểu tình tập trung tại Kiev phản đối luật mới. Ảnh Guardian.
Luật gây tranh cãi được thông qua hôm 22/7, đặt Cục Chống Tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) và Viện Công tố Chuyên trách Chống Tham nhũng (SAPO) dưới quyền quản lý trực tiếp của Tổng Công tố viên Ukraine, một quan chức do Tổng thống bổ nhiệm. Những người chỉ trích cho rằng luật này tước bỏ tính độc lập của các cơ quan và có thể cho phép can thiệp chính trị.
Mặc dù ông Zelensky đã lên tiếng bảo vệ, cho rằng luật này là một phản ứng cần thiết đối với nghi ngờ “ảnh hưởng của Nga” trong các cơ quan nói trên, nhưng các quan chức Liên minh Châu Âu và các nhóm nhân quyền cho rằng luật này không chứa bất kỳ điều khoản cụ thể nào nhằm vào các nhân vật có liên hệ với Điện Kremlin và cảnh báo rằng nó có thể làm chệch hướng bất kỳ nỗ lực gia nhập Liên minh Châu Âu nào của Ukraine.
“Tôi đã phân tích tất cả các mối lo ngại”, ông Zelensky viết trên X sau cuộc họp với các quan chức chính phủ và thực thi pháp luật hàng đầu.
Về đề xuất dự luật mới, ông cho biết: “Chúng tôi sẽ chuẩn bị và trình lên Verkhovna Rada (Quốc hội) một dự luật nhằm đảm bảo sức mạnh của hệ thống pháp quyền. Sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng hay can thiệp nào của Nga... và tất cả các chuẩn mực về tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng sẽ được áp dụng”.
Tối 22/7, hàng ngàn người Ukraine đã tập trung tại Kiev và các thành phố lớn khác trong các cuộc biểu tình hiếm hoi thời chiến. Hơn 1.000 người biểu tình đã bất chấp lệnh thiết quân luật, vốn cấm các cuộc tụ tập đông người, để bày tỏ sự phẫn nộ đối với chính phủ. Các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trong ngày 23/7.
Việc thanh lọc tham nhũng có hệ thống từ lâu đã là một yêu cầu cốt lõi để Ukraine gia nhập EU và để giải phóng hàng tỷ USD viện trợ nước ngoài. Việc thông qua luật này có nguy cơ khiến các đồng minh phương Tây của Kiev xa lánh khi cuộc chiến vẫn tiếp diễn.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã yêu cầu ông Zelensky “giải thích” về động thái này, và người phát ngôn Ủy ban châu Âu xác nhận rằng bà đã bày tỏ “những lo ngại sâu sắc về hậu quả của các sửa đổi”.
“Cơn bão” phản đối bùng nổ vài ngày sau khi lực lượng thực thi pháp luật đột kích các văn phòng của NABU và bắt giữ một nhân viên vì nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Một nhân viên khác bị cáo buộc có quan hệ kinh doanh bất hợp pháp với Moscow. Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) cũng đã tiến hành khám xét và bắt giữ liên quan đến các cáo buộc vi phạm khác.
Ông Zelensky cho rằng những sự cố này là lý do chính đáng cho việc thông qua luật hôm 22/7, nhưng các nhà phân tích đã cảnh báo rằng những thay đổi này có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng vào sự lãnh đạo của ông trong giai đoạn quan trọng của cuộc chiến.
NABU được thành lập năm 2015, đã điều tra nhiều vụ án nổi cộm, bao gồm cả những nhân vật thân cận với chính quyền của ông Zelensky.
Bão lửa chính trị có nguy cơ tạo ra những rạn nứt sâu sắc hơn trong nội bộ Ukraine vào thời điểm mà sự đoàn kết là yếu tố sống còn trong cuộc chiến của Kiev với Nga.