Luật sư phân tích pháp lý về vụ việc tài xế đi nộp phạt giao thông thì tông ba người tử vong

Trên đường lái xe đi nộp phạt giao thông, tài xế tông ba người trong gia đình tử vong thì có bị coi là vi phạm nhiều lần?

Mới đây, thông tin về việc trên đường lái xe đi nộp phạt giao thông, tài xế ô tô bán tải ở Đắk Lắk tông ba người trong gia đình tử vong và đã bị khởi tố hình sự (chi tiết tại đây). Vậy vấn đề pháp lý được đặt ra trong trường hợp này là chuỗi hành vi mà tài xế đã thực hiện có được xác định là “Vi phạm nhiều lần” theo quy định của pháp luật hay không?

 Khu vực xảy ra tai nạn. Ảnh: TIẾN THOẠI

Khu vực xảy ra tai nạn. Ảnh: TIẾN THOẠI

Trao đổi với PLO, Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo mô tả diễn biến sự việc, có thể thấy rằng tài xế đã thực hiện hai hành vi vi phạm pháp luật:

Hành vi thứ nhất: Vi phạm quy định giao thông đường bộ và đang đi nộp phạt. Đây là vi phạm hành chính, nhưng lại gây ra sự cố dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng.

Hành vi thứ hai: Vi phạm nghiêm trọng hơn về tham gia giao thông đường bộ, khi tài xế đã lái xe gây tai nạn khiến 3 người tử vong. Đồng thời, tại thời điểm xảy ra vụ việc, tài xế còn sử dụng ma túy.

Các hành vi này có thể dẫn đến kết luận rằng tài xế đã vi phạm nhiều lần trong một chuỗi sự kiện liên tiếp, với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hay không? Để đưa ra đánh giá chính xác, cần phải phân tích trên hai góc độ:

Góc độ vi phạm hành chính

Theo quy định tại khoản 6 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), “vi phạm hành chính nhiều lần” là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính tương tự nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.

Xét thấy trong vụ việc:

Một là hành vi vi phạm trước đó (dẫn đến việc tài xế đi nộp phạt) là vi phạm hành chính về an toàn giao thông.

Hai là hành vi gây tai nạn làm chết 3 người là hành vi vi phạm hình sự, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, hai hành vi này có bản chất pháp lý khác nhau (một là hành vi vi phạm hành chính, một là hành vi vi phạm hình sự). Mặc dù các hành vi này xảy ra liên tiếp trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng theo quy định về xử lý vi phạm hành chính thì không được coi là “vi phạm nhiều lần”.

Luật sư Võ Đan Mạch, Đoàn Luật sư TP.HCM

Góc độ vi phạm pháp luật hình sự: Có phải tình tiết tăng nặng “Phạm tội 2 lần trở lên” không?

Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS, “phạm tội 02 lần trở lên” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, BLHS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có hướng dẫn chi tiết về tình tiết này. Do đó, có thể tham khảo tinh thần của Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV, theo đó, “phạm tội nhiều lần” được hiểu là đã thực hiện hai lần phạm tội trở lên, và mỗi lần phạm tội phải có đủ yếu tố cấu thành tội phạm và chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự về lần phạm tội trước.

Áp dụng vào vụ việc, để xác định liệu tài xế có phạm tội nhiều lần hay không, cần xem xét hai yếu tố:

Thứ nhất, hành vi vi phạm giao thông trước đó chỉ là một vi phạm hành chính, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo BLHS.

Thứ hai, hành vi gây tai nạn có thể cấu thành tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo quy định tại Điều 260 BLHS.

Vì vậy, hành vi vi phạm giao thông trước đó không thể coi là một lần phạm tội theo quy định của BLHS. Do đó, tài xế không thể bị coi là “phạm tội 02 lần trở lên”.

Mặc dù hành vi vi phạm giao thông trước đó không cấu thành tội phạm và không thể coi là “phạm tội 2 lần trở lên” theo quy định của BLHS, nhưng tài xế vẫn có thể bị áp dụng các tình tiết tăng nặng khác. Cụ thể, trong vụ việc này, những tình tiết tăng nặng có thể được xem xét bao gồm: Làm chết người; Tình trạng sử dụng rượu, bia, ma túy.

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-su-phan-tich-phap-ly-ve-vu-viec-tai-xe-di-nop-phat-giao-thong-thi-tong-ba-nguoi-tu-vong-post834796.html