Luật sư nói về khả năng Hồ Duy Hải được giải tội oan

Càng lúc vụ án Hồ Duy Hải càng bộc lộ những oan trái bí hiểm và chuỗi vi phạm nghiêm trọng các quy định tố tụng.

Những người thân của Hồ Duy Hải ròng rã kêu oan hơn 10 năm qua - Ảnh: Anh Vũ

Những người thân của Hồ Duy Hải ròng rã kêu oan hơn 10 năm qua - Ảnh: Anh Vũ

Hơn cả các cuốn phim hình sự của Hollywood, hơn 12 năm qua, vụ án đã trải qua những tình huống bước ngoặt hết sức bất ngờ: 2 cô gái bị thảm sát trong đêm, hàng chục người có liên quan bị câu lưu, triệu tập rồi 2 tháng sau đột nhiên Hồ Duy Hải - 1 sinh viên mới 20 tuổi, bị khởi tố và sau đó bị tuyên án tử hình vì tội giết người với những hung khí gây án được mua ngoài chợ và hàng loạt dấu hiệu như vết máu, vân tay tại hiện trường của một ai đó (không phải Hải) được cơ quan tố tụng bỏ qua.

Cách 1 ngày trước khi thi hành án - ngày 4.12.2014, Chủ tịch nước chỉ đạo tạm hoãn và xem xét lại hồ sơ. Đoàn Kiểm tra liên ngành Tối cao được thành lập để kiểm tra. Ủy ban Tư pháp Quốc hội trực tiếp giám sát và phát hiện ra hàng chục vi phạm tố tụng mà chỉ cần 1 trường hợp vi phạm đã phải hủy án.

Người nhà Hồ Duy Hải trong một lần đi thăm nuôi - Ảnh: Anh Vũ

Sau 12 năm án có hiệu lực, ngày 30.11.2019, Viện KSND Tối cao mới kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy toàn bộ án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. Quyết định này cũng thu hồi quyết định không kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhiệm kỳ trước và chỉ ra rất nhiều điểm vi phạm của các cơ quan tố tụng.

Luật sư Trần Hồng Phong - Đoàn Luật sư TP.HCM, người hỗ trợ pháp lý kêu oan cho Hồ Duy Hải, đã đánh giá cao và phân tích ý nghĩa của quyết định kháng nghị này như sau:

“'Quyết định của Viện KSND Tối cao tuy chưa kết luận điều gì, nhưng có thể nói có ý nghĩa mang tính bản lề và chuyển biến sau 12 năm gia đình mòn mỏi kêu oan, tố giác và chờ đợi.

Cụ thể là mở ra cơ hội để điều tra lại, và có thể là sẽ truy tố và xét xử lại (nếu cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xác định Hồ Duy Hải là nghi phạm gây án). Đây cũng chính là cơ hội để gia đình và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải, hướng đến mục tiêu giải oan, trắng án cho Hải”.

Luật sư Trần Hồng Phong - Ảnh: Anh Vũ

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về tiến trình sắp tới của kỳ án, đồng thời cung cấp cho bạn đọc những kiến thức pháp luật tố tụng Việt Nam, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Hồng Phong về những tình huống, những kịch bản có thể xảy ra trong kỳ án Hồ Duy Hải:

- Thưa luật sư, theo pháp luật Việt Nam, sau khi Viện KSND Tối cao kháng nghị bản án thì TAND Tối cao có quyền và trách nhiệm gì?

Theo quy định tại Bộ Luật Tố tụng hình sự của Việt Nam, sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, trong thời hạn 4 tháng, Hội đồng Thẩm phán của TAND Tối cao sẽ tổ chức 1 phiên tòa gọi là phiên tòa giám đốc thẩm, để xem xét các vấn đề và yêu cầu nêu trong quyết định kháng nghị của Viện KSNDTối cao.

Hội đồng Thẩm phán sẽ xem xét toàn diện vụ án mà không bị hạn chế trong phạm vi nào. Hội đồng Thẩm phán sẽ đưa ra quyết định của mình bằng hình thức bỏ phiếu, thể hiện tại 1 văn bản gọi là Quyết định giám đốc thẩm. Phiên tòa giám đốc thẩm có sự tham gia của đại diện Viện KSND Tối cao và cũng có thể họ sẽ mời luật sư bào chữa tham gia.

