Luật Phòng, chống mua bán người sửa đổi lấy nạn nhân, 'người trong quá trình xác định là nạn nhân' làm trung tâm

'Việc bổ sung đối tượng là 'người đang trong quá trình xác định là nạn nhân' vào dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) là quy định mới quan trọng, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta '…

Góp ý kiến vào dự án Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi), đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn, tổ chức hội thảo khoa học, tọa đàm đánh giá tác động, rà soát các cam kết đánh giá quốc tế có liên quan, thảm khảo nhiều hệ thống pháp luật của các nước, đồng thời tiếp thu giải trình đầy đủ ý kiến các cơ quan tổ chức có liên quan.

So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo Luật giữ nguyên số chương, sửa đổi, bổ sung nội dung 52/58 điều, xây dựng mới 9 điều, bỏ 1 điều, tập trung vào một số nội dung cơ bản, cụ thể nên tên gọi là Luật Phòng chống mua bán người (sửa đổi) là phù hợp.

Về phạm vi và tên gọi của Luật, so với Luật Phòng, chống mua bán người 2011, dự thảo Luật bổ sung “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và “điều kiện bảo đảm phòng, chống bán người”; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người vào phạm vi điều chỉnh.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận

Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phát biểu thảo luận

Tán thành việc bổ sung các nội dung trên vào phạm vi điều chỉnh của Luật, đại biểu cho rằng, điều này phù hợp với 3 nhóm chính sách lớn đã được nêu trong Tờ trình 435/TTr-CP của Chính phủ, đồng thời, cơ bản bao quát được các nội dung có liên quan đến công tác phòng, chống mua bán người và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Về đối tượng điều chỉnh của Luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà đồng tình với quy định của dự thảo Luật và nhận thấy, so với Luật hiện hành, việc bổ sung đối tượng là “người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” và quy định họ được hưởng một số chế độ như nạn nhân (nhu cầu thiết yếu, chi phí đi lại, y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý) là phù hợp. Đồng thời, “người thân thích” của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân cũng được bảo vệ như nạn nhân, người thân thích của nạn nhân.

Việc bổ sung đối tượng này là một chính sách lớn, quan trọng, khẳng định sâu sắc hơn chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng, chống mua bán người. Quy định này cũng phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với thực tế và thể hiện rõ hơn nguyên tắc lấy “nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân” làm trung tâm.

Về sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà nhận định, quy định của dự thảo Luật về cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện và phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến công tác phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống mua bán người nói riêng.

Đồng thời, dự thảo Luật cũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và cơ bản phù hợp một số luật có liên quan như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Tố cáo... Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định khác của pháp luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-sua-doi-lay-nan-nhan-nguoi-trong-qua-trinh-xac-dinh-la-nan-nhan-lam-trung-tam-post579002.antd