Luật quy định thế nào về việc 2 viện kiểm sát cùng kháng nghị phúc thẩm?

Theo quy định của BLTTHS, cả viện kiểm sát cùng cấp và viện kiểm sát cấp trên trực tiếp đều có quyền kháng nghị phúc thẩm khi có căn cứ cho rằng bản án sơ thẩm không đúng quy định pháp luật.

Mới đây, Viện trưởng Viện Công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM - VKSND Tối cao (Viện phúc thẩm 3) đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đối với một số bị cáo trong vụ án Nguyễn Phi Hùng, Nguyễn Văn Quân và đồng phạm về tội mua bán trái phép hóa đơn và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Vụ án xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Kháng nghị của Viện phúc thẩm 3 đã kháng nghị một phần bản án của TAND tỉnh Tây Ninh, đề nghị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm theo hướng tăng nặng hình phạt, không áp dụng hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số bị cáo.

 Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh và Viện trưởng Viện phúc thẩm 3 cùng kháng nghị phúc thẩm vụ vận chuyển hơn 5.700 tỉ đồng sang Campuchia. Ảnh minh họa.

Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh và Viện trưởng Viện phúc thẩm 3 cùng kháng nghị phúc thẩm vụ vận chuyển hơn 5.700 tỉ đồng sang Campuchia. Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 7-7, Viện trưởng VKSND tỉnh Tây Ninh cũng đã có quyết định kháng nghị phúc thẩm đối với một phần bản án hình sự sơ thẩm, tăng nặng hình phạt đối với hai bị cáo Hùng và Quân.

Từ vụ này, nhiều bạn đọc thắc mắc cùng một vụ án mà hai VKS kháng nghị có được không?

PGS.TS Lê Huỳnh Tấn Duy – Phó Trưởng Khoa Luật Hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết Điều 336 BLTTHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021, 2025; gọi tắt là BLTTHS) quy định VKS cùng cấp, VKS cấp trên trực tiếp có quyền kháng nghị bản án hoặc quyết định sơ thẩm.

Thời hạn kháng nghị của VKS cùng cấp đối với bản án của tòa án cấp sơ thẩm là 15 ngày, của VKS cấp trên trực tiếp là 30 ngày kể từ ngày tòa án tuyên án (Điều 337 BLTTHS).

Như vậy, cả VKS cùng cấp và VKS cấp trên trực tiếp đều có quyền kháng nghị phúc thẩm khi có căn cứ cho rằng bản án sơ thẩm không đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên, về lý thuyết lẫn thực tiễn có thể xảy ra các trường hợp sau:

- Trường hợp thứ nhất là hai quyết định kháng nghị bổ sung cho nhau. Đối với trường hợp này, tòa án sẽ xem xét cả hai quyết định kháng nghị.

- Trường hợp thứ hai là hai quyết kháng nghị mâu thuẫn nhau. Đối với trường hợp này, VKS cùng cấp và VKS cấp trên trực tiếp có thể áp dụng các quy định sau đây để giải quyết.

Theo khoản 1 Điều 342 BLTTHS, trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, VKS ra quyết định kháng nghị hoặc VKS cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.

Khoản 2 Điều 41 Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự (Ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18-12-2017 của Viện trưởng VKSND Tối cao) quy định: Trường hợp trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp rút kháng nghị của Viện trưởng VKS cấp dưới thì phải có văn bản trao đổi với Viện trưởng VKS cấp dưới. Nếu Viện trưởng VKS cấp dưới không nhất trí thì Viện trưởng VKS cấp trên quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định đó.

Cách giải quyết này phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của VKSND được quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Tổ chức VKSND 2014.

Theo đó, VKSND do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng VKSND cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng VKSND cấp trên.

Viện trưởng các VKS cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND Tối cao. VKS cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của VKS cấp dưới. Viện trưởng VKS cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng VKS cấp dưới.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/luat-quy-dinh-the-nao-ve-viec-2-vien-kiem-sat-cung-khang-nghi-phuc-tham-post861790.html