Trong quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán giám đốc thẩm, sẽ thể hiện nội dung chấp nhận hoặc không chấp nhận quyết định kháng nghị (yêu cầu) của Viện KSND Tối cao. Nếu chấp nhận kháng nghị, tức là sẽ chính thức hủy cả 2 bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) kết tội đối với Hồ Duy Hải và trả hồ sơ về cho cơ quan điều tra tiến hành điều tra lại, theo hướng khắc phục những sai sót, vi phạm trước đây. Theo tôi, khả năng này cao và trong tình huống này Hồ Duy Hải sẽ lại trở thành 1 bị can chứ không là tội phạm như hiện nay nữa.

- Trong tình huống Hội đồng Thẩm phán không chấp nhận kháng nghị của Viện KSND Tối cao, thì còn có cơ quan, tổ chức nào có thể kiến nghị, xem xét bản án? Hồ Duy Hải và gia đình có còn cửa nào để cầu cứu? Vụ án đã xảy ra quá lâu, ngay thời điểm đó vật chứng gây án đã phải mua ngoài chợ, dấu vân tay, vết máu trên hiện trường đã không phải là của Hồ Duy Hải, nếu điều tra lại thì làm sao có được chứng cứ giết người? Cơ quan điều tra có quyền và trách nhiệm gì khi điều tra lại?

Trong quá trình điều tra lại, nếu không có đủ căn cứ kết tội Hồ Duy Hải, thì các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ban hành quyết định đình chỉ vụ án. Tức là Hồ Duy Hải sẽ được tuyên bố là không phạm tội. Còn nếu vẫn kết tội thì Hồ Duy Hải sẽ bị đưa ra xét xử lại, từ sơ thẩm, rồi phúc thẩm. Nói chung phía trước vẫn còn cả một chặng đường khá dài với nhiều khả năng, tình huống.

- Về hệ quả tiếp theo, nếu Cơ quan điều tra chủ động đình chỉ điều tra, tuyên bố Hồ Duy Hải vô tội thì cơ quan nào chịu trách nhiệm bồi thường oan sai? Ai có thẩm quyền này và thủ tục thế nào? Nếu cơ quan điều tra tiếp tục cáo buộc Hồ Duy Hải phạm tội thì Viện KSND có quyền phủ quyết, không truy tố và tuyên bố Hồ Duy Hải vô tội hay không?

Theo tôi, tình huống tốt nhất cho Hồ Duy Hải là TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm theo hướng hủy án, điều tra lại như kháng nghị của Viện KSND Tối cao. Sau đó trong quá trình điều tra đi đến kết luận là không đủ căn cứ buộc tội Hồ Duy Hải hoặc tìm ra 1 nghi can khác, Cơ quan Điều tra sẽ ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Hồ Duy Hải. Tức là Hồ Duy Hải vô tội và đã bị kết án oan. Cá nhân tôi tin tưởng đây là khả năng cao, nhất là nếu Cơ quan Điều tra tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội.

Luật sư và tác giả - Ảnh: CTV

Còn trường hợp xấu nhất thì nói thật là tôi không nghĩ tới và cũng không tin sẽ xảy ra. Vì tôi là người đã nghiên cứu rất sâu về hồ sơ này, nên tôi có cơ sở để tin rằng hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải, ít nhất là theo kết quả điều tra đến thời điểm hiện nay. Nếu nghĩ xấu đi, tôi đã không cố gắng kêu oan cho Hồ Duy Hải như đã từng trong nhiều năm qua.

- Trong thời gian hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải, luật sư có được tiếp xúc đầy đủ với thân chủ để bào chữa, có điều kiện cố vấn tốt nhất cho Hồ Duy Hải không?

Thật đáng ngạc nhiên là tôi và các luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải ở giai đoạn kêu oan hiện nay đều không được gặp Hồ Duy Hải trong suốt thời gian qua. Mặc dù đã có đơn đề nghị! Nói một cách khách quan, thì luật sư bị hạn chế rất nhiều và kém hiệu quả khi không được tiếp xúc, trao đổi với thân chủ. Mặc dù về lý thuyết theo quy định thì đây là quyền của luật sư.

Trên thực tế, các luật sư cũng không được tiếp cận đầy đủ hồ sơ vụ án. Nhiều tài liệu đã bị rút khỏi hồ sơ vụ án. Chẳng hạn như nay đọc kháng nghị của Viện KSND Tối cao, tôi mới biết là Hồ Duy Hải có bản khai không nhận tội ngày 20.3.2008 ngay trước khi bị bắt. Lâu nay tôi cứ nghĩ bản khai ngày 21.3.2008 là bản khai đầu tiên của Hồ Duy Hải.

Anh Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/goc-luat-su-c-114/luat-su-noi-ve-kha-nang-ho-duy-hai-duoc-giai-toi-oan-127198.html