Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật

*Bạn đọc N.T.T. (thị xã An Khê) hỏi: Từ năm 2020 đến 2022, bà L.T.B.B. ở cùng địa phương có vay tiền tôi nhiều lần với tổng số tiền 600 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận 2%/tháng. Khi vay, tôi có tìm hiểu về hoàn cảnh kinh tế của bà B. và biết bà này có đứng tên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trị giá khoảng 4 tỷ đồng.

Kể từ khi vay, bà B. không trả tiền lãi cho tôi. Đầu năm 2022, bà B. làm thủ tục tặng cho toàn bộ tài sản của mình cho con ruột mà không trả nợ cho tôi. Sau đó, tôi phát hiện hành vi nêu trên của bà B. Vậy tôi phải làm như thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Để đảm bảo quyền lợi của mình, bà có quyền nộp đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với hành vi của bà B. về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể như sau:

"1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm".

Chiếu theo quy định nêu trên thì hành vi của B. đã đủ dấu hiệu cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Bởi lẽ, thông qua hợp đồng vay tài sản theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, bà B. đã nhận tài sản từ bà với số tiền 600 triệu đồng. Để tạo lòng tin cho việc vay tài sản, bà B. có cung cấp thông tin tài sản của mình cho bà biết. Sau đó, bà B. đã dùng thủ đoạn gian dối thông qua hành vi lén lút tặng cho tài sản của mình cho con ruột để chiếm đoạt tài sản của bà.

Ngoài ra, tại thời điểm trước khi tặng cho toàn bộ tài sản của mình cho con ruột thì bà B. đủ điều kiện, khả năng trả nợ nhưng vẫn cố tình không trả mà tặng cho tài sản để không trả nợ cho bà. Điều này đã thể hiện rõ ý thức chiếm đoạt tài sản của bà B. Do đó, có thể khẳng định rằng hành vi của bà B. đã thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017): "Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

GLO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-post256498.html