Luật Robot của Trung Quốc: Thượng Hải công bố hướng dẫn robot hình người đầu tiên
Trong Hội nghị Trí tuệ Nhân tạo Thế giới được tổ chức tại Thượng Hải mới đây, các nhà cầm quyền đã công bố các hướng dẫn liên quan đến phát triển robot hình người…
Theo bộ hướng dẫn mới, các nhà sản xuất robot hình người phải đảm bảo sản phẩm của họ “không đe dọa đến an ninh con người” và “đảm bảo nhân phẩm”. Ngoài ra, các nhà sản xuất robot cũng nên thực hiện các biện pháp bao gồm thiết lập các quy trình cảnh báo rủi ro và hệ thống ứng phó khẩn cấp,...
Theo tờ South China Morning Post, tài liệu hướng dẫn được tham vấn bởi 5 tổ chức công nghiệp có trụ sở tại Thượng Hải, trong đó có 3 Hiệp hội lớn – Hiệp hội Luật Thượng Hải, Hiệp hội Công nghiệp Trí tuệ Nhân tạo Thượng Hải và Trung tâm Đổi mới Robot hình người Quốc gia và Địa phương.
Bên cạnh đưa ra hướng dẫn, các quan chức Thượng Hải cũng kêu gọi sự hợp tác toàn cầu trong lĩnh vực robot hình người bằng cách khuyến nghị thiết lập khuôn khổ quản trị toàn cầu và thành lập hiệp hội chuyên gia cố vấn quốc tế chuyên quản lý máy móc.
Tại sự kiện, ông lớn của Mỹ, Tesla đã giới thiệu thế hệ thứ hai của robot hình người Optimus, thu hút sự quan tâm của đông đảo những người tham gia, mặc dù nó được đặt sau kính và không di chuyển hay tương tác. Optimus, được phát triển bằng mạng lưới thần kinh và công nghệ thị giác máy tính của chính Tesla, hiện vẫn chưa được đưa vào sản xuất quy mô lớn, nhưng dự kiến sẽ được thương mại hóa trong năm sau.
Trong số 18 robot hình người được trưng bày tại hội nghị hầu hết đều đến từ các nhà triển lãm Trung Quốc, trong bối cảnh các công ty này đang chạy đua để phát triển những cỗ máy hữu ích hơn.
Theo kế hoạch do Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) công bố vào tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt robot hình người vào năm 2025 và tham vọng dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực này vào năm 2027. MIIT cho biết đến năm 2027, robot hình người sẽ trở thành “động cơ tăng trưởng kinh tế mới quan trọng” ở Trung Quốc.
Được biết, robot dự kiến sẽ được Trung Quốc sử dụng phổ biến trong các ngành công nghiệp bao gồm chăm sóc sức khỏe, dịch vụ gia đình, nông nghiệp và hậu cần.
Các công ty Trung Quốc đang nỗ lực bắt kịp các công ty cùng ngành của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng như AI. Theo dữ liệu do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới công bố hôm thứ Tư, các công ty Trung Quốc có số hồ sơ bằng sáng chế AI nhiều gấp sáu lần so với Mỹ trong thập kỷ từ 2014 đến 2023.